Hạn hán Châu Phi hay nguy cơ một cuộc khủng hoảng

ThienNhien.Net – Trong những năm gần đây, các đợt hạn hán kéo dài thường xuyên diễn ra ở Châu Phi. Tại các địa phương, hạn hán xuất hiện hàng năm và những đợt khủng hoảng ở lục địa dường như xuất hiện một lần mỗi thập kỷ và gần đây là hai lần một thập kỷ. Do đó, mặc dù lục địa này mới chỉ sử dụng khoảng 4% nguồn nước ngọt có thể tái tạo của họ, song “Nước vẫn đang trở thành một trong các nguồn tài nguyên thiên nhiên nguy cấp nhất.”

Hiện nay, khoảng 2/3 dân số nông thôn và 1/4 dân số thành thị trên thế giới thiếu nước sạch, và tình trạng khan hiếm nước đang tăng lên nhanh chóng do kết quả của quá trình đô thị hoá, tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, hiện nay “14 quốc gia Châu Phi đang ở trong tình trạng khủng hoảng về nước hay khan hiếm nước và tình trạng này sẽ tiếp tục gia tăng ở 11 quốc gia khác nữa trong vòng 25 năm tới”.

Khoảng giữa những năm 1970 và 1995, lượng nước dự trữ của Châu Phi đã giảm 2,8 lần. Khu vực ven biển cũng gánh chịu một loạt các vấn đề môi trường do xói mòn, lũ lụt và sụt lún bờ biển. Việc khai thác các nguồn tài nguyên ven biển, sức ép dân số và phát triển đều là nguyên nhân của tình trạng này.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu IPCC cho rằng “Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi quy luật tự nhiên, đặc điểm sinh thái, và gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội ở miền ven biển nhiệt đới Châu Phi”. Với nền nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào lượng nước mưa, cuộc sống của dân cư Châu Phi dễ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự biến đổi chu kì thủy văn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng biến đổi khí hậu khiến tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng. Nam Phi đang trở thành một trong số các khu vực bị khủng hoảng về nước: lưu lượng nước của các dòng suối và khả năng tuần hoàn nước ngầm đang giảm đi nhanh chóng. Ngoài ra, lượng mưa trung bình hàng năm bị suy giảm khiến quá trình sa mạc hoá càng thêm tồi tệ, đặc biệt ở Nam Phi.

Ở vùng sông Nin, hầu hết các khu vực ước tính sẽ giảm hơn 75% lưu lượng dòng chảy vào năm 2100. Điều đó có thể tác động nghiêm trọng đến nền nông nghiệp, bởi việc suy giảm lưu lượng nước hàng năm của sông Nin khoảng trên 20% sẽ phá vỡ hệ thống tưới tiêu truyền thống.

Tình trạng này có nguy cơ dẫn đến các cuộc xung đột bởi rất có thể hệ thống phân phối nước hiện tại sẽ bị phá vỡ. Các nhà khoa học cho rằng thậm chí một sự giảm lượng mưa nhỏ kết hợp với quá trình bốc hơi cao hơn cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng hạn hán đáng kể. Do vậy, việc cải thiện tình trạng sử dụng nước và hệ thống tưới tiêu ở Châu Phi hiện nay đang là vấn đề cấp bách.

Sự phát triển kinh tế xã hội của Châu Phi hiện đang đặt trong tình trạng báo động do biến đổi khí hậu đe doạ phá hoại tính nguyên vẹn của hệ sinh thái đa dạng nhưng yếu ớt trên lục địa này. Các chuyên gia cho biết hệ thống tự nhiên là cơ sở căn bản của nền kinh tế ở hầu hết các quốc gia Châu Phi và cũng là nơi phần đông dân số tìm thấy sinh kế của họ. Châu Phi chứa đựng khoảng 1/5 tất cả các loài thực vật, thú và chim, cũng như 1/6 các loài lưỡng cư và bò sát đã được biết đến trên thế giới. Tuy nhiên, các hoang mạc, rừng nhiệt đới, dải san hô ngầm, môi trường nước ngọt, các rừng ngập mặn và hệ sinh thái núi ở Tây Phi đều đang ở chịu áp lực cao.
Người nghèo, nhất là những người sống trong vùng khó trồng trọt và trong các khu vực có sản lượng nông nghiệp thấp ở Châu Phi, phụ thuộc trực tiếp vào nguồn gen các loài sinh vật và tính đa dạng của hệ sinh thái để hỗ trợ cho cuộc sống của họ. Bởi vậy, bất kỳ tác động nào trên hệ sinh thái tự nhiên cũng sẽ đe doạ sinh kế, nguồn lương thực thực phẩm và sức khoẻ của cộng đồng.

Bên cạnh đó, với sự tuyệt chủng các loài thực vật được sử dụng trong các phương thuốc cổ truyền ở Châu Phi, biến đổi khí hậu sẽ tác động đến khả năng chữa bệnh của những người dân địa phương. Tổ chức y tế thế giới WHO ước tính rằng 80% dân số thế giới ở các nước đang phát triển dựa vào các loài thực vật bản địa như vậy để chăm sóc sức khoẻ.

Ở Mali, các loại thuốc truyền thống đang bị mai một dần bởi nhiều loài thực vật đã bị tiêu diệt hoàn toàn do hạn hán kéo dài. Phương kế canh tác đặc trưng được hình thành qua nhiều thế hệ cũng có thể nhanh chóng mất đi. Nếu không được quan tâm đúng mức, 80-120 triệu người nữa có nguy cơ rơi vào tình trạng đói nghèo mà 70-80% số đó thuộc Châu Phi.

Châu Phi, giống như mọi nơi khác trên thế giới, dựa vào nước để duy trì sự ổn định xã hội, kinh tế và môi trường. Khủng hoảng nước sẽ dẫn đến các rủi ro lớn cho Châu Phi như đình trệ nông nghiệp, giảm chất lượng nước và dịch bệnh lan tràn. Thêm vào đó, với nhiệt độ tăng cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, biến đối khí hậu sẽ không ngừng làm suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, do đó gia tăng đói nghèo.