Thuận An (Bình Dương): Ô nhiễm bụi gỗ

Công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đang là một trong những ngành phát triển ở các khu công nghiệp phía Nam, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và đóng góp kinh phí đáng kể vào ngân sách địa phương. Tuy nhiên, nếu không xử lý tốt thì chất thải của nó lại làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Sản xuất gây ô nhiễm

Người dân phản ánh Công ty TNHH chế biến gỗ Phong Toàn (gọi tắt là Công ty Phong Toàn) ở xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương trong quá trình sản xuất chế biến các sản phẩm gỗ gia dụng đã gây bụi làm ô nhiễm môi trường khu dân cư.

Đến điều tra tình hình này quanh khu vực chế biến gỗ của Công ty Phong Toàn, thì trước cửa công ty, bên kia đường là khu dân cư thuộc ấp 4, xã An Phú, huyện Thuận An. Bà Bùi Bích Xuân, số nhà 90/5 ấp 4, chủ quán bi-da phản ánh: “Bụi lắm, không chịu nổi, tôi vừa lau bàn cách đây 10 phút, giờ đã phủ lớp bụi gỗ. Các bàn bi-da tôi đều phải phủ bạt, khi nào có khách chơi thì mới dám mở ra. Nhưng bây giờ ngày một ế ẩm vì khách cũng sợ bụi, đâu dám tới chơi. Tôi mắc chứng viêm xoang cũng vì bụi gỗ”.

Không chỉ có bà Xuân bức xúc, mà những người dân xung quanh xưởng chế biến gỗ Công ty Phong Toàn cho biết đời sống của họ bị xáo trộn và cảm thấy bất an, bởi tình trạng bụi cưa lan trong không khí.

Bà Nguyễn Thị Tiếng, một hộ dân sống ở ấp 2 Hòa Lân, xã Thuận Giao, cạnh xưởng sản xuất của Công ty Phong Toàn cho biết, kể từ lúc công ty tăng cường sản xuất thì môi trường sống quanh khu vực công ty ngày một ô nhiễm bởi bụi gỗ, quần áo giặt sạch đem phơi chừng vài tiếng là bám đầy bụi gỗ, mặc vào thấy ngứa ngáy, khó chịu, vì bụi gỗ còn có những hóa chất tẩm trong đó.

Bản thân bà Tiếng và các con cháu đều mắc bệnh đường hô hấp do sống lâu ngày trong bụi gỗ. Gần đây, ban ngày bà phải “sơ tán” các cháu nội về sống bên ngoại, tối đến mới đón về và nhốt các cháu trong nhà, không cho ra ngoài.

Ông Võ Khắc Thành, phụ trách một xưởng gốm Công ty gốm Sài Gòn thuộc xã Thuận Giao, dẫn đến “mục sở thị” những cây cối trong xưởng phủ dày một lớp bụi gỗ trắng xóa như tuyết. Công nhân làm việc đều phải đeo khẩu trang, các hàng mẫu trùm kín bạt, ai vào mua mới mở ra cho họ xem, sau đó lại phải đậy lại. Nhất là những khi có cơn gió thổi qua thì bụi mù trời, ai dính bụi vào mắt là giàn giụa nước mắt, không đeo khẩu trang cuối ngày làm việc sẽ dính đầy bụi gỗ trong lỗ mũi.

Cần có ngay biện pháp xử lý hiệu quả

Nhiều lần người dân đã phản ánh tình trạng ô nhiễm cho công ty, tuy nhiên phía công ty vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm nêu trên. Ngày 29/10/2007, các hộ dân quanh khu vực chịu ô nhiễm đã phản ánh tình trạng này tại UBND xã Thuận Giao.

Ngày 20/11/2007, Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Thuận An đã tiến hành kiểm tra, đo đạc bụi thải ra trong quá trình sản xuất của Công ty Phong Toàn, nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được kết quả trả lời về mức độ ô nhiễm.

Trao đổi với tiến sĩ hóa môi trường Lê Hải Lê, công tác tại Vụ Thẩm định môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tiến sĩ cho biết, việc Công ty Phong Toàn để bụi bám trên lá cây xung quanh khu sản xuất đã vi phạm tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bụi gỗ có kích thước nhỏ mịn, dễ theo đường hô hấp vào phổi, lại có tẩm hóa chất độc hại dễ gây ra các bệnh về hô hấp hoặc có thể gây ung thư. Hiện nay Bộ Y tế cũng đã có ban hành tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường và sức khỏe. 

Ông Nguyễn Trọng Đức, Tổng vụ Công ty Phong Toàn, cho biết, Công ty Phong Toàn xây dựng xưởng chế biến gỗ cách đây 8 năm, lúc đó khu dân cư chưa hình thành như bây giờ, mà mới chỉ có vài hộ gia đình, do đó công ty đã không chú ý việc xử lý chất thải. Nay trước yêu cầu của người dân, công ty đang nghiên cứu triển khai hệ thống xử lý bụi gỗ.

Bụi gỗ chủ yếu phát sinh trong công đoạn cưa, chà nhám và đánh bóng bề mặt gỗ. Các bụi gỗ sẽ được hút vào các bồn chứa, hơi sẽ được thoát ra từ các túi vải, các bụi gỗ ở lại. Bụi gỗ sẽ được tận dụng làm chất đốt. Khả năng nhà máy phải làm 4 bồn như vậy, giá thành từ 70 triệu đến 150 triệu đồng. Công ty đang tích cực lắp đặt thiết bị.

Tuy nhiên, theo bà Tiếng thì còn phải chờ xem sao, vì công ty đã nhiều lần hứa hẹn, nhưng chỉ được một thời gian ngắn là đâu lại hoàn đấy.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện Thuận An cần thẩm định chính xác mức độ vi phạm các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường và có buổi làm việc cùng Công ty Phong Toàn và đại diện nhân dân khu vực ô nhiễm để Công ty Phong Toàn đưa ra cam kết của mình trong việc xử lý tình trạng ô nhiễm do bụi gỗ gây ra trong quá trình sản xuất.