Phát hiện hai loài ếch bám đá mới ở Việt Nam

Trong chương trình hợp tác nghiên cứu về đa dạng sinh học ở dãy Hoàng Liên Sơn, Tây bắc Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Việt Nam) và Viện Động vật Xanh Pê-téc-bua (Nga) đã công bố hai loài ếch bám đá mới: Ếch bám đá nhỏ Amolops minutus Orlov and Ho, 2007 và Ếch bám đá đốm vàng Amolops splendissimus Orlov and Ho, 2007.

Mẫu chuẩn dùng để mô tả hai loài này đều thu được tại vùng rừng thường xanh của dãy Hoàng Liên Sơn ở độ cao trên 2000 m so với mực nước biển, thuộc địa bàn huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mô tả về hai loài mới này do hai nhà khoa học Nikolai Orlov (Nga) và Hồ Thu Cúc (Việt Nam) công bố trên Tạp chí về Bò sát và ếch nhái Nga, số 14(3), tháng 12/2007.

Điều đáng chú ý là cùng vào thời điểm này, hai nhà khoa học khác là Ding-Qi Rao (Trung Quốc) và Jeffery A. Wilkinson (Mỹ) cũng công bố loài ếch bám đá mới Amolops caelumnotic Rao and Wilkinson, 2007 với mẫu chuẩn thu được ở dãy Hoàng Liên Sơn (Huanglianshan), tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trên tạp chí Copeia (Mỹ), số 4, tháng 12/2007.

 
Ếch bám đá đốm vàng – Amolops splendissimus. (Ảnh: Hồ Thu Cúc).

Loài này có đặc điểm hình thái giống hệt với loài ếch bám đá đốm vàng Amolops splendissimus Orlov and Ho, 2007. Như vậy, theo Luật Danh pháp Quốc tế (1999) việc lựa chọn một tên loài ếch bám đá nào có hiệu lực còn tùy thuộc vào ngày công bố của hai tạp chí trên.

Nếu tạp chí Bò sát Ếch nhái Nga được phát hành trước thì tên loài ếch bám đá thu được ở Lai Châu, Việt Nam sẽ là tên có hiệu lực, và ngược lại, nếu Tạp chí Copeia phát hành trước thì tên loài ếch bám đá đốm vàng Amolops splendissimus sẽ trở thành tên đồng nghĩa của Amolops caelumnotic.

Nhưng dù tên nào được chính thức công nhận đi nữa thì việc khám phá cùng lúc hai loài ếch bám đá mới cũng đã chứng tỏ dãy Hoàng Liên Sơn luôn là địa điểm chứa đựng những tiềm ẩn về đa dạng sinh học không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới.