Nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam – Khoảng cách hay tiềm năng

ThienNhien.Net – Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (TBG) là một trong những mũi nhọn của ngành di truyền và công nghệ sinh học (CNSH) hiện đại. Nó cũng mở ra hy vọng điều trị một số căn bệnh nan y đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Năm 2007, giải Nobel y học được trao cho các nhà khoa học với công trình nghiên cứu về TBG càng khẳng định tầm quan trọng đó. “Nhìn người lại ngẫm đến ta”, vấn đề nghiên cứu TBG của Việt Nam hiện nay ra sao? Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi nhỏ với TS. Bùi Xuân Nguyên, Trưởng phòng Công nghệ phôi – Viện Công nghệ Sinh học – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Xin ông giải thích một chút về ý nghĩa của TBG?

Đối với con người, có thể nói ý nghĩa lớn nhất của TBG là trở thành nguyên liệu để điều trị các căn bệnh mãn tính như: ung thư máu, đái đường, Parkinson…Xét rộng hơn, TBG là sản phẩm sinh học cao cấp thay thế cho bộ phận tế bào, mô của cơ thể bị suy thoái chức năng, được dùng trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu y sinh. TBG có đặc thù sinh học ưu việt hơn tế bào bình thường, vì vậy cũng được dùng làm nguyên liệu cho các mô hình nghiên cứu, đặc biệt các mô hình nghiên cứu độc học trong tương lai. Ý nghĩa nữa của TBG là trở thành nguyên liệu cho bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng TBG trong nhân bản vô tính sẽ mang lại hiệu quả cao hơn TB bình thường. Nếu việc ứng dụng TBG thành công thì quy mô sử dụng sẽ khá lớn.

Khả năng nghiên cứu và ứng dụng TBG của Việt Nam hiện nay ra sao? 

Thế giới đã tiến hành nhiều nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này Việt Nam mới đang trong giai đoạn chập chững những bước đi đầu tiên. Hiện nay, Việt Nam chưa có khả năng nghiên cứu TBG đầy đủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật chuẩn của thế giới. Bản thân chúng tôi mới chỉ tiến hành lấy TBG để̀ sử dụng trong nhân bản vô tính. Còn đối với TBG ở người, chúng tôi đang thực hiện một chương trình bảo quản và biệt hóa TBG người trưởng thành trong khuôn khổ hợp tác với Xinh-ga-po, dựa trên bản quyền của họ về khai thác TBG từ màng cuống rốn.

Ngoài ra, một số trung tâm và bệnh viện ở Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu về việc ứng dụng TBG trưởng thành điều trị một số bệnh như thiểu năng máu, máu trắng, chẳng hạn như Trung tâm Truyền máu và Huyết học Tp.HCM, Viện 108…

Vì sao Việt Nam chưa tự tạo được TBG theo chuẩn quốc tế, do thiếu trang thiết bị, con người hay do những rào cản về hành lang pháp lý?

Thực ra, đó là sự khó khăn về nhiều mặt và là vấn đề khó khăn của nền khoa học nước nhà nói chung, không chỉ riêng lĩnh vực CNSH. Chúng ta thiếu những chuyên gia giỏi và một tập thể chuyên môn. Chúng ta cũng thiếu sự đầu tư tầm xa với những điều kiện chuẩn.

Còn về hành lang pháp lý, mặc dù hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định chi tiết nhưng Nhà nước đã có chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu TBG, có nêu trong nghị quyết. Theo tôi, giờ cũng chưa phải là thời điểm để ra quy định chi tiết mà trước hết cần có những nghiên cứu cho kết quả rõ nét, trên cơ sở đó mới có thể thảo luận và xây dựng quy định.

Vậy, có thể hiểu rằng Việt Nam chưa có ngân hàng TBG? 

Đúng, ngân hàng chính thức thì chưa, nhưng đã có ngân hàng TBG tự phát. Một số nơi vẫn đang lưu giữ TBG để nghiên cứu.

Ông đánh giá ra sao về thành tựu mới đây của thế giới về việc tạo TBG từ TB da người? 

Đây là một sự đột phá về khoa học, tuy nhiên việc ứng dụng kết quả nghiên cứu này cần thời gian dài. Để sản phẩm theo nguyên tắc kỹ thuật ấy đảm bảo đầy đủ các yếu tố như TBG tự nhiên sẽ cần những nghiên cứu tiếp theo trong một khoảng thời gian không phải là ngắn.

Xin cảm ơn ông.