Hơn 2 triệu chim di cư bị ‘giết thịt’

ThienNhien.Net – Ngày 9-3, một nhóm bảo tồn động vật cho biết, đã có hơn 2 triệu con chim di cư bị “giết thịt” trong mùa thu năm ngoái tại Cộng hòa Síp.

Cuộc khảo sát, được tiến hành bởi Tổ chức phi chính phủ “Birdlife Cyprus”, đã ước tính được số lượng chim vô tình bị sa lưới hoặc bị mắc bẫy vôi sống lên đến gần 2 triệu cá thể.

Theo quan sát của tổ chức Birdlife Cyprus, “đáng buồn là tình trạng săn bắt bất hợp pháp vẫn đang diễn ra mạnh mẽ” với số lượng lưới mờ được sử dụng để đánh bắt chim đã tăng gấp đôi trong năm 2014 so với năm trước đó.

Các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đã phát hiện gần 16km bẫy lưới và hơn 6000 bẫy vôi sống trong suốt mùa thu năm 2014. Bẫy vôi sống là một cành cây được phủ chất dính. Khi chim sà xuống cành cây này, chúng lập tức sẽ bị treo ngược và không thể thoát ra.

Những phương pháp này còn được sử dụng để bắt chim chích chóp đen và chim hét, được chế biến thành những món ăn có giá lên tới 80 euro (khoảng gần 2 triệu đồng) tại rất nhiều nhà hàng ở hòn đảo Địa Trung Hải. Việc buôn bán bất hợp pháp có thể mang lại lợi nhuận gần 15 triệu euro mỗi năm.

Một chú chim chích họ Olivaceous bị sa lưới (Ảnh: AFP)
Một chú chim chích họ Olivaceous bị sa lưới (Ảnh: AFP)

Tổ chức Birdlife Cyprus cho biết số vụ săn bắt bất hợp pháp hiện nay đã nằm ngoài tầm kiểm soát, các nhà chức trách cần có thêm biện pháp để ngăn chặn việc này, bao gồm cả việc nhờ đến quân đội Anh đang đóng quân trên đảo.

Năm 1990, đã từng có đến 10 triệu chim di trú bị giết hại tại hòn đảo này. Theo Clairie Papazoglou, Giám đốc tổ chức Birdlife Cyprus, săn bắt chim trái phép là một “vấn nạn nghiêm trọng, dai dẳng và vẫn đang gia tăng”.

Tim Stowe, thành viên của Hội Hoàng gia về Bảo vệ các loài chim, đã kêu gọi quân đội Anh quốc không khoan nhượng đối với các hành vi săn bắt trái phép. “Các báo cáo cho thấy tỉ lệ săn bắt chim sơn ca tại căn cứ của quân đội Anh ngày càng tăng. Chúng tôi kêu gọi Bộ Quốc phòng giải quyết vấn đề này trước thời kì di cư vào mùa thu” – Tim Stowe cho hay.
Tổ chức Birdlife Cyprus cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn từ tòa án, đồng thời nhấn mạnh cần phải thay đổi thái độ của người dân đối với việc giết hại và ăn thịt chim di cư.

Luật pháp đã ban hành hình phạt lên đến 3 năm tù và phạt tiền 17.000 euro đối với hành vi này, tuy nhiên, các hình phạt này hiếm khi được thực thi.

Trong suốt mùa đông, có hàng ngàn chú chim di cư tới Cộng hòa Síp từ các nước lạnh hơn. Ước tính có tới 60 loài chim được liệt vào danh sách bị đe dọa và cần được bảo vệ khỏi việc săn bắt bất hợp pháp của người dân Cộng hòa Síp.