Cỏ cây và năng lực bí ẩn

Trên các cao nguyên, mùa lạnh rất dài. Loài cây sinh sống ở đây thường nảy mầm vào tháng 6 và tháng 7. Sau một tháng, chúng nhanh chóng ra hoa kết trái để kịp bảo tồn nòi giống. Khi thời tiết nhiều sương tuyết, một phần thân cây trên mặt đất khô hết nhưng gốc ăn sâu vào lòng đất, sức sống vẫn tiềm phục mạnh mẽ.

Vùng Bắc cực có một loài thực vật mang tên “đỉnh băng hoa”. Mùa đông dưới lớp tuyết dày, đỉnh băng hoa bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, nụ hoa hàm tiếu chờ dịp nở. Khi trời ấm, nó phá vỡ lớp băng, nhanh chóng khai hoa kết hạt, kịp thời hoàn thành sứ mạng sinh sản.

Thực vật còn biết… luyện tập để thích ứng với sương tuyết. Loài “tuyết liên hoa” sinh trưởng trên khu vực xương sống của thế giới – cao nguyên Thanh Tạng tuyết phủ quanh năm – biết “mặc” cho mình một lớp lông dày mềm mại để đương đầu với tuyết. Tuyết liên hoa nở những đóa hoa đỏ tía tuyệt đẹp.

Trong điều kiện giá rét dưới 10 độ C, loài “ngâu liên hoa” trên đỉnh Altai (tức Kim Sơn – Tân Cương) vẫn có thể nảy mầm qua lớp tuyết dày. Còn loài tùng bách vẫn thở được trong thời tiết dưới 20 độ C.

Trong hoàn cảnh thời tiết cực lạnh dưới 30 độ C, tế bào chồi hoa của loài đỗ quyên vẫn ương ngạnh không chịu đóng băng. Vì thế, nó được tặng mỹ danh “hoa vượt đông”. Lì lợm hơn nữa, loài “hồng nhật tảo” phát dục cực mạnh trên lớp băng tuyết trắng xóa dưới cái lạnh âm 34độ C.

Nhưng đáng sợ hơn hết là loài song tử diệp Bạch hoa ở vùng đông bắc Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu thực vật đã cho loài này sống trong điều kiện đặc biệt, âm 195 độ C, và khi thí nghiệm trên mặt đất, nó có thể chịu đựng nổi độ lạnh kinh hồn, âm 248 độ C.

Bên cạnh khả năng phòng vệ tích cực, thực vật còn sử dụng thuật ẩn thân để tồn tại. Chính nhờ thuật ẩn thân, loài sen cổ ở Thẩm Dương, Bắc Kinh, Hà Bắc (Trung Quốc) đã sống trên 2000 năm. Được phát hiện trong lòng đất, trải qua sự chăm sóc đặc biệt của các nhà khoa học, loài sen cổ này đã nở những bông hoa tươi đẹp. Vậy là trong khi chờ gió xuân về, biết bao cỏ cây hoa lá trên trái đất đã âm thầm khoe sức sống…