“Người dơi” trở thành cứu tinh cho thế giới giữa đại dịch Covid-19

Những nhà khoa học nghiên cứu về dơi ít được công chúng biết đến, nhưng khi đại dịch Covid-19 tàn phá thế giới, kiến thức của họ trở thành chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh về sau.

Dơi được xem là con vật may mắn ở Trung Quốc. Cách phát âm từ con dơi và may mắn trong tiếng Trung khá giống nhau. Tuy nhiên, Wang Linfa – hiện là chuyên gia nghiên cứu về dơi và các bệnh về dơi trong nhiều thập kỷ, đã không để tâm nhiều tới bộ dơi khi lớn lên ở Thượng Hải vào những năm 1960-1970, New York Times cho biết.

Lúc đó ông vẫn chưa phát hiện dơi chiếm một phần tư các loài động vật có vú. Chúng có kích thước từ một con ong nghệ cho đến tương đương loài cáo bay với sải cánh dài 1,5 m.

Ông cũng chưa biết rằng dơi có tuổi thọ tới 40 năm, ngay cả khi hệ thống miễn dịch của chúng chống lại những loài virus nguy hiểm được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Ông Wang Linfa trong một bức ảnh chụp ở Singapore tuần trước. Ảnh: New York Times.

“Họ gọi tôi là người dơi”

Ông Wang đã bắt tay vào công việc của mình, nghiên cứu cách giải phẫu và thói quen của động vật có vú biết bay duy nhất trên thế giới và cách chúng trở thành ổ chứa virus lý tưởng, giúp truyền mầm bệnh từ loài này sang loài khác và từ vùng địa lý này sang vùng địa lý khác.

“Họ gọi tôi là người dơi, tôi nghĩ đó là một lời khen vì dơi rất đặc biệt”, ông Wang nói trong căn phòng được trang trí bằng những bức tranh dơi, thú nhồi bông dơi, logo người dơi và đủ vật dụng của con dơi. Căn phòng có thể được gọi là hang dơi, nếu nó không ở trên tầng thứ 9 của một tòa nhà đầy nắng ở Singapore.

“Dơi có khả năng trung hòa các loại virus có thể giết chết con người. Nếu chúng ta có thể học hỏi từ những gì con dơi làm, chúng ta sẽ rất may mắn”, ông Wang nói thêm.

Những con dơi là ổ chứa lý tưởng cho nhiều loài virus chết người. Ảnh: Getty.

Ông Wang đứng đầu Chương trình bệnh truyền nhiễm mới nổi tại trường y do Đại học Duke và Đại học Quốc gia Singapore điều hành, đồng thời ông cũng là chủ tịch hội đồng tư vấn khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc.

Ông cùng các nhà virus học nghi ngờ rằng virus corona đang gây ra đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ loài dơi, cũng như các virus chết người khác như SARS, MERS. Ông dẫn đầu một nhóm nghiên cứu vào tháng trước đã phát minh ra bộ xét nghiệm kháng thể để phát hiện virus corona chỉ trong 1 giờ.

Giống như đại dịch đang đẩy một động vật nhút nhát vào vị trí mới với sự nổi tiếng toàn thế giới, nó cũng giúp nhóm nhỏ các nhà khoa học nghiên cứu về dơi được công chúng biết đến nhiều hơn.

Các nhà khoa học như ông Wang thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ cho nghiên cứu của họ, nhưng đột nhiên thế giới cần họ hơn bao giờ hết. Ngoài ra, công việc của họ cũng rất phức tạp khi phải đi giữa “bãi mìn chính trị” mà họ không bao giờ muốn điều hướng.

Trung Quốc rất nhạy cảm với bất kỳ lời chỉ trích nào về sai lầm ban đầu của Bắc Kinh trong việc xử lý đại dịch. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng rằng virus corona xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên.

Kiểm soát loài dơi là chìa khóa

Ông Wang lấy bằng tiến sĩ sinh học phân tử và hóa sinh tại Đại học California vào đầu những năm 1980. Vài năm sau ông cùng vợ, Mạnh Vũ, một nhà hóa sinh đang xem xét đến làm việc tại Australia thì xảy ra biến cố.

Cặp vợ chồng quyết định ở lại làm việc ở Australia. Chính tại nơi đó, tiến sĩ Wang bắt đầu bước vào thế giới của virus trên loài dơi. Vào giữa những năm 1990, một loài virus lạ bắt đầu gây bệnh cho ngựa và sau đó lây sang người ở thành phố Brisbane, bang Queensland, Australia.

Sự dịch chuyển của loài dơi có thể tạo ra sự kiện dịch tễ học đáng ngạc nhiên. Ảnh: Getty.

Vài năm sau, một loài virus khác xuất hiện trên người và gia súc ở Malaysia. Tiến sĩ Wang đã giúp xác định rằng mầm bệnh do virus Hendra và virus Nipah đều có nguồn gốc từ dơi. Ông tiếp tục khẳng định điều này với dịch bệnh SARS vào năm 2002.

Những khám phá này cho thấy sự dịch chuyển môi trường có thể xúc tác cho một chuỗi các sự kiện dịch tễ học đáng ngạc nhiên. Virus Nipah di chuyển từ dơi sang lợn và người ở Đông Nam Á có thể bắt nguồn từ vụ cháy rừng trong những năm 1990, buộc những con dơi phải vượt ra ngoài môi trường sống bình thường của chúng.

Bên cạnh đó, việc buôn bán và ăn thịt động vật hoang dã, bao gồm dơi đã giúp phát tán ổ virus trên loài dơi ra môi trường sống của con người.

“Nếu một con dơi bị căng thẳng, điều tồi tệ có thể xảy ra. Chúng ta cần phải chăm sóc những con dơi, sau đó chúng ta có thể chăm sóc con người”, tiến sĩ Wang nói.

Vào tháng 1, khi đợt bùng phát virus bí ẩn bao vây thành phố Vũ Hán, ông đã tới đó để tìm hiểu thêm từ các chuyên gia dơi, bao gồm Shi Zhengli, biệt danh là Batdess, người có công trong việc liên quan tới SARS.

Vào cuối tháng 12/2019, các nhà nghiên cứu đã gửi các mẫu virus để giải trình bộ gene cho các phòng thí nghiệm thương mại và xác định rằng họ đang đối phó với mầm bệnh mới. Các bác sĩ đã sớm cảnh báo nhau về khả năng lây lan từ người sang người, nhưng đã bị chính quyền địa phương trừng phạt vì sự thẳng thắn của họ.

Tiến sĩ Wang thừa nhận chính quyền Vũ Hán đã trì hoãn việc cảnh báo cho công chúng về loại virus chết người xuất hiện tại một khu chợ ẩm ướt trong thành phố, nơi những loài động vật hoang dã bị giết thịt.

Các nhà khoa học tin rằng dơi đã truyền virus cho động vật trung gian, có thể là tê tê hoặc chuột tre, sau đó truyền lại cho con người. Tiến sĩ Wang bác bỏ quan điểm của Tổng thống Trump rằng virus corona bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.