Tác động toàn cầu của điện than đến khí hậu và sức khỏe con người

Với dữ liệu và mô hình hóa từ gần 8.000 nhà máy điện than, các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) đưa ra bức tranh toàn cầu toàn diện nhất cho đến nay về tác động từ sản xuất điện than đến khí hậu và sức khỏe con người.

Các nhà máy nhiệt điện than không chỉ thải ra CO2 góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Khi đốt than, chúng cũng giải phóng bụi mịn, SO2, nitơ ôxit và thủy ngân, do đó gây tổn hại cho sức khỏe con người theo nhiều cách khác nhau.

Để ước tính xem nên hành động khẩn cấp nhất ở đâu, nhóm nghiên cứu từ Viện Kỹ thuật Môi trường thuộc ETH Zurich, do Stefanie Hellweg phụ trách, đã lập mô hình và tính toán các tác dụng phụ không mong muốn của năng lượng than cho từng nhà máy điện than trong tổng số 7861 nhà máy trên thế giới.

10% các nhà máy điện than có mức độ ô nhiễm cao nhất là nguyên nhân gây ra hơn một nửa thiệt hại cho sức khỏe con người (Ảnh: Shaowolle / iStock)

Mức độ ô nhiễm không đồng đều

Kết quả được công bố gần đây trên Tạp chí Nature Sustainability cho thấy Trung Quốc và Mỹ là hai nhà sản xuất điện than lớn nhất nhưng về sức khỏe thì các nhà máy điện ở Ấn Độ có tác hại cao nhất thế giới.

Trung Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc đều có các nhà máy điện hiện đại nhưng Đông Âu, Nga và Ấn Độ vẫn sở hữu nhiều nhà máy cũ kỹ với trang thiết bị xử lý tro xỉ không hiệu quả. Vì thế, các nhà máy điện này chỉ loại bỏ được một phần chất ô nhiễm trong khi cũng thường sử dụng than có chất lượng kém hơn.

“Hơn một nửa các tác động tới sức khỏe có thể được truy nguyên từ 1/10 các nhà máy điện. Những nhà máy này nên được nâng cấp hoặc đóng cửa càng nhanh càng tốt”, theo TS. Christopher Oberschelp, tác giả chính của nghiên cứu.

Câu hỏi về chất lượng

Bức tranh toàn cầu về sản xuất điện than cho thấy khoảng cách giữa các khu vực có đặc quyền và các khu vực bất lợi ngày càng lớn vì hai lý do.

Thứ nhất, các quốc gia giàu có – như ở châu Âu – nhập khẩu than chất lượng cao với giá trị sinh nhiệt cao và phát thải SO2 độc hại thấp. Các nước xuất khẩu than nghèo hơn (như Indonesia, Colombia và Nam Phi) chỉ còn lại than chất lượng thấp để sử dụng trong các nhà máy điện lỗi thời mà không có cách xử lý tro xỉ hiện đại để loại bỏ SO2.

Thứ hai, “ở Châu Âu, chúng tôi góp phần vào sự nóng lên toàn cầu với các nhà máy điện của riêng mình, vốn có tác động toàn cầu. Tuy nhiên, thiệt hại sức khỏe tại địa phương do bụi mịn, SO2 và nitơ oxit xảy ra chủ yếu ở châu Á, nơi điện than được sử dụng để sản xuất phần lớn các sản phẩm tiêu dùng của chúng ta”, TS. Oberschelp giải thích.

Điện than có nguy cơ phát triển trên toàn thế giới

Tài nguyên than toàn cầu sẽ tồn tại trong vài trăm năm, do đó, lượng khí thải độc hại cần phải được hạn chế về mặt chính trị.

“Điều đặc biệt quan trọng là để lại than có hàm lượng thủy ngân và lưu huỳnh cao trong lòng đất”, Oberschelp nhấn mạnh.

Giảm các tác động tiêu cực từ sản xuất điện than đến sức khỏe là ưu tiên toàn cầu: “Tuy nhiên, việc tăng cường công nghiệp hóa, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình”, nhóm nghiên cứu của Hellweg viết trong bài báo.

Chi phí đầu tư ban đầu để xây dựng một nhà máy điện than là cao nhưng chi phí vận hành sau đó thấp. Do đó, những người vận hành có lợi ích kinh tế trong việc giữ cho các nhà máy điện than hoạt động trong thời gian dài.

“Lựa chọn tốt nhất là không xây dựng bất kỳ nhà máy điện than mới nào. Từ góc độ sức khỏe và môi trường, chúng ta nên tránh xa than đá và hướng tới khí đốt tự nhiên – và về lâu dài, hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo”, Oberschelp kết luận.

Nhật Anh (Theo ethz.ch)

Nguồn: