Nỗ lực cứu sông Vàm Cỏ Đông

ThienNhien.Net – Sông Vàm Cỏ Đông xưa “nước xanh biêng biếc”, nhưng hiện đang bị ô nhiễm nặng. Thời gian gần đây, các hộ dân nuôi cá bè trên khúc sông thuộc các huyện: Châu Thành, Hòa Thành, Gò Dầu… (tỉnh Tây Ninh) phải “kêu trời” vì cá chết hàng loạt. Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định tạm dừng hoạt động 44 nhà máy chế biến khoai mì (sắn) và cao su vì gây ô nhiễm môi trường.

“Thủ phạm” là nước thải chưa qua xử lý

Sông Vàm Cỏ Đông là nguồn nước chính phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và giao thông đường thủy của tỉnh Tây Ninh, hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải từ hơn 100 nhà máy chế biến khoai mì, cao su, mía đường…, các khu công nghiệp Trảng Bàng, Linh Trung 3, Thành Thành Công và 11 trung tâm y tế, bệnh viện cùng hơn 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh khác… với tổng lưu lượng hàng trăm nghìn mét khối/ngày. Ngoài ra, sông Vàm Cỏ Đông còn tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nước sinh hoạt chưa được xử lý của TP Tây Ninh cùng 6 thị trấn và cộng đồng dân cư sinh sống ven sông. Bà con nuôi cá bè ở xã Trí Bình (huyện Châu Thành), xã Tiên Thuận, Cẩm Giang (huyện Gò Dầu), xã Long Thành Nam (huyện Hòa Thành)… đang “kêu trời” vì cá chết nổi trắng bè. Theo kết quả phân tích mẫu nước trong khu vực và đánh giá của ngành thủy sản thì cá chết do thiếu ô-xy (ô-xy hòa tan trong nước nhỏ hơn 1mg/lít). Bên cạnh đó, hàm lượng chất hữu cơ trong nước sông Vàm Cỏ Đông cũng cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Hồ chứa nước thải của Nhà máy chế biến tinh bột khoai mì Đỗ Phủ vừa bị vỡ bờ bao (Ảnh: Huy Võ/Quân đội Nhân dân)
Hồ chứa nước thải của Nhà máy chế biến tinh bột khoai mì Đỗ Phủ vừa bị vỡ bờ bao (Ảnh: Huy Võ/Quân đội Nhân dân)

Ông Nguyễn Văn Bình (56 tuổi), ở ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành làm nghề nuôi cá bè hàng chục năm nay trên rạch Tây Ninh, cho biết: “Ở đây có 7 hộ nuôi cá bè, thi thoảng cá lại chết nổi trắng trong bè do các nhà máy xả nước thải ô nhiễm xuống. Trước đây chưa có nhà máy mì, nước ở đây trong, rong mọc nhiều, có thể tắm giặt được. Nay nước đen, nặng mùi, nếu lội xuống là mẩn ngứa khắp người”.

Khi đi qua các nhà máy chế biến khoai mì ở xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, chúng tôi bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối nồng nặc do nước thải sau chế biến khoai mì của các nhà máy. Đây là hệ quả tất yếu do hệ thống xử lý nước thải ở các nhà máy chế biến mì sơ sài, không đạt chuẩn, thiếu sự kiểm tra của cơ quan chuyên ngành. Hầu hết hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy này là qua hầm bi-ô-ga rồi xả ra hồ chứa. Vào đêm 13-9-2014, hồ chứa nước thải của Nhà máy chế biến tinh bột khoai mì Đỗ Phủ, thuộc Công ty TNHH Thương mại-Sản xuất-Xuất nhập khẩu Đỗ Phủ Tây Ninh bị vỡ bờ bao, khiến hơn 90.000m3 nước thải tràn ra môi trường. Vụ việc gây nhiều thiệt hại trực tiếp cho 47 hộ dân sống quanh nhà máy. Phần lớn đồ đạc của người dân đều bị thấm nước, hư hỏng, nhiều diện tích cao su và cây trồng bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập đến gần một mét.

Chị Thu Ba, ở ấp 6, xã Suối Ngô bàng hoàng: “Sự cố vỡ bờ bao làm cho 3,7ha cao su của tôi vừa bón phân xong thì bị nước ngập. Nước thải của nhà máy mì tràn vào sân, ngập sâu hơn 80cm, mùi hôi thối nồng nặc. Công ty đã hỗ trợ thiệt hại cho gia đình 40 triệu đồng để khắc phục hậu quả”.

“Tỉnh Tây Ninh được coi là “thủ phủ” của cây khoai mì với sản lượng hằng năm đạt hơn một triệu tấn. Toàn tỉnh có 74 nhà máy, cơ sở sản xuất tinh bột mì, trung bình mỗi nhà máy thải ra khoảng 3000m3 nước thải/ngày. Nguồn nước thải cực lớn của các nhà máy này, nếu chưa xử lý đạt tiêu chuẩn mà xả ra môi trường sẽ là thảm họa đối sông Vàm Cỏ Đông”-ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh khẳng định.

Nỗ lực cứu dòng sông

Đầu năm 2014, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành quy định yêu cầu các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy chế biến mía đường, chế biến tinh bột khoai mì, cao su, các bệnh viện và các cơ sở sản xuất đang hoạt động có nước thải xả vào lưu vực sông Vàm Cỏ Đông phải xử lý nước thải đạt cột A, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, chậm nhất đến ngày 30-6-2014 phải thực hiện xong mới được phép hoạt động. Đầu tháng 7-2014, UBND tỉnh đã ra quyết định tạm dừng hoạt động 44 nhà máy, trong đó có 31 nhà máy mì và 13 nhà máy cao su chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt cột A.

Nhà máy chế biến tinh bột khoai mì Đỗ Phủ vừa vỡ bờ bao hồ nước thải đang bị tạm dừng hoạt động (Ảnh: Huy Võ/Quân đội Nhân dân)
Nhà máy chế biến tinh bột khoai mì Đỗ Phủ vừa vỡ bờ bao hồ nước thải đang bị tạm dừng hoạt động (Ảnh: Huy Võ/Quân đội Nhân dân)

Bà Huỳnh Võ Tuyết Hân, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, cho biết: “9 tháng qua, Chi cục Bảo vệ môi trường đã kiểm tra, thanh tra hơn 300 tổ chức và cá nhân, phát hiện và xử phạt 31 cơ sở gây ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông, đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng”.

Tây Ninh đã đầu tư 117 tỷ đồng thực hiện công trình xử lý chất thải, nước thải y tế cho 9 trung tâm y tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh để xử lý triệt để nguồn chất thải, nước thải độc hại trước khi thải ra môi trường. Đến cuối tháng 8-2014, đã có 5 trung tâm y tế huyện, thành phố xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, chất thải đưa vào hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy chế biến mía đường và hơn 50% nhà máy chế biến khoai mì, chế biến cao su xử lý nước thải đạt cột A. Các nhà máy còn lại, trước mắt đã bị đình chỉ hoạt động, chờ khi nào xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mới được hoạt động trở lại. Mặc dù vậy, đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng trên sông Vàm Cỏ Đông vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Sự thành công trong việc nỗ lực cứu dòng sông đến đâu, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, các ban ngành chức năng, rất cần sự đồng thuận, hỗ trợ của nhân dân trong giám sát, phát hiện, tố giác kịp thời, chính xác những hành vi vi phạm của các tập thể, cá nhân, giúp cơ quan chức năng có đủ căn cứ xử lý nghiêm minh theo pháp luật.