Quản lý chặt, xử phạt nghiêm

ThienNhien.Net – Trên thực tế nhiều nhà máy thủy điện đã hoàn thành nhưng chủ dự án vẫn chây lì, không hoàn trả diện tích rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và gây bức xúc trong nhân dân. Để khắc phục tình trạng này, giải pháp cơ bản nhất là cần có quy định chủ dự án phải nộp tiền vào quỹ phát triển rừng, còn các cơ quan chức năng siết chặt quản lý, xử phạt nghiêm.

Tiến độ “rùa bò”

Trong giai đoạn 2013-2016, có 55 tỉnh, thành phố sử dụng rừng, đất lâm nghiệp làm thủy điện và sử dụng vào mục đích khác phải trồng thay thế 76.000ha rừng. Thế nhưng đến hết tháng 12-2014 mới có 28/55 tỉnh, thành phố trồng được gần 7.200ha rừng, trong đó các dự án thủy điện mới trồng được 2.445ha, đạt khoảng 12%. Có 7 tỉnh, thành phố có diện tích trồng rừng thay thế lớn nhưng chưa thực hiện, đó là: Lai Châu khoảng 1.500ha, Thanh Hóa 600ha, Gia Lai gần 460ha… và 27 chủ dự án thủy điện sử dụng trên 100ha rừng vẫn chây ỳ. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai Nguyễn Phước Anh, các chủ dự án đều vin vào lý do định suất đầu tư trồng 1ha rừng thay thế cao (60-100 triệu đồng/ha); thời tiết không thuận lợi, mỗi năm chỉ trồng rừng được 3-4 tháng, còn lại mùa khô, người dân giành đất với doanh nghiệp…

Đập Thủy điện Hủa Na, Nghệ An, một trong những dự án chậm trồng bù rừng. (Ảnh: Báo Hànộimới)
Đập Thủy điện Hủa Na, Nghệ An, một trong những dự án chậm trồng bù rừng. (Ảnh: Báo Hànộimới)

Phó Tổng Giám đốc EVN Dương Công Thành cho biết, tổng diện tích rừng các đơn vị của EVN phải thực hiện trồng bù là 13.800ha, với giá trị đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Năm 2014, EVN đã lập phương án trồng 3.800ha rừng và chuyển gần 100 tỷ đồng vào quỹ phát triển rừng của các địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất, chậm phê duyệt phương án, chưa thống nhất được đơn giá trồng bù rừng hoặc loại cây rừng và thời gian chăm sóc, dẫn đến nhiều dự án thủy điện chưa triển khai trồng bù rừng hoặc chậm thực hiện như: Thủy điện Đồng Nai 3/1, tỉnh Đắk Nông 2.649ha; Thủy điện Lai Châu 1.533ha; Thủy điện Hủa Na, Nghệ An 1.433ha…

Tại cuộc họp trực tuyến về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân của sự chậm trễ nêu trên là do chủ dự án chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện trồng rừng thay thế nên từ khâu chỉ đạo, lập thiết kế, dự toán, đến phê duyệt dự án đều không có nội dung này. Cơ quan quản lý lâm nghiệp và chính quyền địa phương buông lỏng hoạt động kiểm tra, giám sát nên chủ dự án thủy điện không triển khai trồng bù rừng.

Rút giấy phép đối với dự án chây lì?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Năm 2015, Bộ NN& PTNT sẽ đề nghị Bộ Công thương kiên quyết không cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm trồng rừng thay thế. Ngoài ra, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện trồng rừng theo Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc để chủ dự án thủy điện hoàn thành kế hoạch trồng rừng thay thế trong năm 2015.

Thực hiện Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo việc thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, nhiều địa phương đã chủ động triển khai và cơ bản hoàn thành tiến độ trồng bù rừng như: Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai… Song, còn nhiều tỉnh, thành phố vẫn loay hoay với phương án, kế hoạch trồng bù rừng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cho rằng, đối với chủ đầu tư không có kinh nghiệm, thời gian trồng lại rừng chậm phải yêu cầu nộp tiền thay thế để địa phương khoán cho người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Chỉ có như vậy các địa phương, chủ dự án mới hoàn thành kế hoạch trồng bù rừng, giữ được rừng, bảo vệ môi trường và ổn định cuộc sống người dân. Đồng thời cần xử lý nghiêm các chủ dự án cố tình chây ỳ, buộc trồng rừng thay thế trong thời vụ gần nhất. Đại diện tỉnh Nghệ An còn đề nghị Chính phủ thu hồi giấy phép những chủ dự án chậm triển khai trồng bù rừng hoặc không nộp tiền vào quỹ phát triển và bảo vệ rừng.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi, đối với các dự án đã thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chậm nhất trong quý I-2015 các tỉnh phải hoàn thành phê duyệt và bố trí quỹ đất cho chủ dự án trồng rừng thay thế. Các dự án mới, chủ đầu tư phải có phương án trồng rừng khả thi hoặc chứng từ nộp tiền trồng rừng thay thế vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng của địa phương hoặc trung ương mới được khởi công công trình.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có ý kiến chỉ đạo: Để trồng được 31.510ha rừng trong năm 2015, trong đó các dự án thủy điện trồng bù 10.050ha, các địa phương phải có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, bố trí quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện. Tổng cục Lâm nghiệp cần tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm rừng trồng thay thế đạt yêu cầu. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ các tỉnh, chủ dự án nguồn giống, tư vấn kỹ thuật, cách chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng mới trồng.