Chư Mom Ray – Hệ sinh thái điển hình của Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Nằm ở ngã ba Đông Dương với diện tích 56.621ha, phía tây giáp VQG Vinachay (Campuchia), phía tây bắc tiếp giáp với khu bảo tồn thiên nhiên Đông An Pha (Lào), VQG Chư Mom Ray được đánh giá có vốn rừng vô cùng phong phú và quý giá. Điều này đã tạo cho Chư Mom Ray một tiềm năng lớn để trở thành khu bảo tồn thiên nhiên liên quốc gia của Đông Nam Á.

Nằm ở độ cao từ 200 đến 1.773 m so với mực nước biển, VQG Chư Mom Ray có hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Theo thống kê của BirdLife (2003), Chư Mom Ray có 97 loài thú, 201 loài chim, 47 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư và 18 loài cá, bên cạnh đó còn có hệ thực vật rất phong phú với 1.494 loài, phân bố thành 12 hệ sinh thái rừng với những nét đặc trưng và giá trị riêng biệt.

Theo so sánh về thành phân loài, số nhóm động vật (thú, chim, bò sát, lưỡng cư) ở Chư Mom Ray với 14 khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia khác tại Việt Nam của GS. Đặng Huy Huỳnh (nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho thấy, những chỉ số về khu hệ thú, về số loài của Chư Mom Ray đều cao hơn rất nhiều so với các khu bảo tồn và vườn quốc gia khác trong nước, vượt xa cả những vườn quốc gia có tiếng như Tam Đảo, Yok Đôn, Cúc Phương, Bạch Mã, Ba Vì… Điều đó cũng chứng tỏ Chư Mom Ray còn bảo tồn được những nguồn gen cực kỳ quý hiếm, có ý nghĩa lớn về khoa học và giá trị về mặt kinh tế, không những đối với Việt Nam mà còn cho cả thế giới.

Ngoài một số loài thú lớn được coi là đặc thù và là biểu tượng cho Chư Mom Ray như hổ Đông Dương (Panthera tigris), chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus nemaeus), voi châu Á (Elephas maximus), bò rừng (Bos banteng), trâu rừng (Bubalus bubalis), bò tót (Bos gaurus),… , trong vườn quốc gia này còn có cả một “bộ sưu tập” các loài quý hiếm khác như mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), mang Trường Sơn (Caninmuntiacus truongsonensis), báo hoa mai (Panthera pardus), báo gấm (Neofelis nebulosa), gấu ngựa (Selenarctos thibetanus)…Trong vườn còn ghi nhận một số loài chim có tầm quan trọng bảo tồn quốc tế đang bị đe dọa trên toàn cầu như gà tiền mặt đỏ (Polplectron germaini) và khướu đầu đen (Garrulax milleti).

Ngoài sự giàu có về khu hệ động vật, Chư Mom Ray còn được đánh giá là có vốn rừng vô cùng phong phú và quý giá mà khó có vườn quốc gia hay khu bảo tồn nào ở nước ta sánh được. Với tổng diện tích vùng lõi hơn 40.566 ha, trong đó rừng nguyên sinh chiếm hơn 50%, rừng Chư Mom Ray có nhiều loài gỗ rất quý như gụ, cẩm lai, giáng hương, căm xe… Đặc biệt hai loài phong lan mới, có thể là loài đặc hữu cho vùng nam Đông Dương là Coelogyne schltesii và Bulbophyllum amitinandii. Bên cạnh đó, vườn còn có hơn 20.000 ha đồng cỏ, là môi trường cực kỳ thuận lợi cho các loài thú ăn cỏ lớn tồn tại và phát triển, kéo theo đó là các loài động vật ăn thịt.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng phá rừng lấy gỗ, làm nương rẫy, nhất là nạn săn bắt động vật hoang dã ở Chư Mom Ray đang diễn ra rất nghiêm trọng. Có những bãi bẫy thú rộng và kéo dài hàng chục km. Lực lượng “du kích” địa phương từng có lần phải mất nhiều ngày mới tháo dỡ, thu gom hết một bãi bẫy thú.

Hiện Chư Mom Ray đang là một trong những nơi chính “cung cấp” động vật hoang dã – mặt hàng quốc cấm – cho nhiều cửa hàng đặc sản ở Kon Tum và cả nước. Ngoài ra việc phát hiện mỏ quặng Wolfram ngay trong vùng lõi của Vườn đã nảy sinh rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Việc cấp bách lúc này là cần có những biện pháp cứng rắn, nhằm ngăn chặn một cách hiệu quả các yếu tố gây tổn thương nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên tự nhiên của Chư Mom Ray.