Cần cảnh giác khả năng lây nhiễm H5N1 ở động vật

ThienNhien.Net – Việc lây nhiễm bệnh tật giữa các loài động vật không phải là hiện tượng hiếm hoi. Gần đây, tại Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm Cúc Phương lại có thêm một số cá thể thú ăn thịt nhỏ bị chết do nhiễm vi rút H5N1. Tuy nhiên, thực tế này chưa được nhiều người biết và quan tâm đúng mức.

Tin mới nhất từ Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn Động thực vật hoang dã quý hiếm Cúc Phương (Ninh Bình) cho biết từ 06/02/2008 đến nay đã phát hiện 06 cá thể cầy vằn (Chrotogale owstoni) ốm yếu, với các biểu hiện lâm sàng như uống nhiều nước, cổ sưng phù, biếng ăn, đi không vững, lên cơn, mù, điếc, mất cảm giác.

 

Hiện nay, cả nước có 9 tỉnh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, trong đó có Ninh Bình.
 
(Theo An ninh thủ đô, 07/03/2008)

Theo phán đoán ban đầu của các chuyên gia cứu hộ, số động vật này bị ngộ độc thức ăn hoặc nhiễm virus. Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương trực, thuộc Cục thú y sau khi tiến hành xét nghiệm đã kết luận trong 5 cá thể động vật bị chết, có 4 cá thể nhiễm cúm gia cầm H5N1. Cá thể chết gần đây nhất vào ngày 02/03/2008 cho kết quả xét nghiệm âm tính với H5N1.

Ngay sau khi phát hiện biểu hiện lạ của số cá thể động vật, Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn Động thực vật hoang dã quý hiếm Cúc Phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng ngừa cho các nhân viên cứu hộ và số động vật còn lại tại Trung tâm. Kết quả kiểm tra mới nhất cho biết toàn bộ cá thể Cầy vằn tại trung tâm hiện nay hoàn toàn khoẻ mạnh, ăn uống tốt và không có biểu hiện ốm yếu hoặc có triệu chứng lây nhiễm lây nhiễm.



Mặc dù có thể nói rằng sự cố lây lan bệnh dịch ở động vật tại đã Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn Động thực vật hoang dã quý hiếm Cúc Phương đến nay đã được kiểm soát. Tuy nhiên, kết quả giám định không khẳng định rằng toàn bộ số động vật cứu hộ trên bị chết do nguyên nhân duy nhất là nhiễm vi rút H5N1. Vậy, còn nguyên nhân nào đằng sau đó?


Dĩ nhiên, ai cũng muốn biết câu trả lời rõ ràng. Song, có một điều quan trọng hơn mà chúng ta đã biết nhưng vẫn chủ quan, hiện nay có vô vàn cá thể động vật hoang dã bị nuôi nhốt để làm cảnh, thuần dưỡng, nhân giống hoặc khai thác rải rác trong cộng đồng. Hầu hết chúng bị nuôi nhốt trong điều kiện tạm bợ, thậm chí mất vệ sinh một cách tồi tệ, không hề có bác sĩ thú y giám sát bệnh tật và chăm sóc. Liệu ai dám khẳng định chúng không phải là nguồn gây bệnh hoặc vật trung gian truyền bệnh tật cho các loài gia cầm, gia súc và thậm chí con người?