Đẩy mạnh các chương trình của LHQ hỗ trợ phòng chống cúm gia cầm ở Việt Nam

Ngày 09/01/2007, giai đoạn hai của Chương trình Phối hợp Phòng chống cúm gia cầm giữa Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc cùng với ba dự án khác của Tổ chức Nông nghiệp & Lương thực của LHQ (FAO) nhằm hỗ trợ cho công tác này đã được ký kết. Sự kiện này diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm.

Mục tiêu của Chương trình Phối hợp là tăng cường sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ thực hiện Chương trình Hành động tổng thể về Phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm ở người của Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010, hay còn gọi là “Sách xanh”.
 
Nội dung chủ chốt tiếp tục được ưu tiên và đưa vào tất cả các hoạt động của Chương trình là nâng cao nhận thức của người dân nhằm tạo ra sự thay đổi hành vi và thanh toán bệnh cúm gia cầm độc lực cao trong đàn gia cầm ở Việt Nam.
 
Các dự án do FAO thực hiện sẽ tiến hành những hoạt động như tập huấn về dịch tễ ở cơ sở, hỗ trợ các đợt tiêm phòng đại trà và theo dõi kết quả sau khi tiêm phòng, tăng cường năng lực chẩn đoán trong phòng thí nghiệm và giám sát dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, nghiên cứu vai trò truyền bệnh của các loài chim hoang dã và các đàn vịt thả dông cũng như thử nghiệm hiệu lực của vắc-xin.
 
Chương trình Phối hợp sẽ do Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chủ trì thực hiện với sự tham gia tích cực của Bộ NN & PTNT, Bộ Y tế và các Bộ, ngành khác có liên quan. Đối tác về phía cơ quan LHQ gồm các tổ chức FAO, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP).
 
Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ, phát biểu: “Chương trình Phối hợp Phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm ở người giữa Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc cho thấy các hoạt động phối hợp theo một chương trình thống nhất của các tổ chức LHQ với sự chỉ đạo tích cực của quốc gia có thể mang lại sự khác biệt. Chúng tôi vui mừng nhận thấy hai Bộ chủ chốt của Việt Nam và các tổ chức LHQ phối hợp với nhau trong việc đối phó với dịch cúm ở cả gia cầm và ở người theo phương thức tổng hợp”.
 
TS. Troedsson, Đại diện WHO tại Việt Nam, nói: “Sự tái hiện của bệnh cúm gia cầm ở một số tỉnh phía Nam vào tháng trước nhắc nhở chúng ta phải luôn sẵn sàng ở mức cao nhất nhằm đối phó với nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm khác. Việc xây dựng Hệ thống Cảnh báo và Đối phó sớm và Chương trình Tập huấn về Dịch tễ ở cơ sở với sự hỗ trợ từ giai đoạn hai của Chương trình Phối hợp là những bước đi quan trọng theo đúng hướng”.
 
Mới đây, Việt Nam đã công bố dịch cúm gia cầm xuất hiện ở ba tỉnh phía Nam. Đây là ổ dịch đầu tiên được phát hiện kể từ tháng 12/2005. Ba đợt dịch cúm gia cầm chính xảy ra tại Việt Nam kể từ cuối năm 2003 đến nay đã làm 42 người bị tử vong và ảnh hưởng tới tám triệu hộ dân mà phần lớn trong số đó là hộ nghèo.