Giun: Mầm bệnh hay thuốc?

ThienNhien.Net – Trong hàng trăm nghìn năm qua, loài giun vẫn sinh sôi nảy nở trong phân và các mầm bệnh. Chúng cũng phát triển bên trong cơ thể khiến loài người tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, thời gian và công sức để cố gắng loại bỏ và ngăn chặn chúng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên Tập San Sinh thái đất Châu Âu sẽ khiến không ít người phải kinh ngạc khi các nhà khoa học tuyên bố rằng họ đang tìm cách tổng hợp một hợp chất hóa học nhằm chống lại một số căn bệnh từ chính những con giun.

Theo bảng hệ phát sinh loài, giun đất là một nhóm có từ rất lâu. Chúng có thể có trong những vùng đất cổ xưa nhất và ở trong trầm tích của thời tiền sử và kỷ Ordovic (hơn 500 triệu năm trước đây).

Một nhóm nghiên cứu của Nga đã tính toán lượng vi khuẩn và nấm trong cả đất và “phân tươi” của giun và bất ngờ phát hiện ra rằng phân giun chứa một hỗn hợp các vi sinh vật khác nhau cùng với lượng nấm ít hơn đáng kể. Sau đó họ lấy dịch từ bộ máy tiêu hóa của giun và đưa nó vào một hộp chứa vi khuẩn và nấm. Các thử nghiệm cho thấy môi trường ruột của giun đất hoạt động như một bộ lọc, và thậm chí là một khoang gây men đối với ít nhất một vài dạng vi sinh vật nhất định.

Byzov – nhà nghiên cứu về khoa học đất của Trường Đại học Sinh thái đất Liên bang Nga – giải thích rằng : “Giun đất tiêu diệt một cách chọn lọc và sau đó tiêu hoá 1 vài vi khuẩn và nấm. Các vi sinh vật có thể qua được bộ máy tiêu hóa giun bao gồm một vài quần thể sinh sôi nảy nở trong đoạn cuối của ruột giun.” Ông cho rằng hành động này giúp giữ cân bằng cho các quần xã vi sinh vật trong đất.

Thậm chí phân giun thay đổi cách thức đất hấp thụ nước. “Giun đất tăng cường khả năng chịu nước của đất thông qua việc bài tiết các chất nhầy của chúng. Đồng thời trong khi “tiêu thụ” đất chúng tạo ra các lỗ và hang tạo điều kiện cho rễ cây và các động vật nhỏ luồn qua dễ dàng.”

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã khám phá rất nhiều điều bí ẩn về loài sinh vật này. Sun Zhenjun – trưởng nhóm một nghiên cứu về giun cho biết suốt hàng thế kỷ qua, các thầy thuốc cổ truyền Trung Quốc đã sử dụng giun làm chế phẩm trong thuốc chữa bệnh, từ chữa mụn rộp đến trị ung thư.

Nhóm nghiên cứu này cũng đã dùng các tế bào ung thư, thu được từ Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc – Nhật Bản, đến các mô và dịch giun để thử nghiệm và nhận thấy có sự thay đổi đáng kể với nhiều tế bào ung thư đang chết. Phát biểu với báo chí về vấn đề này, Zhenjun nói rằng họ chỉ tình cờ tìm ra rằng các tổ hợp giun, đặc biệt là một số phức carbonhydrat và thành phần protein, “có khả năng kháng khuẩn.”

Giống như Byzov, nhóm của Zhenjun trộn tất cả các loại vi khuẩn gây bệnh cho người, như E.coli, khuẩn tụ cầu, vi khuẩn gây viêm phổi và nấm candida với các tổ hợp giun. Dịch nhớt của giun dễ dàng diệt sạch từng loại vi khuẩn riêng lẻ, kể cả loại vi khuẩn rất nguy hiểm tên là Pseudomonas aeruginosa có sức kháng tự nhiên đối với penicillin và hầu hết các loại thuốc kháng sinh khác.

Hiện Zhenjun và các đồng sự của ông đang cố gắng phân lập chất có khả năng chống ung thư cao nhất và các tác nhân chống vi khuẩn có trong giun để có thể tổng hợp các chất này cho con người sử dụng trong tương lai.