Thế giới tìm kiếm năng lượng thay thế trong tương lai

Theo cảnh báo của Tổ chức Năng lượng thế giới và các nhà khoa học, nguồn xăng dầu trên toàn cầu chỉ còn sử dụng được trong khoảng 50 năm nữa. Trong khi đó, việc chưa có bất kì dạng năng lượng thay thế nào thì nguồn nhiên liệu sinh học (NLSH) đang được xem là giải pháp khả thi nhất để bảo đảm an ninh năng lượng trong tương lai…

TS Đặng Tùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng vượt khả năng cung cấp và chịu nhiều biến động do tập trung trữ lượng chủ yếu tại các khu vực có tình hình chính trị bất ổn là Trung Đông, Trung Á… Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài và phát triển bền vững, nhiều quốc gia trong vòng 2-3 thập kỉ qua đã tập trung nghiên cứu, sử dụng NLSH gồm xăng/diesel pha ethanol và diesel sinh học thay thế một phần xăng, dầu khoáng có nguồn gốc hóa thạch, tiến tới xây dựng ngành “xăng dầu sạch”.

Hiện có khoảng 50 nước khai thác và sử dụng NLSH ở các mức độ khác nhau. Năm 2003, toàn thế giới đã sản xuất khoảng 38 tỉ lít ethanol thì đến năm 2005 con số này đã lên đến 50 tỉ lít và đạt 80 tỉ lít vào năm 2012. Năm 2005, diesel sinh học (biodiesel) nguồn gốc động – thực vật đạt 4 triệu tấn và sẽ đạt mức 20 triệu tấn vào năm 2010.

Trong số quốc gia phát triển NLSH, Brazil là điển hình do có chiến lược phát triển từ rất sớm. Nước này đi đầu thế giới về sử dụng ethanol làm nhiên liệu ở quy mô công nghiệp, với lượng sử dụng năm 2006 là 16 tỉ lít. Các loại xăng sử dụng tại đây đều được pha chế 25% ethanol (E25). Brazil hiện có 17 triệu ô tô sử dụng E25 và 3 triệu ô tô sử dụng 100% ethanol. Thành công này bắt nguồn từ chương trình nghiên cứu, sản xuất NLSH có từ năm 1975. Mô hình sản xuất NLSH của Brazil đang được nhiều nước học tập.

Mỹ là quốc gia sản xuất ethanol lớn nhất thế giới – 19 tỉ lít/ năm 2006, chiếm 3% thị trường xăng của nước này. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã có kế hoạch đẩy sản lượng ethanol lên 200 tỉ lít vào năm 2030. Để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch, Mỹ giảm thuế 0,5 USD/gallon ethanol và 1 USD/gallon diesel sinh học; trợ giá cho nông dân trồng đậu tương, ngô cũng như ban hành các đạo luật sử dụng nhiên liệu sạch. Tổng thống Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng nước này sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ từ nước ngoài bằng cách tăng đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ mới sản xuất năng lượng sạch, trong đó có NLSH.

Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia,… đều đã có chiến lược dài hơi, tạo thành công khả quan trong việc phát triển NLSH. Từ năm 1985, Thái Lan đã triển khai dự án do nhà vua đề xướng để phát triển công nghệ sản xuất ethanol từ sắn và diesel sinh học dầu cọ.

Tháng 09/2000, nước này thành lập ủy ban ethanol quốc gia để điều hành chương trình phát triển NLSH; tháng 08/2002 ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng cho các nhà đầu tư vào NLSH và điều tiết thuế để gasohol (E10) có giá bán thấp hơn 0,5 bạt/lít so với xăng. Hiện nay, 4,3 triệu lít xăng E10 (10% ethanol) được tiêu thụ mỗi ngày. Thái Lan khẳng định sẽ sử dụng E10 và B10 (10% diesel sinh học) trong cả nước vào thập kỉ tới.

Có thể khẳng định rằng, phát triển và sử dụng NLSH đang là xu thế của nhiều quốc gia trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng. Các nước như Mỹ, Đức, Canada, Trung Quốc,… đang hoàn thiện công nghệ sản xuất ethanol và diesel sinh học từ sinh khối, nguồn nguyên liệu tái tạo dồi dào và rẻ. Điều đó cho phép tin rằng trong vài năm tới, giá NLSH sẽ thấp hơn hiện tại, cạnh tranh với xăng dầu khoáng.

Một vài nét chấm phá trên cho thấy NLSH có sức hút rất lớn và nếu chậm đề cập vấn đề này, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu dù có đủ điều kiện sản xuất loại năng lượng này.