Nuôi thỏ ở Bình Thuận

Ở Bình Thuận, nghề nuôi thỏ đã có từ lâu, nhưng chỉ có một số ít hộ gia đình nuôi và mang tính chất đơn lẻ, tự phát, không đáng kể.

Thực hiện chương trình đa dạng hoá vật nuôi cây trồng cho người nghèo nông thôn và nhất là trong thời kỳ dịch bệnh cúm gia cầm và heo tai xanh đang bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, Trung tâm khuyến khích phát triển kinh tế – xã hội vùng duyên hải tỉnh Bình Thuận (SEDEC) đã phối hợp với Hội Nông dân xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận tổ chức thử nghiệm nhóm mô hình nuôi thỏ cho một số hộ nghèo tại địa phương. Có 25 hộ nghèo tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ ban đầu một số vốn là 400.000 đồng để mua 4 con thỏ nái.

Được SEDEC cho đi tham quan học tập kinh nghiệm tại Củ Chi- TPHCM và dưới sự tư vấn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm SEDEC, đến nay đa số các hộ nuôi đều đạt hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc cải thiện thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.

Theo nông dân xã Hồng Sơn thì khả năng thích ứng của thỏ với môi trường kém và đặc biệt là thân nhiệt của nó thường thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Chính vì vậy, chuồng nuôi phải bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ trong mùa hè nhưng phải ấm áp về mùa đông, tránh để mưa tạt hoặc gió lùa vào. Chuồng nên thiết kế theo khối hình hộp chữ nhật với chiều dài khoảng 90cm, chiều rộng khoảng 60cm và chiều cao khoảng 50cm. Trong chuồng nên chia thành 2 ngăn, nên có một máng đựng thức ăn tinh và một máng chứa nước uống.

Đặc biệt, khi thỏ đẻ, lồng chuồng, ổ đẻ, thức ăn nước uống giữ tuyệt đối sạch sẽ, vì lúc này sức đề kháng của thỏ giảm sút nhiều nên dễ bị các mầm bệnh truyền nhiễm xâm nhập. Mầm bệnh từ thỏ mẹ rất dễ lây cho đàn con thông qua đường sữa mẹ và tiếp xúc trực tiếp. Cũng theo kinh nghiệm của bà con thì thỏ cũng rất ít bị bệnh, chủ yếu mắc bệnh cầu trùng và ghẻ lát nhưng đã có thuốc ngừa và điều trị. Tuy nhiên, nếu cho thỏ “ăn chín uống sôi” thì đảm bảo chúng hầu như không bị bệnh.

Sau hơn một năm, đến nay hộ chú Ngang (thôn 2, xã Hồng sơn) đã có được 6 con nái và 30 thỏ con. Chú cho biết: “Trước đây, cũng có nuôi thỏ nhưng không đầu tư chăm sóc, không biết cách phòng trị bệnh và cũng chẳng vệ sinh chuồng trại. Nuôi chỉ để ăn, không bán. Sau khi được SEDEC hỗ trợ vốn và kỹ thuật, tôi thấy nghề nuôi thỏ rất đạt và có thể phát triển tại địa phương. Thỏ đẻ nhanh, một con thỏ nái đẻ được trung bình khoảng 7-9 thỏ con. Thỏ con từ lúc mới đẻ nuôi đến 1,5 tháng thì bán, với giá hiện nay là 100.000 đồng/cặp, nhưng nếu nuôi đến 4 tháng để bán thịt thì lúc này mỗi con trung bình đạt 2,5-3 kg và giá bán khoảng 70.000 – 80.000 đồng/con”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội nông dân xã Hồng Sơn cho biết: “Nuôi thỏ không khó lắm, vốn đầu tư ban đầu lại thấp, nhưng lại cho lãi cao. Thức ăn đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu tận dụng được các nguồn sản phẩm phụ trong nông nghiệp như rau, cỏ, thân thanh long. Chuồng trại thì làm bằng vật liệu đơn giản, rẻ tiền và không tốn nhiều diện tích. Tôi nghĩ việc nuôi thỏ có thể là một giải pháp thay thế, vừa đa dạng cây trồng vật nuôi của xã và vừa giúp bà con nông dân an tâm hơn trong lĩnh vực chăn nuôi trong tình hình dịch cúm gia cầm và bệnh heo tai xanh hiện đang xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước”.