Cánh chim rừng không mỏi (Kì 2): Bùng nổ xã mới, thôn mới

ThienNhien.Net – Cái cảm giác trù phú và lành lẽ vỡ òa, khi mà con đường gồ ghề, bụi đỏ dẫn đến một cái vùng lều lán xập xệ như là của dân du mục trong những thảo nguyên Mông Cổ. Quần áo sặc sỡ của đồng bảo thiểu số phía Bắc treo tren các thanh sào tạm bợ, vắt trên bờ rào làm bằng những cây gỗ ngoằn ngoèo mới đẵn từ rừng khộp Tây Nguyên. Nơi này xa suối, không có nước. Bà con xuất hiện tháng 4 năm 2007, thấy tương đối “đất lành”, với lý do thăm thân, với lý do… nán lại ngắm trời ngắm đất, từng đợt, từng đợt bà con từ miền Bắc liên tục kéo vào. Giờ, số khẩu đã lên tới con số gần 600 người. Thừa “quân số” để lập một cái thôn mới toe cho Cư K’bang.

Cánh chim rừng không mỏi: Nhật ký ở nơi “cuối đất cùng trời”

Trời nóng rực. Ông Mai Văn Hiền, hạt trưởng kiểm lâm huyện vừa báo cáo việc thu cưa mâm, việc lâm tặc đánh cán bộ, việc cả núi gỗ lớn nằm chất ngất ở hạt kiểm lâm có nguồn gốc từ cánh rừng xấu số nào, lại vừa bổ sung thêm cái thông tin rất là phồn thực cho hoang thú chuyện huyện nhà: mấy năm qua, năm nào Ea Súp có voi rừng… đẻ. Bà con nhặt được nhau thai của voi đánh chén liên tục, kiểm lâm xác tín thông tin, thì vui thay, “không tin được, dù đó là sự thật”. Gớm, nắng chang chang ngọn cỏ rầu rầu, đi miệt mài vẫn chỉ gặp toàn có rừng khộp khô ron ngoằn nghèo những dáng đứng của “cây bàng mồ côi mùa đông” thế này, thì voi nào sống được? Hai bên đường không một bóng cây xanh. Cũng trong cái hôm ông Hiền nói chuyện voi đẻ với tôi, ngay gần hạt, rừng bị cháy đỏ rực một góc trời, trước mắt và trước ống kính máy ảnh của tôi.

 đốt rừng làm rẫy Đăk Lăk
Đám cháy rừng mà nhóm PV chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến trong cái đêm ở lại Ea Súp, cuối tháng 3/2008. (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)

Chợt hiện ra một không gian êm đềm, tôi ngơ ngác bói tìm một dáng hoa ban tím, một nhành đào phai hay mận trắng già xuân. Không, chỉ có dáng sàng sê của vài cây khẳng khiu còn sót lại của rừng khộp bị phá. Gì? Cái dáng nhà bốn mái ngói của người Tày. Cái dáng nhà làm tôi nhớ Tây Bắc, nhớ Việt Bắc, dù trong miền nắng gió này làm gì có dốc đèo quanh co, từ thượng cổ đến giờ làm gì có người Tày – người Thái với thói quen tụ cư bên các vó nước lớn.

Tôi từng theo kiểm lâm và bộ đội biên phòng đi chống di cư tự do ở Mường Nhé, Tây Bắc. Phá rằng khốc hại. Một đêm, hàng chục héc-ta rừng bị chặt, đốt thẳng cẳng. Hàng chục căn nhà mọc lên. Bà con ập đến bất ngờ, người ngựa ngậm tăm, 40 người húm vào đẵn gỗ làm một cái nhà cho một hộ. Xong cái thứ nhất, làm cái thứ hai, làm cái thứ ba. Cứ như sinh viên đi cắm trại ấy. Họ làm nhà cuốn chiếu, một ngày đêm là mọc lên bản mới.

Anh em biên phòng khuyên giải không được, bèn gạt nước mắt, châm lửa vào đốt những cái nhà mới lợp bằng gỗ tươi, lá tươi đi. Rồi van vỉ khuyên bà con hãy ra khỏi rừng nguyên sinh của khu bảo tồn màu mỡ nhất Việt Nam ấy, “chứ là tôi thương bà con nhưng rừng bị phá, cấp trên kỷ luật thì ai thương tôi?”. Và, cái dáng nhà của người Tày ở Ea Súp làm tôi giật mình. Những nếp nhà ngói đỏ, nhà sàn, nằm ngơ ngác trong cao nguyên vốn chưa bao giờ có sự hiện diện của người Tày. Mái ngói đó là dấu vết của cuộc “phạ phung” mang nhiều điều tiếng.

Xã vốn là người di dân tự do, 100% bà con người Tày, không cần biển chỉ dẫn. Những nếp nhà sàn ngói đỏ đã ềm ệp vững chãi, lành lẽ trong nắng. Ruộng rẫy bắt đầu ánh ỏi cái màu xanh trù phú. Chủ tịch xã Cư K’bang Ma Văn Thuyên là một gã người Tày đặc quánh, ria con kiến, mặt vuông chữ điền, đẹp trai như một… hảo hán.

Anh Thuyên người gốc ở xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. “Bản thân tôi, và cả 5.000 người trong xã Cư Kbang chúng tôi, đều là người di dân tự do. Lúc đầu, các cấp ngành rất đau đầu vì cái việc chúng tôi “từ trên trời rơi xuống”, nhưng giờ ổn định rồi, Chi bộ xã có tới 53 Đảng viên. Kinh tế rất phát triển. Chúng tôi mang cả cái lễ lớn nhất trong năm, hội Lồng Tồng (xuống đồng) của người Tày vào đây…chỉ có điều, tình trạng di dân tự do vẫn tiếp diễn, sẽ là một tai họa với các cánh rừng, gây mất ổn định tại địa phương. Nhiều người vừa đến dịp Tết Nguyên Đán 2008 vừa rồi, họ băng rừng rậm, địu con nhỏ, lội rừng khoảng 30km từ bên Ea H’leo sang xã chúng tôi. Họ dựng lều, “mật phục” cả tuần cả tháng trong rừng, dưới suối, chờ dịp… nghỉ tết là đồng loạt chiếm đất, dựng nhà, phá nương làm rẫy!”.

“Thú thật, chúng tôi chỉ bắt bà con cam kết không phá rừng. Nắm bắt thông tin để báo cáo thôi. Chứ không dám đẩy đuổi họ đi. Họ tạm thời chỉ dám chặt những cây nhỏ, nhưng nguy cơ bà con tiếp tục phá rừng là… dĩ nhiên. Họ gồm khoảng 100 hộ. Mà nhất cử nhất động ở địa phương chúng tôi, họ đều có… chân rết để nắm thông tin!” – ông Thuyên thật thà. “Thật ra thì nhiều người họ rất biết thông tin, rất nắm luật pháp, họ cố tình nhảy dù vào để phá rừng. Chúng tôi bắt ký cam kết, rất nhiều “điều khoản” họ ừ ào ký, coi như không để ý. Nhưng khi chúng tôi ghi cái điều quan trọng nhất vào văn bản, rằng “không vận động bà con ngoài quê cũ tiếp tục di dân tự do vào Cư K’bang” thì họ chối đây đẩy, họ không… ký. Có thể anh sẽ bất ngờ: ở cụm người đang dựng lều chờ được “chu cấp” kia, họ có tới 20 cái điện thoại di động, 18 cái xe máy!” – vẫn là tự sự của Chủ tịch Ma Văn Thuyên.

Vốn tiếng Mông, tiếng Tày ít ỏi của tôi được dịp làm cho cán bộ Ea Súp ngơ ngác. Bởi cả cái thôn số 13 (thôn vừa được “bất đắc dĩ” thành lập cho người di dân tự do) của Cư Kbang này không ai biết nói tiếng của cư dân bản địa Tây Nguyên. Cũng như ở cả cái huyện 54.000 dân này không một ai biết tiếng Mông, tiếng Tày của người di cư tự do. Bà con đã rời tỉnh Lào Cai thượng nguồn biên ải của mình, để cất bước lang thang. Cánh chim rừng không mỏi ấy đã dừng ở nhiều nơi, có khi là tỉnh Bình Thuận, có khi là Đắc Nông, có khi là cái huyện lân bang cũng trong địa hạt tỉnh Đắc Lắc này thôi, họ đã nhảy dù sai trái vào nhiều cánh rừng quý, rồi phải “bật” ra. Và cú “bật” gần đây nhất đã đưa chân họ vào tới Cư K’bang.

 
Một vài khung nhà mới đã bắt đầu được dựng lên đằng sau những ngôi nhà tạm còn lợp mái nilon ở thôn 13, xã 100% di cư tự do Cư K’bang (Ảnh: PanNature)

Váy áo rợp trời bên khuôn giếng bê tông hiếm hoi của vùng rừng vắng vẻ. Nơi này xa suối, không có nước. Bà con xuất hiện tháng 4 năm 2007, thấy tương đối “đất lành”, với lý do thăm thân, với lý do… nán lại ngắm trời ngắm đất, từng đợt, từng đợt bà con từ miền Bắc liên tục kéo vào. Giờ, số khẩu đã lên tới con số gần 600 người. Thừa “quân số” để lập một cái thôn mới toe cho Cư Kbang.

Tết vừa rồi, bà con vào thêm một toán; hôm qua, lại có thêm gần chục hộ – con số cứ được cán bộ Ea Súp cập nhật dần. Chủ tịch xã Cư Kbang thì sâu sát hơn: nhiều bà con ngại bị ngăn chặn, họ đi bộ, lội rừng từ huyện Ea H’leo (cũng của Đắc Lắc) sang đây. Họ ập vào như cơn… gió.

Cơ quan chức năng đã đào 3 cái giếng nước phục vụ bà con, số tiền đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng. Mỗi gia đình, khi được ổn định cuộc sống để lập thôn, đều được cấp cho 5000m2 đất canh tác, và 700m2 đất ở.

Đất! Cánh chim rừng không mỏi bay đến từ hơn một nghìn cây số xa thẳm, có khi bay qua cả nghìn ngày đằng đẵng kia, cuối cùng họ đã tìm được cái mà họ vẫn hằng ao ước. Thế nên, bên này là bác người Mông khoe ở quê tôi sắp thành lập một tuyến xe khách riêng chạy thẳng từ huyện “cố hương tôi” vào thẳng Ea Súp, quê hương mới đấy nhé. Bên kia, đông vui hỉ hả, một căn nhà gỗ đăng được dựng khang trang, chỉ thiếu có cảnh giết một con lợn thả lã đen thui làm “lý” nữa là y xì phóc cảnh dựng nhà mới ngoài quê cũ Lào Cai, Lai Châu, hay vùng cao Thanh Hóa quê tôi đấy.

Chỗ này, rào giậu đóng gỗ kiên cố, những cái bờ rào chỉ ngăn mỗi trâu bò, giống hệt hàng trăm, hàng nghìn bản Thái, Mông ngoài Bắc mà tôi đã đi qua. Ngoài sân, các bé chơi bi. Bếp núc, củi lửa, cỏ rả, nồi niêu, nấu nướng giữa màn trời chiếu đất, giữa gió lộng lộng và hãn hĩu lắm mới có một bóng cây sót lại khiến người ta da diết nhớ rằng: chỗ này, chỉ ít bữa trước, vẫn là rừng.

Đám trẻ khoe, cháu học trường Bế Văn Đàn của xã Cư K’bang, chả phải đóng góp gì, học thoải mái. “Bản Mông” chúng cháu thuê riêng một cô giáo biết “phát sóng ngắn” (tiếng Mông) để bổ túc giữa lều lán cho chúng cháu. Trong nhà, các cụ già tỉ mẩn ngồi khâu những vuông thổ cẩm đỏ lừ, vàng rực, khâu tháng khâu năm, khâu niềm thương nỗi nhớ. Cái cuộc sống “du mục” hình như đã quá quen với bà con, miền rừng nào cũng giúp họ tìm thấy sự bình an vĩnh viễn, chứ đâu có nháo nhào kiểu nhảy dù chiếm đất như ai đó vẫn tưởng? Thế mới là phạ phung, cái tục khởi nguồn cho những nhức buốt mang tên di dân tự do.

Anh chàng nhỏ thó mà cơ bắp như dây chão đỏ au cứ đứng tủm tỉm cười nhìn khách lạ. Nụ cười trong nắng nỏ cứ lấp lóa bao nhiêu là răng… bịt vàng. Cái giọng mày m

 nụ cười rạng rỡ người di cư
Nụ cười sảng khoái của trưởng thôn 13, thôn di cư tự do vừa mới thành lập của Cư K’bang, anh Thào Seo Vềnh. Vềnh cũng là một người di cư tự do, vừa mới có 3 tháng lập lều ẩn nấp dưới suối để trốn tránh lực lượng bảo vệ rừng. (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)

ày tao tao, lơ lớ của hắn với anh Chinh, Phó hạt trưởng Kiểm lâm Ea Súp, nghe quen quen. Hóa ra là một anh chàng Mông ở Bắc Hà, Lào Cai. Tôi chưa gặp hắn lần nào, chắc thế, nhưng cái xã, cái huyện của hắn thì tôi đã ăn mòn bát, ngủ mòn lưng. Hắn tên là Thào Seo Vềnh, người xã Bản Liền, xã ấy cheo leo giáp với Sín Mần của Hà Giang. 

Vềnh biết ơn cán bộ Chinh lắm. Cái hồi nằm dài ngoài Bình Thuận, “cánh chim rừng không mỏi” nằm xe ô tô mấy ngày vào tới Cư K’bang. Biết mình nhảy dù vào rừng là phạm pháp, Vềnh sợ lắm. Cứ nằm lỳ dưới suối, cán bộ công an, kiểm lâm đi tìm, không dám ra. Chỉ phụ nữ và trẻ em ở lại ven lều dưới suối, khách lạ đến hỏi gì cũng chỉ “Chư pâu” (không biết) rồi lầm lỳ khâu tháng khâu năm bên bếp lửa. Vềnh và cánh lực điền nằm ngoài suối, cán bộ không tìm được. Anh Chinh đã mang mì tôm, gạo muối vào đặt ở khe đá cho Vềnh tự khắc tìm đường ra lấy về ăn. Chứ cũng là bà con mình, để họ sợ quá, trốn trong rừng, chết đói thì sao. Anh Chinh biết, Vềnh vẫn nhìn thấy anh và đoàn cán bộ, dẫu Vềnh không ra mặt. Cái ơn ấy, giờ Vềnh nhớ lắm.

Nhất là vừa rồi, cái thôn di dân tự do mới nhất ở cái xã vốn là di dân tự do toàn tòng Cư K’bang này vừa được thành lập, cán bộ lại còn bố trí Seo Vềnh làm cán bộ. Trưởng thôn hẳn hoi nhé! – Vềnh vỗ ngực, chỉ lên lá cờ đỏ sao vàng treo ở nóc nhà gỗ mới dựng. Thế là Vềnh có đất ở, dựng được nhà, có đất làm rẫy, cả thôn 13 của Vềnh đã kết thúc cái đời chui nhủi đi tìm miền đất hứa như cánh chim rừng không mỏi rồi. Nụ cười của Thào Seo Vềnh vẫn lấp lóa răng bịt vàng trong nắng vàng như mật ong của Tây Nguyên – tháng ba.

Bà con từ Bắc vào, đi phiêu du giữa rừng và chọn lựa rồi “tự cắm đất cho mình”. Nếu như ở ngoài Bắc, chọn được một cánh đồng trong thung sâu, mỗi dòng họ sẽ đẽo một cái cột đá để làm “cột chủ quyền” cho đám ruộng; đôi khi, hoang sơ đến mức, chỉ vài nhát băm nhẹ vào vỏ cái cây cổ thụ, đường kính gốc hơn 1m là bà con đã khẳng định được “quyền sở hữu” rất vô lý của mình ở cái cây vua trong tán rừng đó. Không ai dám và không ai nỡ chặt những cái cây đã được bà con mình đánh dấu.

Nhưng, giờ đây, họ đang “du canh du cư” ở miền đất không phải được sử dụng để làm rẫy hay dựng nhà, đó là cánh rừng mà người Việt Nam và quốc tế đang nỗ lực bảo vệ. Phải làm sao? Thôi thì chiếu cố, giúp bà con rơi vào cái cảnh “cùng trời cuối đất”, đã chót rồi thì phải… chét, cố gắng ổn định cuộc sống cho đồng bào. Và cái nỗ lực ổn định ấy thật là cảm động, thật là ngậm ngùi. 150 người ở cái bản của Vềnh ra đi, họ lần lữa, chui nhủi ở Bình Thuận 3 năm. Có người chán nản hồi hương, có người ương ngạnh tiếp tục kiếm tìm cái miền đất “không đâu màu mỡ bằng” mà họ tin là sẽ có. Một trong số đó là Vềnh. Vào Cư K’bang, ở dưới suối 30 ngày, dựng lán canh chừng, nghe ngóng, sợ hãi, đói khát. Từ một nhóm người nhỏ bé được ra sống trên khoảnh đất của Cư Kbang này, giờ, qua nhiều đợt “bổ sung”, nấn ná, thôn đã có tới 130 hộ. Họ không phá rừng. Họ thậm chí phải thuê đất của người ở địa bàn trước mình để được làm rẫy, kiếm ăn lần hồi. 

 
 
 trẻ em lấy nước
Những cháu bé người Mông được (bị) bố mẹ dắt theo trên đường ngàn dặm di cư tự do này sẽ đi về đâu? Liệu đói nghèo, thất học, tàn sát rừng già, làm cả cộng đồng phải đau đầu…, có là những gì đang chờ đợi các cháu? (Ảnh: PanNature)

Con đường dốc dác, đỏ sậm những đất bột, đất như vỡ vụn hơn, dễ bốc mù trời hơn trong nắng già chiều muộn. Những bé em ở truồng nồng nỗng đi xách nước, dòng nước rợt thĩm thẫm trên mặt đất mịn. Không một bóng cây, chỉ những bờ rào gỗ vạm vỡ và những nếp nhà bé tẹo như cái truồng trâu bò hiện lên ở cuối con đường.

Thào Thị Pè, 19 tuổi, cũng từ Bắc Hà vào, dắt xe đạp leo dốc, nụ cười vẫn lấp lóa răng bịt vàng, trưng ra cả đàn con và nụ cười hài lòng khó tả với cuộc sống du mục của mình. Em Giàng Seo Phủ, nhà ở Mường Lát, Thanh Hóa, đang là học sinh lớp 5, trường Bế Văn Đàn, cứ phồng mồm thổi lửa giữa trời nắng. Vào đây được gần 1 năm, là con thứ 4 trong gia đình đông đàn dài lũ 6 anh em, bé Phủ rất biết thân biết phận. Ở trường về, là ập vào nấu nướng. Cái bếp dựng giữa trời, không liếp che, nhưng hỏa lò đắp kỳ vĩ lắm, ở đó có thể xếp được cái chảo gang to như cái thuyền thúng, nấu đủ cơm cho 40 người ăn. Bé trèo lên ụ bếp lò lớn. Bé nấu cá cám nuôi lợn, nấu cơm cho cả nhà 8 người ăn, bố Mùa A Sinh đi làm rẫy, mẹ Vàng Thị Cá cũng đi kiếm củi trong rừng. Bé mở tất cả các cái nồi rỗng ra, chỉ một cái nồi còn lơ phơ vài hạt cơm trắng. “Trưa nay nhà cháu ăn cơm với… cơm thôi!”. Bé Phủ cười hi hi, hồn nhiên nổi lửa, xung quanh, các cặp váy áo mông xúm vào, vàng ruộm cả không gian. Bọn trẻ lúc nào cũng vui tươi thế.

Anh Tiên Tri, nhà báo, trưởng phân xã Đắc Lắc của Thông tấn xã Việt Nam là người ít có dịp gắn bó với miền núi phía Bắc, mắt tròn mắt dẹt gọi tất cả chúng tôi lại chứng thực cái chuyện khó tin nhưng có thật: vợ chồng Ma Thị Sú và Cư A Thè, mới 29 tuổi mà có tới 6 đứa con. Đứa đầu mới chỉ 13 tuổi, cũng chưa bao giờ biết đến trường là gì.

Anh Tiên Tri không tiên tri được rằng, việc di dân tự do, nếu không quan tâm đúng mức, bà con còn “di tự do” cả những hủ tục vào miền đất mới. Thí dụ dễ thấy, như tục đẻ vô tội vạ, cái “tục” không khai sinh, không đến trường, không đăng ký kết hôn. Cái tục tự khoan nòng, chế tạo, sử dụng súng kíp và cung nỏ bách phát bách trúng. Cái “tục”, một gã trai bản có thể thức trắng vài đêm, người ướt đẫm sương khuya, căng mắt giương súng rình bắt bằng được một con sóc, con chồn, con dúi, con don bé xíu, chỉ đơn giản bởi gã thú hoang tội tình kia đã hơn một lần hớ hếnh để cho “gã thợ săn” nhìn thấy.

 Thông tin từ hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Ea Súp, Mai Văn Hiền: Ea Súp là một huyện có diện tích đất lâm nghiệp rất lớn, với 125.756 ha (trong tổng số 176.000 ha đất tự nhiên).  Diện tích rừng đặc dụng lên tới 14.500 ha; rừng sản xuất hơn 100.000 ha.

Trước sức ép di dân tự do, phá rừng như hiện nay, kiểm lâm huyện gặp quá nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng lâm tặc núp bóng “bà con bản địa” để phá rừng. Nhiều chủ rừng không biết phải giữ rừng thế nào trước đoàn người đột ngột chặt phá rừng mà mình đang làm chủ để dựng lều, lập “bản”, chỉ còn biết báo cáo thảm trạng lên kiểm lâm. Khi những người di dân tự do “nhảy” vào rừng cố thủ, thì chính lực lượng kiểm lâm cũng không dễ gì đẩy đuổi đưa họ ra khỏi rừng được, vì rất nhiều lý do (mà như đã nói, UBND huyện Ea Súp cũng chỉ biết… tiếp nhận rồi xin chủ trương của cấp trên). Thậm chí, như đã kể, lực lượng kiểm lâm phải mang cơm gạo, mỳ tôm vào cứu đói cho những người tự dưng nhảy vào rừng dựng lều, chỉ chờ dịp chặt trụi cây rừng!

Giữa bối cảnh rừng bị mất từng giờ từng phút, lực lượng kiểm lâm lại quá mỏng. Nếu đúng như quy định 1000ha rừng thì cần 1 kiểm lâm, lẽ ra, huyện nhà phải có tới 125 chiến sỹ kiểm lâm – trong khi đó, quân số thực của hạt chỉ là… 16 người, tính cả hạt trưởng. Ngoài một số vụ tồn từ năm 2007, hơn 2 tháng đầu năm 2008, hạt xử lý tới 41 vụ phá rừng, với gần 3000m2 rừng bị chặt phá.

Chùm ảnh: Gỗ bị khai thác trái phép và phương tiện vận chuyển chờ xử lý, tại trụ sở hạt kiểm lâm Ea Súp.
 

 
 
gỗ lậu 3
 
gỗ lậu
 

(Ảnh: PanNature )