"Quota" khí thải, tại sao không? (Kỳ III)

ThienNhien.Net – Nói chuyện về kinh tế rừng, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh – một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Việt Nam và là thành viên trong nhóm tác giả nhận giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2007 khẳng định rằng: Việt Nam có thể được lợi nhiều tỷ USD nếu biết hoá giải những tác động của biến đổi khí hậu. Mỗi tấn CO2 được trả 50 USD, nếu Việt Nam trồng rừng, bán lại “quota” khí thải CO2 thì mỗi năm thu lợi hàng tỷ USD. Trong khi đó môi trường trong nước lại được cải thiện.

Nguồn “nguyên liệu” nào cho nhà máy thủy điện (Kỳ 2)
Những dự án phá rừng mang tên “thủy điện” (Kỳ 1)

Câu chuyện “quota” khí thải là cả một câu chuyện dài mà nhiều nhà khoa học đã đặt ra từ rất lâu. Thế nhưng đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, chiến lược trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ đặt ra vẫn chưa đạt được như mong đợi.

Diện tích rừng nguyên sinh mỗi năm ngày càng bị co hẹp bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ việc phá rừng lấy đất sản xuất, đến những dự án thuỷ điện đã triệt hạ cùng lúc hàng chục nghìn ha rừng.

Ngay tại Quảng Nam, nếu đem toàn bộ hơn 87 dự án nhà máy thuỷ điện lớn, vừa và nhỏ đã và đang đầu tư xây dựng tại vùng rừng núi Quảng Nam, sẽ thấy một phần lớn diện tích rừng bị tàn phá do các dự án thuỷ điện này. Chỉ tính ngay tại dự án thuỷ điện Sông Tranh 2, con số thống kê diện tích rừng bị mất đã lên đến con số 2.500 ha, và sông Tranh 3 là 400 ha.

Đó là chưa kể hàng nghìn ha rừng khác đã và đang bị xâm hại bởi các dự án nhà máy thuỷ điện A Vương (huyện Đông Giang và Tây Giang), thuỷ điện Đăk Mi 4 (huyện Phước Sơn), thuỷ điện Khe Diên cùng hàng chục dự án thuỷ điện khác.

Ngay tại dự án thuỷ điện Khe Diên tại huyện Quế Sơn vừa mới đưa vào hoạt động cuối năm 2007 vừa qua, chỉ mới thống kê lượng gỗ rừng nguyên sinh được gọi là “tận thu” đã lên đến con số 12.000 m3. Người ta lợi dụng khai thác tận thu gỗ từ lòng hồ nhà máy thuỷ điện này đã xâm hại hàng trăm ha rừng nguyên sinh nơi vùng đầu nguồn và đã bị phát hiện.

Hậu quả là đã có 1 phó chủ tịch huyện Quế Sơn, 1 giám đốc công ty cùng 3 cán bộ khác của tỉnh và huyện phải vào trại tạm giam để “trả lời” cho hành vi phá rừng của mình. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng phát hiện, thì đã quá muộn, hơn 147 ha rừng nguyên sinh không nằm trong lòng hồ nhà máy thuỷ điện Khe Diên, nhưng đã bị các cán bộ này “phù phép” biến thành rừng bị ngập để khai thác tận thu.

Người ta đã lợi dụng các dự án thuỷ điện để phá rừng, hỏi chăng rừng còn mô? Bản thân các dự án nhà máy thuỷ điện đã khởi công, đã xâm hại hàng nghìn ha rừng nhưng cũng chưa hề có động thái nào đề cập đến chuyện trồng lại rừng, dù biết rằng những giá trị của rừng trồng không thể đem so sánh được với rừng nguyên sinh.

Thạc sĩ lâm sinh Thái Truyền cũng đã khẳng định chuyện “quota” khí thải là một bài toán kinh tế về rừng. Nhưng chuyện đó nhiều người cho là mơ hồ, bởi ai mua? Ngay cả những lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam khi chúng tôi đặt vấn đề rừng bị xâm hại từ dự án thuỷ điện triển khai rầm rộ ở Quảng Nam trong thời gian vừa qua nhưng tất cả đều từ chối trả lời.

Nhiều cán bộ lãnh đạo cho rằng Quảng Nam có tiềm năng thuỷ điện lớn. Nhưng chẳng một vị lãnh đạo nào lý giải tiềm năng thuỷ điện dồi dào kia nhờ đâu? Có phải nhờ những bậc ghềnh thác hay nhờ Quảng Nam may mắn vẫn còn hàng trăm nghìn ha rừng nguyên sinh nơi vùng đầu nguồn kéo dài hàng trăm km dọc theo vùng biên giới Việt-Lào?

Quảng Nam đã được ví như “thủ phủ của ngành công nghiệp không khói – thuỷ điện”, người ta ồ ạt và tìm mọi cách để tiến hành các dự án, người ta đề đạt những kỳ vọng mà “ngành công nghiệp” này đem lại cho sự phát triển của địa phương. Nhưng cũng thật nghịch lý, không ai quan tâm đến rừng – thứ sinh lợi cho họ và đem điện về. Mỗi ngày, một ít diện tích rừng lại mất, “tích tiểu thành đại” (như các cụ vẫn nói) có lẽ sẽ đúng với Quảng Nam – “tích tiểu thành hoạ” một khi rừng đã mất.

Còn chuyện “quota” khí thải mà như Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh cho biết, mỗi tấn CO2 được trả 50 USD, nếu Việt Nam trồng rừng, bán lại “quota” khí thải CO2 thì mỗi năm thu lợi hàng tỷ USD. Trong khi đó môi trường trong nước lại được cải thiện.

Chuyện “quota” khí thải mà TS Ninh khẳng định là một thực tế không mấy người tin. Bởi đã từ lâu, người ta chỉ nói đến “rừng vàng biển bạc” để khai thác tận thu, chứ chưa nghe nói đến chuyện phải bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên này như thế nào để khai thác lâu dài.

Ngoài chuyện rừng bị xâm hại từ dự án thuỷ điện, còn có hàng nghìn hộ dân di chuyển để nhường đất cho nhà máy thuỷ điện, bao xáo trộn trong đời sống của người dân, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, họ sẽ phải “học cách” bắt đầu cuộc sống mới.Chỉ tính riêng các dự án của nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 2, A Vương, Đăk Mi 4…đã phải tiến hành di dân trên 2000 hộ. Vẫn có những diện tích rừng mới mất đi để cho bà con lấy đất sản xuất, đồng nghĩa với việc rừng lại tiếp tục bị “xén” thêm, và cạn kiệt sẽ là điều khó tránh khỏi.

Một chuyên gia kinh tế đã nhận định, rừng liên tục bị xâm hại mà không hề có biện pháp bảo vệ cũng như không có chiến lược, kế hoạch trồng mới để bù lại diện tích rừng bị mất, thì không thể nói đến chuyện phát triển kinh tế bền vững ở một tỉnh thuần nông như Quảng Nam. Đó là chưa nói đến kế hoạch đặt ra năm 2015, tỉnh Quảng Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế trở thành một tỉnh công nghiệp. Đến lúc đó vai trò của rừng là vô cùng cần thiết trong việc điều tiết khí hậu, làm giảm nguy cơ ô nhiễm về khí thải, đó là chưa kể đến những lợi ích khác của rừng. Đến lúc đó, Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung nói chung có bỏ ra nhiều tỷ USD cũng khó mà phục hồi được rừng.