Thiết lập khu bảo tồn biển tại An Thới (Kiên Giang)

Tài nguyên và đa dạng sinh học biển trong vùng biển Phú Quốc có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện đảo nhưng lâu nay vẫn chưa được quản lý một cách hiệu quả và đang bị suy giảm nghiêm trọng do những tác động đang gia tăng chưa từng thấy bởi con người…

Kết quả điều tra trong vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang) có 108 loài san hô thuộc cả hai nhóm san hô cứng và mềm, 135 loài cá rạn san hô, 3 loài cá di cư, 132 loài thân mềm lớn sinh sống trong rạn san hô, 9 loài giáp xác, 32 loài da gai và 6 loài thú biển sinh sống.

Những thảm cỏ biển rộng lớn ở đây có giá trị rất lớn đối với toàn vùng vịnh Thái Lan và vùng biển Đông. Nguồn lợi cá mú trong khu vực nhóm đảo An Thới đa dạng nhất cả về thành phần loài và số lượng cá thể trong loài so với bất kỳ một vùng biển nào dọc theo bờ biển của Việt Nam. Vùng quần đảo này là nơi sinh sống và kiếm ăn của nhiều loài cá vãng lai. Có loài chỉ sinh sống tại vùng biển An Thới một giai đoạn ngắn trong vòng đời của chúng (bò biển, rùa biển…). Rất nhiều loài có giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, không chỉ có hơn 2.400 tàu cá của huyện mà còn có hàng ngàn tàu công suất lớn từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đến đây khai thác. Ông Huỳnh Văn Định, Phó Trưởng phòng Nông- Lâm- Ngư nghiệp huyện bức xúc: “Nghề cào bay và cào đôi thường xuyên đánh bắt ở khu vực ven đảo, không chỉ làm rách lưới, mất lưới của nhiều hộ ngư dân làm nghề lưới ghẹ mà còn gây ảnh hưởng đến các rạn san hô, thảm cỏ biển, phá hại nghiêm trọng đến sinh cảnh biển trong khu vực”.

Tại quần đảo An Thới, còn có ít nhất 300 ngư dân làm nghề lặn và gia đình của họ sống dựa vào nguồn lợi thủy sản thân mềm và cá rạn san hô. Riêng nghề lặn Điệp khai thác đến một tấn sản phẩm/tháng; hầu ngọc ở độ sâu 20-40m, một nhóm 5 thợ lặn khai thác từ 10-15kg/ngày. Ngoài ra, động vật thân mềm có vỏ cũng được người dân thu lượm bán làm thực phẩm hoặc bán cho các cửa hàng đồ lưu niệm. San hô sống đựợc thu gom để bán tại chỗ cho du khách hoặc chuyển đi bán ở nhiều nơi.

Trong khi đó, tại Phú Quốc hiện nay du khách đến đây thường thích các loại hình du lịch bơi, lặn xem san hô và câu cá,… Mỗi ngày thường có 3 thuyền du lịch chở từ 25-30 khách/chiếc đến khu quần đảo An Thới và neo đậu tại các rạn san hô để du khách câu cá. Đã có 3 công ty du lịch lặn hoạt động và 1 công ty chuẩn bị đầu tư xây dựng khu du lịch tại hòn Gầm Gì.

Theo một nhân viên của Công ty Rainbow drives, một doanh nghiệp hàng đầu về cung cấp dịch vụ lặn ở Việt Nam cho biết, công ty có số khách lặn bình quân 5-6 người/ngày. Lặn xem san hô tại khu vực An Thới có thể thực hiện quanh năm, trong đó, tháng 11 và 12 hàng năm là mùa lặn thuận lợi và đông khách nhất. Những du khách tìm đến loại hình lặn nhằm muốn được khám phá và thưởng ngoạn vẻ đẹp của quần thể rạn san hô cùng các loài sinh vật biển. Vì vậy, vấn đề bảo tồn biển rất đáng được quan tâm.

Qua tiến hành khảo sát để thực hiện Dự án Khu bảo tồn biển (KBTB) An Thới, các nhà khoa học đã rất lo ngại các hoạt động du lịch ngày càng phát triển trong vùng lõi KBTB sắp thành lập, nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây vỡ rạn san hô. Các sản phẩm quý hiếm của rạn san hô để làm thực phẩm cao cấp cũng sẽ gây thêm sức ép khai thác lên vùng rạn.

Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo: Việc xây dựng khu du lịch ngay trong vùng lõi của KBTB chắc chắn sẽ gây nên những nhiễu động liên tục đối với những loài sinh vật sinh sống trong vùng lõi và tác động xấu đến sự phát triển bình thường của chúng, nhất là tại hòn Gầm Gì (hòn Dông Ngang), nơi có rạn san hô đẹp nhất và chất lượng tốt nhất của KBTB.

“Các hoạt động trên đảo đều có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nước như lắng đọng trầm tích, thừa chất dinh dưỡng hữu cơ… Do vậy, môi trường biển phải được quản lý song song với các hoạt động trên đảo”- một quan chức của Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi (Bộ Thủy sản) lưu ý.

Bà Tara Kimbrell Cole, Giám đốc Công ty tư vấn chiến lược (Synovations Pte Ltd) đặt tại Singapore nói rằng: “Lợi thế đi sau của Phú Quốc là tránh được những sai lầm của những quốc gia phát triển quá nhanh và từ đó, có thể đón đầu xu hướng du lịch của thế giới”.

Hiện nay, lực lượng kiểm ngư đã được sát nhập vào Thanh tra Thủy sản tỉnh. Tại Phú Quốc, Đội kiểm tra liên ngành của huyện cũng chưa được hình thành nên công tác bảo vệ nguồn lợi trên vùng biển này đang bị bỏ ngỏ.

Việc thành lập KBTB An Thới đã được Bộ Thủy sản và UBND tỉnh Kiên Giang xác định là một giải pháp khả thi nhằm bảo vệ nơi sinh cư của các loài, bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên biển của vùng đảo này; tăng cường nhận thức về môi trường và cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân cư bên trong và xung quanh KBTB theo hướng khai thác tiềm năng thủy sản và du lịch sinh thái của Phú Quốc một cách bền vững. KBTB được đề xuất có tổng diện tích 10.000ha, trong đó, có 13 đảo vừa và nhỏ. Có 8.000ha được đề xuất làm khu phát triển kinh tế có kiểm soát, chủ yếu là du lịch sinh thái; 2.000ha làm vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt (hoạt động du lịch hạn chế) gồm 6 đảo chưa hoặc có rất ít dân cư: hòn Vàng, hòn Xương (hòn Móng Tay), hòn Buồm, hòn Mây Rút, hòn Gầm Gì và hòn Đụn.