Khổ vì mỏ sắt “lớn nhất Đông Nam Á”

ThienNhien.Net – Sau 4 năm khai thác, dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) đã không thể “đổi đời” cho người dân ở khu vực này, trái lại còn khiến người dân thêm cực khổ.

Mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) gồm Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc với gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Đây được xem là mỏ trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á, ước tới hơn 540 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc.

Dự án này được khai thác từ tháng 9-2009 với kỳ vọng sẽ biến Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng của cả nước và là trung tâm khai thác luyện cán thép lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, kỳ vọng đã biến thành thất vọng.

Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Thạch Hải là một trong những xã nghèo nằm trong vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải chịu nhiều ảnh hưởng rất nặng nề của dự án. Theo kế hoạch báo cáo ban đầu của ban quản lí mỏ sắt thì đến năm 2013 cả xã phải di dời đến nơi ở mới.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê có chủ đầu tư là Công ty cổ phần khai thác mỏ sắt Thạch Khê (TIC). Công ty có vốn pháp định 2.400 tỷ đồng với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty hàng đầu như Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh…

Thế nhưng theo phản ánh của UBND xã Thạch Khê, thực tế đến nay chủ đầu tư không thực hiện được như phương án ban đầu mà còn gây hậu quả ảnh hưởng trực tiếp kéo lùi đời sống dân sinh trở lại khó khăn, môi trường ô nhiễm nặng, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt.

Liên tục trong 4 năm qua, hàng chục héc-ta lạc, rau màu và các loại cây trồng khác đã bị chết khô, sản xuất không có thu hoạch, đời sống nhân dân hết sức vất vả, hộ đói nghèo ngày càng tái diễn. Đất ở thì không cấp cho nhân dân nên có nhiều cặp vợ chồng và có nhiều thế hệ phải sống chung trong một nhà.

Ngoài ra, theo lãnh đạo xã Thạch Hải, bãi thải của dự án đã san lấp hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp và làm sạt lấp hàng trăm ngôi mộ. Hàng nghìn ngôi mộ hư hỏng không được đền bù cho dân để tu sửa và hàng trăm héc-ta cây cối chưa trả tiền cho nhân dân. Còn khu tái định cư cho các hộ dân vẫn chỉ nằm trên giấy.

Việc cam kết của công ty khai thác sắt Thạch Khê đối với chính quyền địa phương từ đầu năm 2012 về việc đền bù, hỗ trợ cho nhân dân đầu tư xây dựng một số công trình trên địa bàn xã đến nay vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh. Trong những năm qua, xã Thạch Khê đã có văn bản gửi khắp nơi, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do đó những đơn thư đầy bức xúc của người dân gửi đến chính quyền xã cũng tới tấp.

Trong kiến nghị gửi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mới nhất vào ngày 15-8, UBND xã Thạch Hải phải ngao ngán thốt lên: Nhìn chung toàn cảnh bức tranh về sự nghiệp của nhân dân xã nhà nằm trong tình trạng “Đi không được ở không xong”.