"Bài toán kinh tế” – thuỷ điện và rừng (Kỳ IV)

ThienNhien.Net – Đến thời điểm này vẫn chưa có nhà kinh tế nào tính toán “bài toán kinh tế” giữa rừng và thuỷ điện. Thậm chí người ta chỉ nói đến giá trị vô cùng to lớn của rừng mà chưa đưa ra giá trị đó như thế nào. Người ta chỉ biết “sơ đẳng” rằng rừng đã cung cấp sản vật, những tiềm năng về khoáng sản, lâm sản…và điều mà người ta cố gắng làm là tìm mọi cách khai thác rừng “mặc cho” chiến lược bảo vệ hoặc tái tạo lại vốn rừng đã bị con người xâm hại nhiều năm nay đi vào tranh cãi trên giấy mực.

Như đã nói, câu chuyện “quota” khí thải mà Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh đề cập, mỗi tấn CO2 được trả 50 USD, nếu Việt Nam trồng rừng, bán lại “quota” khí thải CO2 thì mỗi năm thu lợi hàng tỷ USD. Trong khi đó môi trường trong nước lại được cải thiện… Điều đó là thực tế, chỉ cần 1 ha rừng để bán “quota” khí thải với giá 50 USD/năm thì chứng ta đã thu tiền tỷ mỗi năm.

Theo số liệu thống kê, tại Quảng Nam hiện có 673.000 ha rừng và đất rừng. Trong đó có 390.000 ha rừng tự nhiên. Nếu nói như Tiến sĩ Ninh, chỉ cần bán “quota” khí thải với giá bình quân 50 USD/ha/năm. Thì mỗi năm, nếu diện tích rừng và đất rừng kia được bảo vệ và phát triển mới thì nguồn thu từ “quota” khí thải hơn 33,6 triệu USD. Đó là chưa kể môi trường sinh thái được bảo vệ, hạn chế được lũ lụt hàng năm gây hại hàng nghìn tỷ đồng và rừng sẽ là “nhà máy” xử lý khói thải từ các nhà máy công nghiệp mà Quảng Nam đang đầu tư xây dựng ở vùng đồng bằng.

Đó là chưa kể giá trị kinh tế từ rừng được khai thác theo qui chuẩn 20% lượng cây hiện có đã đến tuổi khai thác, chắc chắn sẽ thu lợi từ rừng hàng chục triệu USD mỗi năm. Trong một báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Nam, chỉ tính trong năm 2007, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,96 triệu USD.

Trong khi đó, theo tính toán từ nhà máy thuỷ điện nhỏ Khe Diên, huyện Quế Sơn, nguồn thu từ điện năng mang lại chưa trừ chi phí, mỗi năm thu khoảng 30 tỷ đồng Việt Nam. Hơn thế, nhà máy thuỷ điện nhỏ này đã xoá sổ gần 1.000 ha rừng nguyên sinh đầu nguồn. Điều đó có thể chứng minh rằng hiệu quả kinh tế từ thuỷ điện thấp hơn giá trị kinh tế của diện tích rừng bị mất.

Vẫn chưa có nhà kinh tế nào đánh giá mức độ thiệt hại từ diện tích rừng bị mất khi chuyển đổi mục đích một lượng lớn đất rừng và rừng nguyên sinh sang làm thuỷ điện. Nhưng chắc chắn một điều rằng, thiệt hại kinh tế từ rừng do các dự án nhà máy thuỷ điện mang lại là rất lớn với nhiều triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, nguồn thu từ thuỷ điện lại rất thấp.

Nói như vậy, không đồng nghĩa với việc không đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện để cung cấp nguồn năng lượng cho quốc gia phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao vừa xây dựng các nhà máy thuỷ điện nhưng hạn chế thấp nhất việc xâm hại vào rừng. Hoặc ít ra cũng nên đề cập đến một chương trình đầu tư trồng mới rừng để bù lại diện tích rừng mà các dự án nhà máy thuỷ điện xâm hại (mặc dù giá trị và chất lượng từ rừng trồng không thể so sánh với rừng nguyên sinh). Không thể để một khi không còn rừng nữa thì chuyện các nhà máy thuỷ điện cũng sẽ thành những “sân phơi” thuỷ điện như nhiều nhà khoa học đã cảnh báo là điều khó tránh khỏi.

Rõ ràng, lợi ích kinh tế từ rừng là vô cùng to lớn và có ý nghĩa nhiều mặt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh trong khu vực. Nếu ngay từ bây giờ Quảng Nam không có kế hoạch cũng như chiến lược phát triển vốn rừng và bảo vệ diện tích rừng hiện có thì thiệt hại kinh tế là vô cùng lớn không thể tính toán được bằng tiền.

Ở một khía cạch khác, chỉ tính trong năm 2007, trong vòng chưa đầy 1 tháng, liên tiếp 5 trận lũ kinh hoàng “dìm” Quảng Nam trong biển nước, thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể thiệt hại về con người với hơn 54 người chết và mất tích. Chuyện bão lũ dồn dập giáng xuống đầu người dân Quảng Nam đã được các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo là do rừng đầu nguồn bị xâm hại nghiêm trọng, không còn rừng phòng hộ đầu nguồn.

Chỉ tính về thiệt hại kinh tế của Quảng Nam trong mỗi mùa lũ đã thấy giá trị của rừng Quảng Nam lớn thế nào. Trước khi kết thúc loạt bài này, chúng tôi lại nhận được những dòng thông tin từ báo chí cho biết, máu rừng Quảng Nam vẫn tiếp tục chảy bởi nạn khai thác rừng trái phép không được chặn đứng, bởi nạn phá rừng lấy đất sản xuất, bởi khai thác khoáng sản và hàng loạt dự án thuỷ điện đang bắt đầu đồng loạt khởi công ngay trong năm 2008 và những năm tiếp theo. Điều đó đồng nghĩa với hàng chục nghìn ha rừng khác sẽ bị “khai tử”.