Chư Mom Ray "lung lay" bởi Volfram

ThienNhien.Net – Vườn quốc gia Chư Mom Ray nguyên là Khu bảo tồn thiên nhiên Mom Ray-Ngọc Vin, nằm ở phía bắc Tây Nguyên và phía tây của tỉnh Kon Tum, trên địa phận 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Vườn có hệ động thực vật phong phú và đa dạng, ngoài ý nghĩa về đa dạng sinh học còn ẩn chứa những tiềm năng lớn về du lịch sinh thái. Nhưng dường như điều đó đã bị “sức hút” mãnh liệt của volfram làm lung lay. Một số ý kiến tỏ ra nghi ngại không biết Chư Mom Ray có "giữ được mình" khi mai đây một mỏ khai thác volfram được hình thành ngay trên một phần diện tích vườn hiện nay?
Nằm ở độ cao từ 200 đến 1.773 m so với mực nước biển, Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray có hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Theo thống kê của BirdLife (2003), Chư Mom Ray có 97 loài thú, 201 loài chim, 47 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư và 18 loài cá, bên cạnh đó còn có hệ thực vật rất phong phú với 1.494 loài, thuộc 166 họ và 541 chi, phân bố thành 12 hệ sinh thái rừng với những nét đặc trưng và giá trị riêng biệt.

Trong Vườn có thung lũng Ya Bốc với hơn 6.000 ha trảng cỏ cây bụi – là nơi sinh sống lý tưởng của các loài thú lớn quý hiếm và bị đe dọa tuyệt chủng như: hổ, bò tót, bò rừng, voi. 

Phát hiện quặng Wolfram

Đầu tháng 01/2007, lực lượng kiểm lâm Vườn trong khi tuần tra bắt gặp một số trường hợp người dân ra khỏi rừng mang theo những viên đá. Mặc dù không hề hay biết nguồn gốc và giá trị của những viên đá đó nhưng kinh nghiệm khiến các anh nghi ngờ trước những hành động có vẻ bất thường này, sau khi tìm hiểu và thăm dò thông tin thì được hay những viên đá đó có chứa Volfram.

Chư Mom Ray mang trong mình “một mỏ quặng Wolfram” ngay trong vùng lõi của Vườn, thuộc địa phận xã Mo Ray. Từ phát hiện này năm 2006, Công ty cổ phần khoáng sản Việt Nam đã đề đạt nguyện vọng được tạo điều kiện thăm dò, khai thác với Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Kon Tum.

Theo các tính toán, mỏ quặng Wolfram có diện tích khoảng 400 ha, nằm tại tiểu khu 663 của Vườn. Sau 2 cuộc họp liên ngành cân đo “cái sự thiệt hơn” cho địa phương, cuối cùng UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định gửi văn bản 1779/UBND-NĐ gửi Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất chuyển đổi 1.686ha đất rừng tiểu khu 663 từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất để cho phép công ty cổ phần khoáng sản Việt Nam được lập đề án thăm dò, khai thác và chế biến Wolfram tại đây. Về mặt chủ trương, đề xuất này đã được Bộ Nông nghiệp chấp thuận. Ngày 03/12/2007 tại văn bản số 1880/TTg-NN Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển đổi chức năng rừng thuộc tiểu khu 663.
Giữ rừng ắt khó

Không hiểu thông tin Chư Mom Ray có volfram đã rò rỉ từ đâu, chỉ thấy ngày càng nhiều người dân địa phương ồ ạt kéo nhau vào vùng lõi VQG để tìm kiếm. Thực trạng này đã gây áp lực lên Vườn, nhiều khi tới mức căng thẳng.
Anh Đào Xuân Thuỷ – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Chư Mom Ray cho biết: “Cứ kiểm lâm đi tuần thì dân rút, kiểm lâm đi khuất dân lại kéo nhau vào khai thác, đào bới. Cuối cùng, chúng tôi đã quyết định cắm lán ngay tại điểm dân thường vào khai thác volfram và cử 3 người túc trực…Kiểm lâm của Vườn thì mỏng, cả Vườn chỉ có 30 người mà phải quản lý đến hơn 50.000 ha rừng. Nếu theo tiêu chuẩn chung chúng tôi thiếu tới vài chục người, vậy mà vẫn phải cắt cử anh em thay nhau trực ở lán. Nghề kiểm lâm  vốn đã vất vả, những ngày “ăn sương nằm rừng” trong lán còn cực gấp bội, ròng rã suốt mấy tháng mùa mưa anh em sốt, ốm triền miên tới kiệt sức,̀ sau chúng tôi phải nhờ các anh bên biên phòng, công an sang hỗ trợ”. 

Được biết, lán trại tạm của các anh giờ vẫn nằm đó, các anh sẽ còn thay nhau trông “mỏ quặng” cho đến khi cấp trên có quyết định chính thức về số phận của nó.

Có thể nói mối đe doạ lớn nhất với Vườn hiện nay xuât phát từ chính dân cư vùng đệm, ngoài một mùa nương rẫy, ngoảnh đi ngoảnh lại, nguồn sinh kế của họ chỉ còn biết trông vào rừng. Cũng chính vì cái nghèo, cái đói, cái khó đã dồn họ đến chân tường? Volfram xuất hiện khác nào “miếng ngon” mời mọc. Chính vì thế dân cứ dổ dồn về đây tìm kiếm volfram, họ đào bới để lấy những hòn đá bán được tiền, dẫu biết rằng đang vi phạm luật pháp.
Những băn khoăn về công tác bảo tồn
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Đắc Thanh – giám đốc VQG Chư Mom Ray – cho biết trước khi tỉnh đề xuất với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đã tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của các bên liên quan cũng như các nhà khoa học. Với quan điểm phải “đặt công tác bảo tồn lên hàng đầu”, Vườn đã lập báo cáo phân tích “được và mất” khi chuyển đổi mục đích rừng và cho khảo sát, khai thác mỏ quặng wolfram. Đồng thời xin các cấp ngành quan tâm và tăng cường công tác quản lý, giám sát bảo vệ hỗ trợ anh em kiểm lâm.
Chư Mom Ray vốn đã bị sức ép lớn từ các con đường 674 và đường mòn Hồ Chí Minh cắt ngang vùng lõi Vườn trước đây, nếu như mỏ quặng wolfram được khai thác thì lâm tặc sẽ càng lợi dụng để hoành hành. Điều đó càng làm tăng gánh năng lên vai những người giứ rừng. Lý giải cho quyết định của cấp trên, anh Thủy tâm sự “là những người làm bảo tồn, chúng tôi rất băn khoăn bởi về nguyên tắc là phải cấm hoàn toàn việc khai thác volfram để bảo tồn thiên nhiên nhưng với lực lượng mỏng như hiện tại việc giữ rừng không cho khai thác volfram là không thể. Chúng ta phải biết lượng sức mình, nếu đã giữ phải giữ mãi chứ không phải chỉ 1,2 ngày. Chúng tôi không thể ngăn cản lượng dân vào khai thác ngày càng đông và họ đào bới một cách vô tổ chức. Nếu chúng ta hy sinh một góc nhỏ và quản lý tốt góc đó thì hiệu quả bảo tồn còn cao hơn.”

Chư Mom Ray có lợi thế lớn để phát triển du lịch sinh thái, điều đó không những giúp bảo tồn hệ sinh thái đa dạng và điển hình của khu vườn mà nó còn tạo ra một nguồn thu ngân sách cho địa phương, nhà nước cũng như tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư vùng đệm bằng việc khuyến khích phát triển các làng nghề thủ công, mỹ nghệ, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa bàn. Bên cạnh lợi ích to lớn về kinh tế việc phát triển du lịch còn góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc, biến những giá trị văn hóa này thành thứ “hàng hóa đặc biệt” để thu hút du khách. Khi người dân được hưởng lợi thực sự từ nguồn tài nguyên rừng phong phú và những giá trị văn hóa thì việc chặt phá rừng, săn bắt thú rừng cũng sẽ được giảm thiểu.

Mỏ quặng wolfram có diện tích khoảng 400 ha, nhưng để có thể khảo sát thăm dò và đi vào hoạt động khai thác thì cần một diện tích lớn hơn nhiều để mở đường, xây dựng các cơ sở hạ tầng vật chất khác phục vụ cho việc khai thác đó. Chính vì thế đề xuất của tỉnh là chuyển đổi 1.686 ha rừng đặc dụng sang rừng sản xuất.
Việc “từ chối” những dự án hấp dẫn để phát triển bền vững, bỏ qua những lợi ích trước mắt để nghĩ đến tương lai như Đà Nẵng, Hải Phòng, Ninh Bình đã làm được trong thời gian qua không phải dễ, đặc biệt với một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như Kon Tum. Tuy nhiên, nếu cắt ra một góc rừng để khai thác volfram, dù cho tỉnh đã có những biện pháp bảo vệ dự phòng ai dám chắc VQG Chư Mom Ray vẫn sẽ nguyên vẹn trong suốt thời kỳ và hậu thời kỳ khai thác volfram. Đó là chưa kể lỡ mai này người ta phát hiện thêm nhiều mỏ khoáng sản khác ở Chư Mom Ray hay các VQG, KBT khác, liệu việc cắt đất rừng để khai thác khoáng sản ở Chư Mom Ray có trở thành một tiền lệ.