Bảo vệ những khu rừng đang dần trống rỗng

Chúng ta đang bảo vệ hiệu quả các loài động vật hoang dã (ĐVHD)? Hay chúng ta đang thua trong cuộc chiến để bảo vệ tài sản thiên nhiên quý giá của mình? Thật không may mắn, những nỗ lực của chúng ta ngày hôm nay có thể chưa đủ trừ khi chúng ta sẵn sàng với một tư thế khác: chính ta cần là những người bảo vệ các khu rừng đang ngày một hoang vắng.

Săn bắt và bẫy ĐVHD là những mối đe doạ chính đối với các loài ĐVHD tại hầu hết các Vườn quốc gia (VQG) và các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam. Mặc dù, một số VQG đã rất nỗ lực giải quyết vấn đề này như tiến hành tuần tra, giám sát vùng lõi, nhưng những nỗ lực đó dường như vẫn chưa đủ để ngăn chặn tình trạng suy giảm quần thể nhanh chóng của những loài ĐVHD, kể cả những loài thông thường.

Trong khi đó, tại các tuyến đường, việc thực thi pháp luật của các cơ quan hành pháp như công an và kiểm lâm chỉ ngăn chặn được khoảng 5% các vụ buôn bán ĐVHD. Việc thực thi pháp luật dường như tập trung nhiều hơn vào việc kiểm tra trên đường vận chuyển là quá muộn đối với số phận của động vật vì một khi chúng đã bị đưa ra khỏi rừng thì khó có khả năng trở lại được nữa kể cả khi chúng ta xác định được điểm xuất phát của chúng.

Lượng xuất khẩu ĐVHD từ Việt Nam, những loài được săn bắt từ chính những khu rừng của chúng ta, có thể giảm do săn bắt quá mức từ giữa những năm 90. Tuy nhiên, đồng thời việc buôn lậu ĐVHD vào Việt Nam và qua Việt Nam vẫn không hề suy giảm. Khi những kẻ buôn bán ĐVHD bị phát hiện, chúng chỉ bị “vỗ” bằng những khoản tiền phạt nhẹ, rất ít phải vào tù.

Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế ngày một tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ ĐVHD cũng tăng lên đáng kể. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của những nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh, quảng cáo ĐVHD khiến cho công việc của thực thi pháp luật của cơ quan chức năng càng khó khăn hơn.

Tại các khu chợ và những nơi tiêu thụ ĐVHD, các biện pháp thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD bao gồm tịch thu động vật, cảnh cáo và yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh cam kết không tái vi phạm. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc các cơ quan chức năng vẫn không quyết đoán thực thi đúng pháp luật đặc biệt là đối với những hành vi vi phạm được coi là nhẹ. Trừ khi việc thực thi pháp luật được thực hiện một cách nhất quán, kiên định thì chủ các cơ sở kinh doanh mới không gật đầu, ký vào cam kết, tạm dừng một thời gian và tiếp tục tái phạm một thời gian sau đó.

Mặc dù pháp luật và hiệu quả thực thi pháp luật đã được cải thiện đáng kể trong 15 năm qua, nhưng những tiến bộ này vẫn chưa thể theo kịp sự gia tăng của nạn buôn bán ĐVHD. Các cơ quan thực thi pháp luật còn thiếu những cách tiếp cận hiệu quả cũng như có động cơ thúc đẩy để giải quyết vấn đề mỗi ngày một thay đổi. Còn quá ít cơ chế quản lý nhằm tăng cường hiệu quả công việc và khuyến khích các cán bộ chức năng kiên quyết, tích cực hơn nữa trong cách thức giải quyết tình trạng buôn bán ĐVHD.

Các hình thức xử phạt vẫn còn quá nhẹ và thiếu tính răn đe các đối tượng buôn lậu và những kẻ có “tiềm năng” vi phạm trong khi đó, đối với nhiều cơ quan thẩm quyền cấp tỉnh, ĐVHD vẫn được coi là một nguồn lợi kinh tế và tình trạng nguy cấp của các loài không được xem xét trong quá trình đưa ra quyết định, đặc biệt khi xử lý ĐVHD tịch thu. Về mặt nào đó, sự tập trung thực thi pháp luật để bảo vệ ĐVHD đã mất mát phần nào khi chúng ta nóng lòng cho một nền kinh tế thịnh vượng cho tương lai.

 
Hàng chục bẫy thú rừng thu được tại một khu bảo tồn thiên nhiên ở miền Trung Việt Nam. Rừng cần được bảo vệ. Nếu chúng ta không thể bảo vệ động vật hoang dã trong tự nhiên, rừng sẽ cạn kiệt.

Nếu muốn chấm dứt tình trạng khai thác và buôn bán ĐVHD trái phép, đồng thời ngăn chặn con đường dẫn đến tuyệt chủng và biến các khu rừng tự nhiên trở nên hoang hoá, chúng ta cần thay đổi cách thức làm việc để đạt hiệu quả hơn.

Chúng ta nên bắt đầu bằng việc tự cam kết sẽ làm tốt vai trò của mình với tư cách là cán bộ kiểm lâm, những người thực thi pháp luật, những cán bộ của các cơ quan liên quan, và những người đưa ra quyết định. Nếu không có sự quan tâm và lòng yêu nghề thực sự, thì pháp luật và cơ quan chức năng vẫn chưa đủ để chấm dứt tình trạng buôn bán, săn bắt ĐVHD. Cam kết cá nhân và mong muốn tạo ra sự thay đổi là rất cần thiết để đạt được thành công.

Như chúng ta có thể thấy từ chính sách khuyến khích tất cả mọi người dân đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, việc tuyên truyền kết hợp với các chế tài nghiêm khắc có thể tạo ra một sự thay đổi lớn chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, để có được sự thay đổi thần kỳ này, chúng ta phải cùng cam kết chấm dứt nạn buôn bán trái phép, đồng thời kiên quyết thực thi pháp luật nhằm truyền tải một thông điệp rõ ràng đến các đối tượng đang vi phạm và sẽ vi phạm rằng các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ ĐVHD sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Chấm dứt vi phạm hoặc bị xử phạt nghiêm khắc!

Vấn đề quản lý các VQG và khu bảo tồn cũng cần phải được cải thiện. Các nhà quản lý cần phải quyết tâm ngăn chặn và chấm dứt nạn săn bắt ĐVHD trong phạm vi VQG hoặc khu bảo tồn của mình, thúc đẩy kiểm lâm và các cán bộ bảo tồn thực hiện tốt vai trò của mình. Bảo vệ ĐVHD phải bắt đầu từ chính môi trường sống của loài.

Chúng ta cũng cần phải chấm dứt việc coi ĐVHD như một món hàng có thể buôn bán, trao đổi và thậm chí thanh lý. Việc tịch thu ĐVHD không chỉ đơn thuần nhằm đưa ra mức xử phạt đối với các đối tượng và xung công quỹ. Những người đưa ra quyết định, cần xem xét đến tình trạng bảo tồn của loài. Các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm phải được bảo vệ tuyệt đối ,không được bán thanh Lý hay cho phép chúng nằm trong tay của những chủ trang trại hay kẻ buôn bán ĐVHD.

Luật pháp chỉ nghiêm cấm việc buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng, vì vậy, đối với các loài không được quy định bảo vệ hiện đang phải đối mặt với nguy cơ đe doạ rất cao. Chúng ta phải tuân theo pháp luật và tập trung nỗ lực vào việc ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp bảo vệ ĐVHD. Việc kiểm tra thường xuyên và có biện pháp xử lý kịp thời cùng với mức phạt nghiêm khắc sẽ tạo ra làn sóng ngầm khiến các đối tượng vi phạm sợ hãi và buộc phải tuân theo pháp luật.

Rõ ràng, chúng ta chỉ có thể thành công khi tạo cho tất cả mọi người dân ý thức tôn trọng luật pháp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên khuyến khích tất cả mọi người cùng tham gia bảo vệ ĐVHD. Với sự tham gia tích cực của cộng đồng, chắc chắn những kẻ buôn lậu ĐVHD sẽ không có “đất” để phát triển như hiện nay

Việc chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD dường như là một nhiệm vụ bất khả thi nếu nhìn dưới góc độ của một mình cán bộ kiểm lâm. Tuy nhiên, thành công là trong tầm tay nếu chính chúng ta quyết tâm hành động để tạo ra sự thay đổi, dù là nhỏ. Một vài thành công có thể là động lực thúc đẩy cho một số người. Và khi con số này tăng lên, chúng sẽ trở làn sóng chống lại những kẻ buôn bán ĐVHD và từng bước chấm dứt hoạt động kinh doanh phi pháp và mang tính phá hủy này hoạt động, mà nếu không được kiểm soát, nó sẽ làm rỗng những khu rừng chúng ta.