Vùng biển Côn Đảo

ThienNhien.Net – Vùng biển thuộc VQG Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được đánh giá là giàu có về mật độ và phong phú về số loài sinh vật bậc nhất Việt Nam. Điều đó đã đưa vùng biển này vào danh sách “Các vùng được ưu tiên bảo vệ cao nhất” trong hệ thống các vùng biển Việt Nam.

VQG Côn Đảo cách thành phố Vũng Tàu khoảng 180 km, cách Cần Thơ khoảng 165km, bao gồm 14 hòn đảo lớn nhỏ, nằm trong quần đảo Côn Sơn và diện tích mặt nước biển bao quanh các đảo.

Hệ sinh thái rừng VQG Côn Đảo được xếp là hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo.Thành phần thực vật VQG Côn Đảo khá phong phú với 822 loài thực vật bậc cao. Hệ động vật rừng Côn Đảo hiện nay đã thống kê được 144 loài.VQG Côn Đảo có hệ động vật có xương có xương sống ở cạn mang tính độc đáo của một vùng xa đất liên như yếu tố đặc hữu cao, một số loài động vật ưu thế có số lượng cao và tập trung ở một vài khu vực riêng biệt. Nhóm động vật đặc hữu của Côn Đảo có: Sóc Mun Callosciunis filáyoni, Sóc đen Cô Đảo Ratufa bicolor condorensis, Chuột hươu Côn Đảo Rattus nivienter condorensis, Thạch sùng Côn Đảo Cystodactylus condorensis.

Vùng biển Côn Đảo được biết đến là một vùng biển giàu có, đa dạng và phong phú với 1.321 loài sinh vật biển. Trong đó, cây ngập mặn có đến 23 loài, rong biển 127 loài, cỏ biển 7 loài, phù du thực vật 157 loài, phù du động vật 115 loài, san hô 219 loài, thú và bò sát biển 5 loài …Và 37 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Sự phong phú này được thể hiện rõ nhất qua các hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái san hô và hệ sinh thái cỏ biển.

Với nhiều rạn san hô mang tính nguyên thủy cao, đa dạng nhất nhì Việt Nam, san hô Côn Đảo có đủ các dạng và hình thái khác nhau tạo nên đủ sắc màu rực rỡ, kỳ ảo như những vườn hoa trên cạn giữa lòng biển Côn Đảo. San hô Côn Đảo có khoảng 343 loài, 61 giống, 17 họ vừa có tác dụng chống đỡ cho vùng bờ biển nơi đây, lại chính là nơi trú ẩn lý tưởng của hàng ngàn các loài động vật biển. Đầu tiên phải kể đến là cá với hơn 200 loài, mật độ 200con/500 m2, cao hơn nhiều lần so với các vùng biển khác của Việt Nam.

Đây còn là nơi trú ngụ của các loài thân mềm như trai, ốc, mực, bạch tuộc…. và các loài giáp xác như tôm hùm, cua…..; và các loại giun nhiều tơ. Vừa là bạn, vừa là kẻ thù của nhau tại vùng biển này phải kể đến là các loài động vật da gai như hải miên, hải quỳ, huệ gai….. Chúng ăn bã mùn hữu cơ, tiêu diệt ký sinh vật nhỏ, bảo vệ môi trường và rạn san hô. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một loài da gai độc hại, là kẻ thù lớn nhất của san hô – đó là sao biển gai. Hút hêt thịt và để lại bộ xương chết trắng khô là cách mà sao biển gai hủy hoại các rạn san hô. Sao biển gai cũng có kẻ thù, và kẻ thù lớn nhất của chúng là ốc tù, nhưng nay ốc tù đã bị săn bắt đến cạn kiệt (có thể thấy chúng nhiều nhất là trong các cửa hàng mĩ nghệ). Vì thế, sao biển gai phát triển mạnh và hủy diệt các rạn san hô quý hiếm. Như vậy mới biết con người chúng ta đã làm phá vỡ sự cân bằng vốn có của tự nhiên.

Cùng với san hô chống đỡ cho vùng biển Côn Đảo thêm vững chắc và đa dạng là khu hệ sinh thái rừng ngập mặn. Kéo dài 8 km, khu rừng ngập mặn nguyên sinh của hòn Bảy Cạnh càng làm tăng thêm độ đa dạng cho nơi đây. Với các loài mắm, sú, vẹt, bần, đước đôi, đước đen… đan xen lẫn nhau, chồng chéo đến độ ánh nắng mặt trời không thể xuyên qua được để chiếu xuống lớp lá mục dày hàng chục cm phủ kín mặt đất. Đó là nơi cư trú của biết bao loài sinh vật thủy sinh khác và cũng nhờ có dải rừng  ngập mặn quý giá này đã làm cho dải đất Côn Đảo không bị bão tố và sóng lớn làm sạt lở.

Cùng sinh sống với rừng ngập mặn và san hô còn có một hệ sinh thái vô cùng quan trọng là thảm cỏ biển. Trong số 16 loài cỏ biển trên thế giới, VQG Côn Đảo có tới 9 loài tạo thành thảm cỏ xanh tươi rộng khoảng 200 ha trong vịnh Côn Sơn. Sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái này có vai trò quan trọng là nguồn thức ăn chính của Bò biển (Du gong), một loài thú ăn thực vật lớn nhất còn tồn tại và được thế giới đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam hiện nay, người ta chỉ còn thấy bò biển ở Côn Đảo và Phú Quốc.

Ngoài ra, vùng biển Côn Đảo còn là nơi cư trú của các loài thú biển như Delphin mõm dài (Stenella longirostris), Cá voi xanh (Neophon  phocaenoides) …  Đặc biệt ở Côn Đảo có quần thể rùa rất lớn, bãi biển Côn Đảo là nơi làm tổ của loài rùa biển hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu là Vích (Chelonia mydas). Hàng năm có gần 300 cá thể cái đến làm tổ và đẻ tại 14 địa điểm khác nhau tạo nên gần 1.000 tổ. Giai đoạn làm tổ chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 10, trong đó gần 80% tổng số là giữa tháng 6 đến tháng 9. Hiện tại, Đồi mồi (Eretmochelys imbricata) tại quần đảo Côn Đảo đã trở nên rất hiếm, số lượng các thể thấp. Tuy nhiên, hiện tượng ngư dân dùng đèn có độ chiếu sáng cao, thu nhặt trứng rùa để làm thực phẩm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm quần thể loài này. Cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng, sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm và biến mất các bãi biển là nơi làm tổ của rùa.

Từ năm 1995, VQG Côn Đảo đã tiến hành dự án bảo vệ rùa biển, đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam. Với 5 trạm cứu hộ và 18 bãi đẻ trên các hòn đảo, trung bình mỗi năm có 20 ngàn rùa con ở các trạm ấp trứng được các nhân viên của Vườn quốc gia Côn Đôn thả ra biển.

VQG Côn Đảo cũng là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.