Bỏ ưu đãi để nâng chất đầu tư, được không?

Phải tự ý thức rằng, nền kinh tế đang phát triển dựa trên thế và lực khác xa cách đây 30 năm.

Sau 15 năm, Khu kinh tế mở Chu Lai đã có 4 khu công nghiệp: Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, Tam Anh và Tam Thăng với tỉ lệ lấp đầy trên 80%, con số đáng ngưỡng mộ đối với bất cứ khu kinh tế nào. Có 158 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 94.000 tỉ đồng, gồm 43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 27.000 tỉ đồng và 115 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký hơn 66.700 tỉ đồng.

Trước đây, quy hoạch của Khu kinh tế mở Chu Lai đưa ra là trung tâm tài chính, ngân hàng thương mại tự do nhưng không có ai đầu tư, còn bây giờ khi xác định 6 nhóm khu kinh tế trọng điểm đã có nhiều nhà đầu tư tới đây. Từ mô hình này, Ban Quản lý đã rà soát lại toàn bộ vùng Đông và đề xuất lập đề án điều chỉnh lựa chọn 6 nhóm khu kinh tế trọng điểm lấy Trường Hải làm động lực quan trọng nhất.

Tuy nhiên, câu chuyện sẽ phải được xem xét ở một khía cạnh khác nếu đặt ra mục tiêu đưa Khu kinh tế mở Chu Lai tiến xa hơn và trở thành một hình mẫu chuẩn cho các khu kinh tế trên cả nước. Thứ nhất, về nguồn lực đất đai, với quyết định mới nhất vừa công bố, Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ có phạm vi ranh giới 27.040ha, diện tích mà khó có một khu kinh tế nào khác tại Việt Nam có được.

Khi hơn một nửa trong số đó được đầu tư cho các khu đô thị, khu du lịch, nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài và những người nước ngoài khác sinh sống lâu dài ở Việt Nam được phép mua nhà ở và xây nhà để bán thì việc nhân rộng mô hình này chưa hẳn đã là một lựa chọn khôn ngoan. Bản thân việc các nhà đầu tư nước ngoài được phép thế chấp quyền sử dụng đất cho các định chế tín dụng nước ngoài cũng là một điều rất cần được cân nhắc, đặc biệt khi vấn đề quyền sử dụng loại tài nguyên này đã được bàn thảo, mổ xẻ rất kỹ trong những tranh luận về Luật Đặc khu.

Thứ 2, nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng hiện hữu của Khu kinh tế mở Chu Lai chắc chắn không phải là một con số khiêm tốn. 11.000 tỉ đồng là kinh phí dự kiến để đầu tư xây dựng và mở rộng sân bay Chu Lai. Trong dự án Nhà máy xử lý khí và Nhà máy điện thuộc dự án khí – điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đầu tư, số vốn của Việt Nam sẽ rơi vào hàng ngàn tỉ đồng. Không dễ có được một Chu Lai thứ 2, trong điều kiện ngân sách đang phải cân lên đặt xuống như hiện nay.

Quan trọng hơn cả, liệu công lao biến Quảng Nam từ tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương đến 75% thì nay đã tự cân đối và từ năm 2017, bắt đầu điều tiết, đóng góp cho ngân sách trung ương có đến chủ yếu từ Khu kinh tế mở Chu Lai? Mặt khác, theo số liệu năm 2016, chỉ riêng Trường Hải đã đóng góp hơn 60% thu nội địa, phần còn lại, bao gồm cả các dự án khu đô thị, khu du lịch đã trả lại cho ngân sách những gì?

Việt Nam hiện có 17 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, 328 khu công nghiệp. Sau nhiều năm duy trì tăng trưởng khá, gần đây, các khu kinh tế này đang có dấu hiệu phát triển chậm lại và giảm dần sức hấp dẫn.

Vì vậy, ngay lúc này, Việt Nam thực sự cần một động lực đột phá mới cho các mô hình khu kinh tế để có thể cạnh tranh với quốc tế. Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng rằng, với các mô hình khu kinh tế mới, Việt Nam rất cần thể nghiệm ở thể chế chứ không phải đưa ra hàng loạt ưu đãi. Những chính sách ưu đãi kéo dài hàng chục năm sẽ dẫn đến những thất thoát lớn hơn nhiều dự đoán của người làm chính sách. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chạy theo các ưu đãi để đầu tư, sau khi hưởng hết thời hạn ưu đãi về thuế, đất đai… thì giải thể, đã tạo ra không ít bức xúc.

Không thể thu hút đầu tư bằng ưu đãi như khi chúng ta mới bắt đầu hé cánh cửa giao lưu. Chúng ta sẽ không thể tạo được một môi trường kinh doanh sòng phẳng, theo chuẩn mực thị trường, điều được kỳ vọng sẽ xảy ra ở các khu kinh tế, khu kinh tế mở nếu đã xuất hiện nhiều ưu đãi ngay từ điểm khởi đầu. Đặc biệt, khi bàn về các mô hình khu kinh tế đặc biệt, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank, cảnh báo, nếu áp dụng các mô hình đặc khu cũ, Việt Nam sẽ gặp rủi ro từ việc phân mảnh môi trường pháp quy, tạo ra sân chơi không bằng phẳng, chỉ có ở địa phương chứ phải là mô hình toàn quốc.

Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Phó Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, đề xuất, hãy bỏ hết những ưu đãi cho từng khu vực, từng khu kinh tế…, chỉ có một chính sách chung cho toàn quốc. Khi đó, mới thiết lập được mối quan hệ hoàn hảo giữa nhà đầu tư và các khu vực kinh tế, ở đâu có hiệu quả, họ sẽ tham gia đầu tư.