Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng: Đón chờ tiếng gõ búa lần hai…

Năm năm trước, tháng 07/2003, với những giá trị nổi bật về quá trình lịch sử trái đất và địa chất, tiêu chí địa mạo, địa chất… Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh các giá trị đã được công nhận, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (PN-KB) còn được các nhà khoa học chứng minh nhiều giá trị nổi bật toàn cầu đối với đa dạng sinh học. Theo đó, một số cơ quan địa phương và Trung ương đã tiến hành xây dựng bộ hồ sơ khoa học đăng ký Di sản thiên nhiên Thế giới lần 2 về tiêu chí “Những sinh cảnh quan trọng cho bảo tồn tại chỗ và giá trị đa dạng sinh học” đối với PN-KB.

Vườn Quốc gia PN-KB là một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới (WWF), và 2 trong số 60 vùng chim quan trọng của Việt Nam. Vườn có kiểu rừng độc nhất không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất bởi nơi đây là rừng nhiệt đới xanh chủ yếu cây lá kim với ưu thế loài bách xanh núi đá, dưới tán là các loài lan hài vệ nữ được phân bố trên núi đá vôi ở độ cao trên 700-1.000m.

Vườn có 15 kiểu rừng có tầm quan trọng quốc tế được xác định đã đem lại tính đa dạng của các hệ sinh thái. Sự đa dạng của các loài sinh vật tự nhiên tại PN-KB đã được xác định. Hiện có mặt 2.651 loài thực vật, 735 loài động vật có xương sống, 369 loài côn trùng… trong số đó có tới 116 loài thực vật, 129 loài động vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới; 28 loài động thực vật có giá trị kinh tế, khoa học cao đang bị đe doạ tuyệt chủng mức toàn cầu. Sự đa dạng về sinh cảnh của núi đá vôi, hang động, núi đất… là điều kiện lý tưởng cho 9/21 loài linh trưởng của Việt Nam sinh sống; loài dơi của Vườn quốc gia đa dạng nhất Việt Nam với 46 loài…

Và những di sản “trời để lại” ấy đang được bảo vệ giữ gìn hết sức cẩn trọng tại đây. Bên cạnh việc triển khai công tác bảo vệ nghiêm ngặt thì côgn tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng di sản được thực hiện có hiệu quả. Chính vì vậy mà đã có hàng chục lượt người đã tự nguyện trả lại cho rừng những tài sản vô giá.

Anh nông dân Hoàng Văn Lập (xã Hưng Trạch- Bố Trạch) đã bỏ 4 triệu đồng mua 1 con gấu bị săn bẫy về chăm sóc và giao lại cho Vườn. Hai thanh niên Nguyễn Khoa Toàn và Nguyễn Lương Cảnh (quê xã Quảng Thủy- Quảng Trạch) một lần lên huyện Tuyên Hóa chơi thấy một nhóm thợ săn mang một chú vọoc quý liền bỏ ra 3 triệu đồng mua và giao lại cho Trung tâm cứu hộ động vật (Vườn Quốc gia PN-KB) chăm sóc để trả về rừng…

Nếu có dịp đi sâu vào trung tâm của Vườn, du khách sẽ choáng ngợp trước rừng tự nhiên của Di sản. Có những thảm rừng mà trong phim ảnh còn kém xa về vẻ đẹp và sự hoành tráng. Những cây gỗ quý mấy người ôm vút thẳng lên trời xanh. Nhiều khu rừng hiếm thấy được ánh nắng mặt trời dọi xuống. Bên con suối Mọoc nước xanh ngắt như ai đổ phẩm màu xuống là rừng Gáo đổ bóng uy nghi. Trên thân cây, những giò lan rừng xỏa lá, trổ hoa bừng sáng một góc rừng.

Đặc biệt, tại Vườn Quốc gia PN-KB có rừng bách xanh với hàng trăm năm tuổi. Sống trên những dãy đá vôi ở độ cao hơn 700mét so với mặt nước biển, bách xanh quần tụ trên diện tích 5.000 ha, trong đó rất dày đặc gần 2.500 ha. Đây là loại thiết mộc duy nhất trên thế giới còn tồn taị ở rừng PN-KB, cây lớn có đường kính từ 1-2 mét. Rừng bách xanh đã góp phần tạo nên sự “độc nhất vô nhị” cho PN-KB…