Tạo hồ sơ, chứng nhận ảo để… nhập rác

Nhằm hợp thức hóa thủ tục, giấy tờ, qua mặt cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp nhập khẩu rác thải đã lập những bộ hồ sơ ảo về công ty xuất khẩu phế liệu ở nước ngoài. Đáng nói, những bộ hồ sơ này có cả giấy chứng nhận ảo của cơ quan bảo vệ pháp luật nước ngoài.

Nhìn lại các vụ nhập khẩu rác thải, phế liệu về Việt Nam qua các cảng biển cho thấy, siêu lợi nhuận từ các lô hàng này khiến thủ đoạn hoạt động của đối tượng cũng ngày một tinh vi, nguy hiểm hơn. Nhiều công ty khi bị phát hiện hành vi nhập rác thải trái quy định đã nhanh chóng hợp thức bằng giấy chứng nhận giả.

Những vụ “gửi nhầm hàng”

Công ty cổ phần Đầu tư xuất khẩu Long Giang, địa chỉ tại thị xã Móng Cái, Quảng Ninh mở tờ khai hải quan khai báo nhập về 10 container ắc quy chì, trọng lượng 257 tấn. Trong tờ khai, công ty ghi rõ số ắc quy chì này mới 100%. Tuy nhiên, khi lực lượng liên ngành kiểm tra, tất cả đều đã qua sử dụng, là hàng phế thải.

Sau khi bị phát hiện, Công ty Long Giang đã có văn bản gửi sang phía bán hàng ở Trung Quốc để phía bán hàng ghi vào văn bản xác nhận việc… gửi nhầm hàng cho Long Giang và đề nghị làm thủ tục tái xuất! Một vụ “gửi nhầm hàng” khác: Công ty TNHH Hoàng Phát (Hải Phòng) mở tờ khai hải quan khai báo lô hàng gồm 2 container, trọng lượng 44 tấn, nhập quặng sulfite chì để tái xuất cho Công ty Mậu dịch thủy sản Quang Đại, Trung Quốc.

Kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện lô hàng là tấm lá cực các loại của ắc quy axít chì đã qua sử dụng, nguy hại tới môi trường. Nhưng khi bị phát hiện, Công ty Hoàng Phát đã có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng và cơ quan hải quan địa phương, cho rằng phía đối tác ở Trung Quốc gửi nhầm hàng cho Hoàng Phát, nay xin trả lại.

Điệp khúc “gửi nhầm” cũng được Công ty TNHH Vũ Hải (Quảng Ninh) sử dụng. Công ty này mở tờ khai hải quan khai báo lô hàng nhập về từ cảng Hải Phòng là quặng chì để tái xuất cho Công ty TNHH mậu dịch Thái Hòa, Trung Quốc. Đây cũng là tấm lá cực các loại của ắc quy axít chì thuộc phế thải, trọng lượng 63 tấn.

Cũng với cách thức như nhiều công ty trước đó đã làm, Công ty Vũ Hải cũng trình văn bản cho rằng công ty phía Trung Quốc gửi nhầm địa chỉ, nay xin… trả lại!

Và công ty ảo

Tìm hiểu tại Cục CSMT, chúng tôi nhận thấy, việc doanh nghiệp tái xuất chất thải nguy hại ra nước ngoài khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền cũng là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (Nghị định số 155/1999 của Chính phủ). Hành vi này cũng vi phạm Công ước Basel.

Năm 2007, Cục CSMT khi kiểm tra nhiều doanh nghiệp, phát hiện họ có những bộ hồ sơ, giấy chứng nhận cho phép nhập khẩu chất thải của phía nước ngoài, phổ biến là giấy tờ mang danh của cơ quan bảo vệ pháp luật Trung Quốc. Với những bộ hồ sơ, giấy chứng nhận này, Cục CSMT phải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tính xác thực của hồ sơ.

Kết quả, phát hiện nhiều công ty có đầy đủ hồ sơ nhưng khi xác minh ở nước sở tại (phổ biến là Hồng Kông – Trung Quốc) thì công ty này không có thực. Giấy chứng nhận đi kèm hồ sơ cũng được xác định là giấy ảo, cơ quan bảo vệ pháp luật của bạn không có đóng dấu, cho phép xuất, nhập khẩu rác thải như công ty khai báo.

Một trong những mặt hàng bị làm giả hồ sơ, giấy chứng nhận nhiều nhất là ắc quy chì, bản cực ắc quy chì. Đây là loại phế thải độc hại, được đưa vào cảng biển Việt Nam hàng trăm container. Phế thải ắc quy chì, bản cực ắc quy chì cũng là loại siêu lợi nhuận. Các phế thải này được công ty trong nước đưa về làm nguyên liệu sản xuất và thuộc nhóm hàng “hot”!

Tại sao hàng loạt vụ nhập rác thải, phế liệu vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường vào Việt Nam lại có thể diễn ra nhiều, khối lượng lớn như vậy? Đáng nói, một số cán bộ của Hải quan và Sở Tài nguyên & Môi trường như ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên đã tiếp tay cho hành vi vi phạm, mặc nhiên xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu!?

Nguyên nhân thứ hai, các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam nhập phế liệu về tái chế thì giá cả quá “bèo”, sau tái chế bán lại cực lợi.

Trong khi đó, chế tài xử lý lại quá nhẹ, hầu như chỉ xử phạt hành chính với mức phạt theo quy định hiện hành cao nhất chỉ 70 triệu đồng/vụ vi phạm. Vì thế, nhiều doanh nghiệp “nhờn thuốc”, nộp phạt xong lại tiếp tục vi phạm. Đây là kẽ hở cần phải chỉnh sửa trong Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính.