Máu rừng chảy về… vườn

Nắm bắt được xu thế sử dụng những cây đại thụ làm cảnh ngày càng được ưa chuộng, một số người dân của các xã thuộc các huyện vùng thượng Hà Tĩnh như Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh… từ việc khai thác gỗ trái phép đã chuyển sang nghề “săn cây cảnh” quý trong rừng mang về bán. Có những ngày hàng trăm cây đại thụ bị đào phá không thương tiếc ùn ùn kéo về vườn. Thực trạng đáng báo động vì rừng xanh bị “chảy máu" nghiêm trọng.

Vào rừng “săn cây cảnh”

Tại Hà Tĩnh, phong trào săn đại cảnh rộ lên từ năm 2005 và phát triển mạnh trong năm 2007. Người dân các huyện Kỳ Anh, Hương Khê và Hương Sơn từ lâu không ai lạ gì các ông chủ Hùng, Tuấn, Liêm… với những vựa đại cảnh đầy đủ các loại cây từ xanh, si, sơn trắng đến lộc vừng, sộp,…tất cả đều bị người dân các xã vùng cao đua nhau ráo riết săn lùng.

Đặc biệt, những cây có đủ tiêu chuẩn về kích thước, tuổi thọ và thế, dáng có giá trị cao, đều được các thợ săn cây cảnh tập trung đào gọn cả gốc lẫn rễ vận chuyển về xuôi đem bán. “Hàng” sau khi tập kết một vài địa điểm chủ yếu được vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

Tại một cửa rừng ở xã Kỳ Lâm huyện Kỳ Anh, mấy chục gốc cây khổng lồ, nhựa cây tuôn chảy ròng ròng đang được một tốp thanh niên lực lưỡng khuân vác lên xe tải chở về xuôi. Qua câu chuyện với các thợ săn cây quý mới vỡ lẽ ra một phần về bí quyết của nghề “săn cây cảnh” và bon sai tạo dáng cho cây.

Thì ra, để có được một gốc cây cảnh sống, đẹp và để hét được giá trên trời không phải là chuyện dễ. Đầu tiên là phải vào rừng tìm cây. Để tìm được một cây có cả dáng lẫn thế vừa ý nhiều khi cả nhóm hàng chục người phải “cơm đùm, cơm nắm” lang thang trong rừng sâu cả tháng trời. Tìm được cây ưng ý rồi thì dốc sức mình dùng cuốc, móc hoặc xà beng đào lên. Khi đào phải mở miệng hố thật rộng để lấy được nhiều rễ, cắt được phần rễ nào lại phải lấy vải ướt bọc ngay để chúng khỏi mất nước. Khi đào được cây lên phải dùng một bao tải cỡ lớn có sẵn đất trộn với tro trấu buộc lại “trị vết thương” rồi mới tìm cách vận chuyển về.

Theo những tay chơi cây cảnh lão luyện thì “tìm được một cây có giá trị không phải là chuyện dễ. Họ phải bỏ ra nhiều công sức, tiền của, ngày công đi lùng. Khi tìm được trong rừng để mang về đều phải xác định là 5 ăn – 5 thua. Nếu như sau khi mang về cây sống được thì ít nhất mỗi cây cũng lãi vài ba triệu, còn nếu không biết chăm sóc đúng cách để cây chết coi như trắng tay”.

N. V. L, một thợ săn cây cảnh lâu năm ở huyện Kỳ Anh cho biết: “Mỗi chuyến vào rừng săn cây cảnh cũng kiếm được vài triệu đến vài chục triệu đồng.. Nếu cây nào chưa bán được thì ươm tại vườn chờ thời. Đây là nghề “mốt” nhất hiện nay ở Hà Tĩnh đấy”. Tại vườn nhà L cũng có đến mấy chục gốc đang chờ ngã giá. Rồi lại còn cả quá trình đưa hàng trăm gốc cây cổ thụ đồ sộ lọt qua trạm gác nhỏ bé của Kiểm lâm.

Để tránh bị lực lượng áo xanh bắt giữ, dân chuyên “săn cây cảnh” ngoài bỏ ra một khoản tiền làm luật còn phải thuê xe chở về xuôi vào những thời điểm không có người canh gác, hoặc nếu có thì cũng như không. Có khi việc lo lót đó đều do các đầu nậu làm còn cánh thợ săn chỉ việc tập kết cây vào một chỗ. Một số đầu nậu đã sáng tạo ra những con đường mới vừa nhanh lại vừa không phải làm luật. Tuy nhiên nếu bị phát hiện thì số tiền “dại” có thể gấp đôi gấp ba.

Thôn Hải Hà xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, nơi được giới sành cây cảnh đánh giá là có đầy đủ các loại cây đủ tiêu chuẫn và số lượng nhiều nhất, thậm chí ở đây được xem là làng cây cảnh. Điều trớ trêu ở đây không phải vì dân làng chuyên chơi cây cảnh mà vì đây là điểm tập kết, luân chuyển cây cảnh các loại được khai thác từ rừng đi các vùng khác dưới xuôi. Dân làng chủ yếu sống nhờ vào việc truy lùng cây cảnh đem về bán. Mỗi nhà đều cố gắng tạo cho mình một vườn ươm. Rộng thì cả ha, còn hẹp cũng 5-7 trăm m2 với hàng trăm gốc cây cảnh đang nằm chờ thời cơ thích hợp là “xuất”. Tại huyện Hương Khê, Hương Sơn số lượng làng cây cảnh theo kiểu như vậy cũng không phải là ít.

Những ông “vua cây cảnh” lậu

Tạt vào một khu vườn ven đường QL 12A, thấy vô số cây cảnh các loại đã được cắt tỉa cẩn thận cho vào những chậu cảnh để chuẫn bị chuyển đi. Có đủ loại, từ lộc vừng, me, cho đến dầu, cóc, rồi hoa sữa, sương muối, si… cây nào cũng sù sì, cằn cỗi, trông rất đẹp mắt. Tất nhiên là cái giá cũng không phải vừa.

Trò chuyện với một đầu nậu có tên Hải trong khá trẻ nhưng được giới sành cây cảnh đánh giá cao, được biết các cây ở đây không cây nào giá dưới 10 triệu đồng. Hải huyên thuyên diễn giải cây cảnh sống từ điều kiện nhân tạo cần thích hợp với môi trường giống như một học giả chuyên nghiên cứu rừng uyên bác. Cũng theo Hải để có những cây như trên phải lặn lộii nhiều vùng rừng giáp ranh với huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) hay sang vùng giáp Lào mới có.

Sau khi đem về đến tập kết tại một chỗ, các thợ săn cây cảnh bắt đầu cắt tỉa chăm sóc tỉ mĩ rồi mới cho vào chậu. Chừng nào cây cảnh bắt dầu đâm những chiếc lộc non bé tí, lúc đó mới có thể thở phào nhẹ nhõm vì cây sống. “Đây là vườn cây vừa mới bán cho một khách hàng ở tận Hà Nội toàn cây lộc vừng cả giá 160 triệu đồng trong khi đó vốn bỏ ra chỉ 60 triệu đồng”-Hải tự hào khoe.

Khi hỏi vận chuyển cây về xuôi thì liên ngành có bắt không? Hải cười to: “Chuyện đó tui lo được, anh em đã làm luật cả rồi. Có điều anh mua cây thì phải trả thêm tiền làm luật, muốn vận chuyển bao nhiêu chẳng được”. Mỗi vụ làm ăn trót lọt đã có trong tay hàng chục triệu đồng. Vì vậy chỉ chuyên tâm vào săn, bán cây cảnh, Hải đã có thể trở thành triệu phú.

Tuy nhiên Hải chưa phải là hàng ngũ “đại gia” trong nghề bon sai hay buôn bán cây cảnh mà chỉ là một trong nhiều thợ săn cây cảnh bình thường ở huyện Kỳ Anh mà thôi. Còn nếu xét về thương hiệu phải nhắc đến cái tên Tuấn L. ở thôn Bắc Hà, xã Kỳ Lâm. Ở miền sơn cước này, L là một “ông vua cây cảnh” thực sự. Ngôi nhà khang trang như cung điện, ô tô, tiện nghi đầy đủ. Tất cả đều nhờ cây cảnh. Nhìn mảnh vườn rộng hơn héc ta có đủ loại cây cảnh to nhỏ khác nhau, L chỉ một cây lộc vừng có kích cỡ hai người ôm mới xuể với giàn rễ phụ chằng chịt rồi cho biết: “Cây này anh mới bứng về khoảng hơn một tuần và có người đã trả giá 26 triệu đồng rồi nhưng anh không bán.”.

L. còn nói thêm: “Để bưng được cây này và đem về tận đây, chỉ tính riêng tiền mướn xe cẩu anh đã tốn hết 7 triệu đồng, và còn phải mất đứt một tuần với 5 thanh niên lực lưỡng mới mang cả gốc về được. Nói chung những cây quí mà khu rừng này có thì vườn nhà em cũng có. Càng giáp Tết nhu cầu cang nhiều nên giá phải tăng thôi”. Muốn có cây cảnh đẹp thì phải vào trong sâu vùng núi Khe Mưng, hay lên vùng núi Tuyên Hoá – Quảng Bình, thậm chí còn sang tận cả rừng của Lào đào đem về. Cho nên hàng của Tuấn L phần lớn là cây Sương Muối, Hoa sữa, cây có tuổi thọ rất lâu, dáng rất đẹp và giá cũng rất cao. Chính điều đó đã đưa L lên hàng ngũ tỷ phú.

Không chỉ ở huyện Kỳ Anh mà ở các huyện miền núi khác của tỉnh Hà Tĩnh, chiến dịch săn lùng cây cảnh đang diễn ra cực kỳ ráo riết. Với nguồn “lộc trời cho” này, người vùng cao không bỏ qua cơ hội vào rừng săn cây mang về bán, ít ra đem về làm cây cảnh trong nhà .

Bài học về những trận lũ lụt và hạn hán diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa nguôi. Thiết nghĩ, đã đến lúc lực lượng quản lý, trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt ngành Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cũng như chính quyền địa phương có rừng phải có biện pháp tích cực hơn nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác các loại cây rừng quý hiếm về làm cây cảnh diễn ra như hiện nay.