Tiêu dùng thực phẩm: “Khinh” các loại dịch!

Trong khi cơ quan chức năng đang đau đầu vì dịch cúm gia cầm, dịch tiêu chảy cấp tái bùng phát, dân Hà Nội lại gần như đã “miễn dịch”. Gia cầm sống, thực phẩm tái, sống vẫn tấp nập kẻ bán người mua ngay trong điều kiện vệ sinh mắt thường đã thấy… bẩn.

“Nhuộm nhoạm” đồ chợ

Các chợ nội thị đã được làm quen với việc cấm buôn bán, giết mổ trực tiếp gia cầm 2 năm nay. Chỉ các quầy gà đủ điều kiện, có nguồn gốc, có chứng nhận kiểm dịch mới được phép kinh doanh trong chợ. Khu vực gà vịt trong chợ Nghĩa Tân, các quầy hàng đều trưng biển gà sạch, gà vịt làm sẵn phơi bụng “khoe” dấu kiểm dịch đóng trên da.

Tuy nhiên, quanh khoảng sân chung của mấy dãy nhà tập thể bên hông khu chợ dễ thấy những quầy gà kiểu mini, 100%… lộ thiên. Dăm con gà, vịt mổ sẵn bày trên khay hoặc trên chiếc mẹt con đặt ịch ngay trên nền đất, cố đua được ra mép đường bao nhiêu tốt chừng ấy. Dĩ nhiên, mẹt ngan vịt đó không tìm đâu ra dấu kiểm dịch.

 
Điều kiện vệ sinh ở mức giản tiện với kiểu mua bán, sơ chế ngay trên nền đất.

Trong bịch túi nilon bên cạnh lỏng chỏng mấy miếng lườn, đùi, cổ… lẫn với một mớ lòng mề đã có người mua dở.
Đoạn hè đường hẹp họp đủ một cái chợ con, không khí mua bán còn rôm hơn chợ chính. Một dãy hàng tôm cá đông kín khách. Rất nhiều xe (cả Spacy, Dyland) dừng xịch trước mảnh bao xác rắn để la liệt cá. Không rổ chậu, không bàn, không thớt… cả việc làm cá, mổ bụng đều trên mảnh bao tải trên hè đường nhớp nháp. Nước thải chảy tràn xuống rãnh nước nông sát mép vỉa hè.

Không chỉ vấn đề giá cả, người tiêu dùng vẫn dễ dãi chấp nhận mua thực phẩm ở những khu chợ lề đường chỉ vì tiện lợi. Ngay giữa thời điểm cúm gia cầm, tiêu chảy cấp đang là thời sự, ở những nơi này, tâm lý người tiêu dùng vẫn dường như… miễn dịch.

Chợ Gia Lâm (phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) nằm ngay khu vực sầm uất nhất quận, cách trung tâm thành phố có một cây cầu. Những lồng gà sống bày bán thành dãy. Buổi sáng, những lồng gà còn “ý tứ” quây trên hè đường, đôi lồng hờ hững nửa che nửa hở bằng bao tải. Xế chiều, “xóm thịt gà” tràn ra gần giữa đường, bếp than, nồi nước cáu két đặt ngay phía sau và vỉa hè trở thành khu làm gà lưu động. Lông, ruột, đồ thừa lẫn nước thải tanh sặc chảy lênh láng, tràn cả mặt đường.

Khách hàng vẫn chuộng hơn cả loại gà tươi sống, chỉ mặt… vặt lông so với gia cầm làm sẵn, để lạnh. Bác Hoành (tập thể hóa chất, 131 Nguyễn Văn Cừ) phân trần, mua gà sống tận mắt, tận tay còn chắc biết con nào khỏe, con nào toi, gà giết mổ sẵn người bán nói thế nào đành biết vậy. Một lý do khác được bác Hoành đưa ra, giá gà được “dán nhãn” hàng sạch cũng cao hơn gà lông 20.000đ -30.000đ/kg, thịt cũng không tươi ngon bằng.

Nhiều chủ hàng gà sạch cũng “tắc” trong việc kinh doanh vì thói quen chuộng đồ tươi sống của không ít khách mua. Chủ hàng gà sạch Lý Công – chợ Ngọc Hà cho biết, ngay lúc có dịch vẫn không hiếm khách yêu cầu mua gà vịt lông, nhiều người vẫn giữ tâm lý “ác cảm” với gà làm sẵn, để đông lạnh.

“Nối giáo cho… hàng tiết”

 
Gia cầm không kiểm dịch bày bán bên lề đường.

Không chỉ người kinh doanh ham lợi, bỏ qua vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chính những khách hàng chủ quan, phớt dịch, lờ cảnh báo là yếu tố kích cầu cho người bán “làm tới”.

Chọn một con ngan hơn 4kg trong một lồng gia cầm bày bán ở ngõ chợ Gia Lâm, một khách nam giới còn yêu cầu chủ hàng cắt tiết dưới cánh cho “sạch sẽ” và đưa sẵn chai mắm hãm để còn về đánh tiết canh. Người mua cười nhẹ tênh, dĩ nhiên mua đồ làm sẵn thì sao có được món “đặc sản” đó. Với ông, con ngan trông khỏe re đó không thể cúm, rù rì được.

Bỏ qua dịch cúm gia cầm, phớt lờ dịch tả, cũng chẳng mấy quan tâm đến thông tin vùng dịch sán lá gan ở gia súc, món tiết canh ở quán cháo lòng gần khu chợ ngày ngày vẫn đắt khách. Tấm biển hiệu cửa hàng, món tiết canh vẫn được kẻ vẽ lớn nhất, đỏ chói. Chủ hàng cho biết, có một thời gian dừng bán món tiết canh, đợt bùng phát dịch lợn tai xanh (tháng 10-11/2007) vì bị cấm.

Tuy nhiên, theo ông chủ cửa hàng, nhu cầu của khách với món ăn này vẫn rất lớn, hết dịch tai xanh, quán đã nhanh chóng làm trở lại. Mỗi sáng, món tiết canh vẫn hết trước tiên vì nhà hàng cũng chủ yếu đếm mặt khách quen, đánh 15-20 bát tiết. Quán đông cao điểm tầm 7h15-8h kém buổi sáng, nhiều người ra muộn hơn, gọi tiết canh là không còn, đành nhắm rượu với đĩa lòng trước khi ăn cháo.

Trước câu hỏi có e sợ diễn biến dịch từ sau tết đến nay, cả chủ lẫn khách đều cười. Một vị khách tếu còn phân tích kiểu hài hước, tiết canh lợn ắt không có cúm gà H5N1; tả, tiêu chảy cấp thì do việc chế biến mất vệ sinh chứ không thể đổ nguyên nhân do tiết. Chủ và khách đều xác nhận mức thân quen, tín nhiệm nên độ an toàn rất đảm bảo. Hỏi thêm về nguy cơ nhiễm sán lá gan từ tiết sống vì tỷ lệ gia súc nhiễm giun sán rất lớn, cả chủ và khách chỉ đáp lại bằng điệu cười trừ.

Cách đây vài ngày, nhiều người đi trên đường Giảng Võ còn chứng kiến cảnh “hóa kiếp” gà ngay sát mép đường. Chị bán gà, một dao, một bát con “nhoay nhoáy” phục vụ khách hàng tại chỗ. Khách hàng vừa mua vừa í ới gọi nhau cùng đến xem hàng… Với chiếc quang gánh, chị bán gà quảy hai chiếc lồng đã được ngụy trang thản nhiên đi chào hàng ngay trên phố.