Hồ Trị An lại “kêu cứu”

Lần này, hồ Trị An (Đồng Nai) kêu cứu bởi đang bị… cây Mai dương (còn gọi là cây trinh nữ hay cây xấu hổ) một sát thủ thầm lặng xâm lấn. ẹt nhất đã có hơn 1.200ha bị cây Mai dương "ngoạm mất".

Theo cảnh báo, cây Mai dương sẽ đe doạ chất lượng nguồn nước cung cấp cho hơn 14 triệu dân Đông Nam Bộ nếu cứ lúng túng mãi giải pháp tiêu diệt như hiện nay…

Cây Mai dương được phát hiện lần đầu tiên ở Vườn Quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp). Tại Đồng Nai, khoảng 10 năm trở lại đây, cây Mai dương đã xuất hiện và sinh sôi chóng mặt ở VQG Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (KBTTNVC).

Khảo sát mới đây của KBTTNVC, ít nhất đã có hơn 1.200ha đất lòng hồ tại 8 khu vực thuộc địa bàn huyện Vĩnh Cửu đã bị cây Mai dương xâm lấn, chưa kể các ngách khác.

Theo tài liệu khoa học, cây Mai dương vốn là cây ngoại lai, nằm trong danh sách 100 loài thực vật ngoại lai nguy hiểm nhất thế giới. Cây Mai dương mọc khoẻ, lây lan nhanh.

Thân cây Mai dương có chứa mimosin, một loại axit amin có thể gây độc hại đối với nhiều loại động vật. Nó cạnh tranh và dần tiêu diệt các loài cây khác, nhất là các loài thảo mộc, các loài thực vật phát triển ở tầm thấp.

Bị Mai dương xâm lấn với tốc độ phi mã, KBTTNVC lo ngại, một khi sinh cảnh hồ Trị An đã mất cũng đồng nghĩa với việc nhiều loài sinh vật có ích sống trong hồ, nhờ hồ sẽ bị huỷ diệt, đồng thời lại là cơ hội phát triển cho nhiều loại thực vật, sinh vật có hại.

Phân tích của thạc sĩ Trần Văn Mùi, Giám đốc KBTTNVC, khi cây Mai dương già, chết đi, xác của chúng phân huỷ thành những chất độc ảnh hưởng tới khu vực nước nơi cây chết. Khảo sát gần đây về ô nhiễm nước hồ Trị An của cơ quan chức năng Đồng Nai cho thấy, nguồn nước ở lòng hồ bị ô nhiễm còn bởi xác cây Mai dương phân huỷ.

“Hồ Trị An ngoài phục vụ cho Nhà máy thuỷ điện Trị An còn là nguồn cung cấp nước cho khoảng 14 triệu dân vùng hạ lưu ở tỉnh Đồng Nai, BRVR, TPHCM. Xác chết của cây Mai dương để lại rất nhiều chất độc trong nguồn nước. Rất nguy hại!”. Ông Mùi lo lắng!

Nhiều năm trước, tỉnh Đồng Nai đã từng trồng cây tràm nước để diệt Mai dương . Nhưng sau một thời gian ngắn, dự án đành phải ngừng bởi diệt chẳng bao nhiêu mà tác tại của tràm nước đến thực vật xung quanh lại nhiều hơn.

Mới đây lại có đề xuất nên dùng chất hoá học để diệt Mai dương , vừa nhanh, lại rẻ. Tuy nhiên theo ông Trần Văn Mùi, cây Mai dương mọc thường ở vùng bán ngập. Nếu diệt bằng hoá chất, ngấm vào nguồn nước sẽ tác hại không nhỏ cho sức khoẻ con người.