Hãy cứu Vườn quốc gia Yok Đôn khi còn chưa muộn

Vườn quốc gia Yok Đôn (VQGYĐ, Đắc Lắc) hiện là VQG lớn nhất nước ta, có giá trị phòng hộ lớn không chỉ với Đắk Lắk mà cả vùng Đông Dương. Thế nhưng VQGYĐ hiện đang đứng trước nguy cơ chỉ còn… trên giấy, nếu không nhận được sự quan tâm đầy đủ của các ngành chức năng, các cấp chính quyền từ địa phương tới trung ương…

Cuộc chiến không cân sức

VQGYĐ được thành lập năm 1991, có diện tích 58.200ha. Đến năm 2000 VQGYĐ được mở rộng lên tới 115.545ha. Ơ đây có 474 loài thực vật, thuộc 101 họ, 328 chi, trong đó có 19 loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam. Khu hệ động vật có 66 loài thú, 241 loài chim, 46 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 30 loài cá, trong đó có 70 loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam…

Thế nhưng hiện nay VQGYĐ đang bị tàn phá từng ngày, từng giờ và đang đứng trước nguy cơ “rỗng ruột” hoàn toàn. Rừng do các đơn vị khác quản lý ở xung quanh VQGYĐ như Lâm trường Buôn Tul (ở phía đông), Lâm trường Cư Mơlan (ở phía bắc), Công ty lâm nghiệp Đắc Wil (ở phía nam) về cơ bản đã bị “xoá sổ”. VQGYĐ là “ốc đảo xanh” còn lại cuối cùng ở khu vực này.

Và vì vậy, áp lực tấn công vào vườn của 33.000 dân, thuộc 6 xã, 3 huyện quanh khu vực vườn là rất lớn. Mỗi ngày có hàng trăm người dân luồn lách từ trăm ngả vào rừng sâu để chặt trộm gỗ quý, săn bắt động vật hoang dã. Một ngày vào rừng với người đi xe đạp, xe máy chỉ cần chặt được một khúc gỗ hương, hay cẩm lai dài khoảng 1m, đường kính khoảng 50cm là đã thu bạc triệu; với người đi xe trâu, xe công công “thuận buồm xuôi gió” có thể kiếm cả chục triệu…

Bên cạnh đó là lực lượng lâm tặc chuyên nghiệp với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, trong khai thác, vận chuyển gỗ, chúng có “tay trong” thông tin về hoạt động của kiểm lâm, có ô dù bảo kê và vì vậy, việc bắt giữ được chúng là không dễ, bắt giữ được rồi cũng rất khó xử lý. Đã vậy lực lượng quản lý bảo vệ rừng của VQGYĐ lại quá mỏng. Theo QĐ 186/2006/TTg ngày 14/08/2006 của Thủ tướng thì cứ 500ha rừng đặc dụng được bố trí 1 biên chế. Với diện tích 115.545ha thì VQGYĐ phải có 231 cán bộ quản lý bảo vệ, nhưng hiện tại chỉ có 80 người, còn thiếu 151 người. Vì vậy có thể nói, cuộc chiến bảo vệ rừng ở VQGYĐ hiện nay là không cân sức.

Những vô lý kêu trời không thấu…

Ngoài vô lý về biên chế của lực lượng bảo vệ đề cập ở trên, việc bảo vệ VQGYĐ còn phải hứng chịu nhiều sự vô lý khác do sự thiếu đồng bộ của các ngành, các cấp ở tỉnh Đắk Lắk. Ai cũng biết rừng của các lâm trường quanh VQGYĐ đến thời điểm này đã cạn kiệt, không còn gỗ để khai thác. Vậy mà kề VQGYĐ, người ta vẫn cho phép 2 xưởng cưa gỗ của tư nhân hoạt động.

Không thể nói khác hơn: Đây là một sự tạo điều kiện cho việc khai thác gỗ trộm từ VQGYĐ được tiêu thụ thuận lợi hơn, góp phần phá VQGYĐ “tốt” hơn. Điều vô lý khác là: Ngay trong vùng lõi của vườn, kề phân khu bảo vệ nghiêm ngặt vẫn tồn tại một buôn của đồng bào Ê Đê và một số hộ Kinh gồm 85 hộ. 85 hộ, nhưng có tới 60 cưa máy. Chắc chắn những cưa máy này được người dân mua không phải để trưng bày mà để cưa cắt gỗ. Ai cũng biết việc để tồn tại 1 khu dân cư giữa vùng lõi của vườn là vô lý, và mặc dù năm 2002 đã có phương án di dời dân ra ngoài vườn, nhưng đến nay chẳng ai làm.

Giữa tháng 03/2008, tình cờ gặp ông Hồ Viết Sắc – Giám đốc đầu tiên của VQGYĐ. Khi nói về tình hình ở VQGYĐ hiện nay, ông ứa nước mắt, giọng buồn rầu: “Có ai quan tâm giữ rừng nữa đâu, 5 năm nữa là tan hoang thôi…”. Nếu quả thực 5 năm nữa VQGYĐ tan hoang, đó sẽ là một mất mát lớn, một nỗi đau lớn của Tây Nguyên.