Rác xây dựng đổ đi đâu?

Phía Tây Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, hoạt động xây dựng rầm rộ khắp nơi. Nhiều công trình, dự án lớn mọc lên san sát. Thế nhưng song song với sự sôi động đó là lượng rác thải xây dựng đang “nóng” từng ngày.

Để giảm chi phí cho việc đổ rác đúng nơi quy hoạch, người ta đã xả trộm hàng triệu mét khối đất, bùn ngay giữa lòng đường… khiến nhiều khu vực của thủ đô luôn trong cảnh lấm lem, nhếch nhác.

“Đại dịch” đổ trộm đất thải

Dự án đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy-Hà Nội) nối dài mới chạy đến khu đô thị Nam Trung Yên thì vướng giải phóng mặt bằng (GPMB). Hơn 5 năm nay, đường chưa thể thông, ngay lập tức, nơi đây biến thành bãi đổ trộm đất thải.

Tương tự, dự án đường vành đai 3 Hà Nội, đoạn Pháp Vân – Mai Dịch, cũng bị bế tắc từ nhiều năm nay do vướng GPMB thì cũng biến thành bãi đổ đất thải của hàng chục công trình lớn, nhỏ trên địa bàn.

Mới đây, để tiếp tục triển khai dự án, đơn vị thi công đã phải huy động hàng chục máy xúc “bốc” hàng trăm ngàn mét khối đất và rác thải đi nơi khác, dọn đường tạm cho xe chạy. Thế nhưng hiện tại, đất thải lại bắt đầu tràn ngập ở đoạn giao với đường Lê Văn Lương kéo dài.

Đặc biệt, tại các nhánh đường dẫn vào khu đô thị mới đang thi công, đất thải phơi ra tầng tầng, lớp lớp. Trên con đường từ xã Đại Mỗ (Từ Liêm-Hà Nội) vào làng La Cả (TP Hà Đông-Hà Tây), nơi đang triển khai hàng loạt dự án như khu đô thị Dương Nội, Văn Khê, đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông)… đất thải trùm kín cả lòng đường, ô tô vào là mắc kẹt. Thậm chí, ngay cả tuyến hành lang dọc đường tàu Ba La-Nội Bài (đoạn cắt cao tốc Láng-Hòa Lạc) hiện cũng biến thành bãi xả đất thải.

Không chỉ ở nơi khuất, ngay cả nơi dễ bị “tai mắt” người dân phát hiện như dọc tuyến đường Phạm Hùng, Lê Đức Thọ (qua sân vận động quốc gia Mỹ Đình), Cầu Diễn (đoạn từ thị trấn Cầu Diễn đến Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội), trong làng Phú Mỹ, Xuân Phương, Mễ Trì (Từ Liêm)… đất thải xây dựng ngập cao như núi. Dọc quốc lộ 32 đoạn thuộc Từ Liêm-Hà Nội, nhiều trạm chờ xe buýt bị đất thải phủ tứ bề.

Thậm chí, ngay cả một trong những nơi được coi là đẹp là quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình cũng bị bao vây bởi đất thải. Chỉ cần đi về phía sau (lối dẫn vào làng Mỹ Đình) là gặp từng lô đất thải đổ trộm. Theo người dân ở đây, đêm nào cũng vậy, cứ tầm 2-3g sáng là họ lại nghe tiếng xe tải ầm ầm chạy vào, rồi những tiếng đổ đất trộm ào ào như xé tan màn đêm.

Tuy nhiên, chưa ở đâu khối lượng đất thải đổ trộm lại khổng lồ và khủng khiếp như ở cao tốc Láng-Hòa Lạc. Suốt dọc 7km từ Trung tâm Hội nghị quốc gia đến xã Tây Mỗ-Từ Liêm, đất thải, bùn thải chất cao như núi.

Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ 248 (đơn vị được giao quản lý tuyến đường sau khi hoàn thiện), bày tỏ sự bức xúc: “Suốt từ năm 2005 đến nay, năm nào chúng tôi cũng tuần tra, mai phục và đã bắt được hàng trăm vụ lái xe tải đổ đất thải. Thế nhưng, nạn đổ đất trộm không những không giảm mà còn tăng thêm”.

Ông Tú cho biết, lượng đất thải nhiều tới mức cứ 2 ngày công ty lại phải huy động hàng chục công nhân, máy xúc ra “bốc” đất đưa đi vì sau một tuần không dọn dẹp là cả tuyến đường sẽ tắc vì đất thải. Ông nói: “Chúng tôi đã tốn không biết bao tiền, công sức để đưa hàng triệu mét khối đất thải ra khỏi đường Láng-Hòa Lạc. Phần lớn bùn, đất là từ các công trình đang xây dựng ở khu Mỹ Đình đổ ra”.

Khi những đại công trường sôi động mọc lên thì người dân đang phải “nóng mắt” trước cảnh tượng những “gò”, “núi” đất thải đổ tập trung, quy mô lớn, biến nhiều tuyến đường, khu dân cư, khu dự án thành bãi rác thải.

Theo trung tá Phan Doãn Lộc, Đội phó Đội CSGT Công an huyện Từ Liêm (Hà Nội) hiện nay, cao tốc Láng-Hòa Lạc là điểm nóng nhất ở Hà Nội về tình trạng xả, đổ rác thải xây dựng tràn lan.

Vì sao đất thải không “chịu” về bãi?

Trước đây, khi Hà Nội còn nhiều ao, hồ thì đây là nơi “lý tưởng” để xả, đổ rác xây dựng. Thế nhưng hiện nay, khi phần lớn ao, hồ đã bị lấn chiếm, san lấp thì Hà Nội thực sự “khan sốt” bãi đổ phế thải của các công trình.

Không chỉ những công trình xây dựng của hộ dân mà cả các công trình, dự án lớn đang triển khai trên địa bàn cũng nhằm vào các bãi trên để xả trộm rác với khối lượng lớn. Thậm chí, ở Hà Nội hiện còn xuất hiện những “công ty” chuyên đổ rác thuê. Nhiều công ty trang bị 8-10 xe tải loại 2 tấn, chuyên đổ trộm rác xây dựng.

Lý do khiến tình trạng đổ trộm rác xây dựng nở rộ vì nếu vận chuyển về bãi thường phải lo thêm một khoản chi phí xăng dầu. Khi giá xăng dầu càng tăng cao, hoạt động đổ trộm rác xây dựng càng thêm nhức nhối vì phải chở đi xa, đúng bãi quy định, sẽ đội thêm chi phí lên tới 4-5 lần. Chưa kể nếu đổ vào bãi thì phải nộp một khoản lệ phí cho mỗi lần xe “nhập bãi”.

Theo Công ty Môi trường và đô thị Hà Nội, hiện ở thủ đô có 2 bãi đổ phế thải xây dựng là bãi Nam Sơn (Sóc Sơn) và Lâm Du (Gia Lâm). Thế nhưng, hiện nay số chủ công trình xây dựng ký hợp đồng với công ty để vận chuyển phế thải xây dựng đến đúng các bãi kể trên rất ít.

Trong khi, cả Hà Nội lúc nào cũng như một đại công trường, nhà cửa, cao ốc ầm ầm mọc lên khắp nơi, nhu cầu xả đổ phế thải xây dựng rất lớn. Điều đó chứng tỏ, một lượng lớn rác xây dựng đã bị đổ trộm không đúng nơi được quy định.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Trưởng ban Thanh tra GTCC (Sở GTCC Hà Nội) cho biết thêm: “Để quy hoạch bãi dành riêng cho đổ phế thải xây dựng, UBND TP Hà Nội đã cho mở thêm bãi Phú Minh tại huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Thế nhưng hiện nay, vì lợi nhuận, nhiều chủ xe vẫn không chịu đưa đất thải về đúng bãi”. Các đối tượng thường đổ trộm đất thải vào ban đêm nên việc truy đuổi rất khó khăn, nguy hiểm. Nhiều chủ xe còn có biểu hiện chống đối, đóng cửa xe bỏ đi hoặc lao thẳng cả xe vào lực lượng làm nhiệm vụ rồi bỏ chạy…

Theo ông Giáp, hiện các lực lượng chức năng ở Hà Nội đang vào cuộc để tuần tra, mai phục, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm quy định về cấm xả đổ đất thải bừa bãi, nhằm sớm trả lại bộ mặt thanh lịch cho Hà Nội.