Bắc Giang: Xử lý nước sinh hoạt nhiễm sắt ở nông thôn

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang lần đầu tiên áp dụng công nghệ lọc ngược với các vật liệu lọc nổi, để xử lý nước sinh hoạt nhiễm sắt tại một số hộ nông thôn của huyện Yên Dũng. Công nghệ này chi phí lắp đặt thấp (giảm khoảng 50% so với công nghệ lọc nước sinh hoạt sử dụng vật liệu Inox của Viện khoa học công nghệ Việt Nam), có hiệu quả cao đối với xử lý nước sinh hoạt nhiễm sắt phổ biến trong nguồn nước ngầm ở các vùng nông thôn trong tỉnh.

Đây là công nghệ mới, tiến hành khử sắt trong nước bằng phương pháp oxy hoá Fe2+ thành Fe3+, nhờ cung cấp oxy không khí vào nguồn nước qua bộ phận dàn phun mưa có chất xúc tác là các hạt nhựa Aluwat. Nhờ đó đã giảm đáng kể lượng ion sắt có trong nước, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt sau xử lý là nước sạch (đáp ứng các điều kiện của Bộ Y tế về nước sinh hoạt).

Khảo sát tại gia đình một số hộ dân ở huyện Yên Dũng (cũng như ở nhiều nơi khác trong tỉnh) cho thấy: nồng độ ion sắt trong nước sinh hoạt là rất cao (khoảng 3,9 mg/lít), sau khi áp dụng công nghệ này đã có hiệu quả rõ rệt, làm giảm đáng kể nồng độ ion sắt trong nước chỉ còn từ 0,03-0,05 mg/lít (trong khi mức tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế là 0,5 mg/lít).

Kinh phí để xây một bể lọc sử dụng công nghệ này chỉ khoảng 2 triệu đồng, trong đó vật liệu dùng lọc nước cho một hộ dân khoảng 700 đến 800 nghìn đồng, giảm đáng kể so với xây một bể lọc sử dụng vật liệu Inox (chi phí khoảng 3,5- 4 triệu đồng).

Sắp tới, công nghệ này sẽ được Trung tâm tiếp tục triển khai áp dụng xử lý nước sinh hoạt nhiễm sắt cho các hộ dân huyện Việt Yên và Yên Dũng, đảm bảo tạo ra nguồn nước sạch khi người dân nơi đây chưa có điều kiện sử dụng nguồn nước máy đã qua xử lý.