Xâm hại môi trường trong khai thác khoáng sản ở Thanh Hóa

Kết quả kiểm tra, thanh tra của ngành tài nguyên và môi trường thời gian qua, trực tiếp là Ðoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2007 cho thấy: còn không ít tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong khai thác và chế biến khoáng sản. Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên, khoáng sản khá phong phú, đa dạng về chủng loại nhưng trữ lượng nhỏ, phần lớn tập trung ở vùng núi cao, cơ sở hạ tầng kém phát triển.

Các tài liệu điều tra địa chất cho thấy, Thanh Hóa có 122 mỏ và 176 điểm quặng, bao gồm gần 20 loại khoáng sản khác nhau. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có 95 giấy phép khai thác khoáng sản (11 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, 84 giấy do UBND tỉnh cấp).

Kết quả kiểm tra của thanh tra ngành tài nguyên và môi trường thời gian qua, trực tiếp là Ðoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2007 cho thấy: tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bước đầu được đẩy lùi, tuy nhiên còn không ít tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong khai thác và chế biến khoáng sản.

Công ty cổ phần đá Ðồng Giao chuyên khai thác Spi-lít tại núi Hoàng Sơn, xã Hà Dương, huyện Hà Trung theo Quyết định số 2634 (ngày 20/12/1996) của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến nay giấy phép này đã được gia hạn nhiều lần. Song qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện những vi phạm như: không lập bản đồ hiện trạng khu vực khai thác theo quy định, trong quá trình hoạt động, công ty bỏ qua thủ tục báo cáo kế hoạch khai thác cho cơ quan có thẩm quyền. Cũng vì vậy, đơn vị đã không thực hiện các quy định cần thiết: quan trắc, giám sát môi trường định kỳ, không thực hiện nội dung trong bản cam kết đạt tiêu chuẩn môi trường và không tham gia nghĩa vụ quỹ phục hồi môi trường.

Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần đá Ðồng Giao với mức phạt chín triệu đồng, và yêu cầu đơn vị có biện pháp khắc phục các tồn tại trong tháng 07/2007.

Với những vi phạm tương tự trong hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh mặt hàng, Công ty cổ phần Séc – Pentin, hiện khai thác quặng theo giấy phép số 147 (ngày 17/04/1991) của Bộ Công nghiệp nặng, đã bị Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Quyết định xử phạt chín triệu đồng. Công ty cổ phần xi-măng Bỉm Sơn, hoạt động đã hơn 20 năm, chủ yếu khai thác đá vôi (tại phường Ðông Sơn) và mỏ sét Cổ Ðam (phường Ba Ðình).

Hằng năm, đơn vị đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và địa phương nhưng nhiều năm nay, công ty không có thiết kế khai thác và thông báo kế hoạch khai thác hằng năm cho cơ quan có thẩm quyền đã đành, việc báo cáo đánh giá tác động môi trường khu vực khai thác, làm nghĩa vụ quỹ phục hồi môi trường đơn vị cũng không thực hiện. Chính vì vậy, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần xi-măng Bỉm Sơn mức tiền 22 triệu đồng và yêu cầu có biện pháp khắc phục những vi phạm nêu trên trước ngày 31/12/2007.

Còn công ty cổ phần khoáng sản – xây dựng phụ gia xi-măng Thanh Hóa, lâu nay được cấp phép khai thác đá bazan ở xã Thăng Long (huyện Nông Cống), quặng sắt ở khu Tú Sơn, Hòa Luật thuộc hai xã Thành Tân và Thành Vân (huyện Thạch Thành) và mỏ đá Spi-lít tại xã Hà Bình (huyện Hà Trung). Các vi phạm chủ yếu của đơn vị này cũng là không lập bản đồ hiện trạng khu vực khai thác, không có bản thiết kế khai thác, và không thực hiện quan trắc giám sát môi trường định kỳ theo quy định. Thanh tra ngành tài nguyên và môi trường đã ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt sáu triệu năm trăm nghìn đồng. Ðồng thời yêu cầu đơn vị tìm biện pháp khắc phục một cách nghiêm túc những yêu cầu của đoàn thanh tra trước khi kết thúc năm 2007…

Mấy năm qua, Thanh Hóa đã có một số văn bản (như Quyết định số 108/2003/QÐ-UB, Chỉ thị số 10/2004/CT-UB, Công văn số 1782/2005, Quyết định số 1996/2006/QÐ-UBND…) chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản, lập lại trật tự, kỷ cương trong khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Công tác kiểm tra, thanh tra được quan tâm, chẳng hạn năm 2004 đã phát hiện và thu hồi 17 giấy phép khai thác mỏ vi phạm pháp luật; năm 2006, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện sáu đơn vị có biểu hiện vi phạm trong khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản, nên đã tiến hành thu hồi một giấy phép, và phạt hành chính đối với năm tổ chức, cá nhân.

Song phải nói rằng do chưa có chế tài xử lý nghiêm minh triệt để, bởi vậy tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là hiện tượng khai thác nguyên vật liệu xây dựng một cách tự do, bừa bãi ở địa bàn vùng sâu, vùng xa (do huyện, xã thu phí) chưa được ngăn chặn. Ðiều đó, đòi hỏi ngành chức năng cũng như tỉnh Thanh Hóa sớm bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp, nhằm triển khai, thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ðất đai và Luật Tài nguyên nước.

Mặt khác, duy trì và coi trọng công tác kiểm tra, thanh tra về bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại địa phương có biện pháp ngăn chặn hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép; đồng thời có hình thức xử lý nghiêm những hành vi coi thường, cố ý chây ỳ và chậm khắc phục các vi phạm pháp luật đối với những đơn vị, cá nhân đã được thanh tra, kết luận.