Phú Thọ: Xử lý rác thải ở Việt Trì quá tải

Do tốc độ đô thị hóa nhanh nên lượng rác thải hàng ngày tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đang ở mức quá tải. Theo điều tra của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì, hàng ngày chất thải rắn sinh hoạt được quét, thu gom từ các đường phố, nơi công cộng để vận chuyển tới Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì để xử lý là hơn 76 tấn/ngày (163m3/ngày) tương đương 28 nghìn tấn/năm (trên 59 nghìn m3/năm). Đó là chưa kể đến một lượng rác thải lớn nằm trong các khu dân cư của thành phố và một số huyện giáp ranh chưa được thu gom, xử lý.

Lượng rác này được đắp đống, ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, ngấm vào nước, đất gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Riêng về chất thải rắn công nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị nông thôn (Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn – Bộ Xây dựng) đã điều tra 29 công ty, nhà máy, xí nghiệp có quy mô sản xuất lớn trong tỉnh cho thấy khối lượng chất thải rắn công nghiệp thải ra trên 815 tấn/ngày (hơn 297.000 tấn/năm). Song toàn bộ khối lượng chất thải rắn này chưa được kiểm soát, quản lý và xử lý theo quy định.

Thực tế chỉ có rác thải sinh hoạt được các đơn vị, tập thể, cá nhân hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì làm dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Công ty bố trí trên 170 công nhân vệ sinh để quét dọn, thu gom rác đường, hè phố, chủ yếu là các phường, xã nội thành; duy trì vệ sinh các đường chính, nơi công cộng và xúc rác lên xe ép rác vận chuyển đến Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì để xử lý.

Từ năm 2001, UBND tỉnh Phú Thọ đã đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải rắn công nghiệp xã Trạm Thản (Phù Ninh) nhưng do kinh phí xây dựng ít nên đến nay Khu xử lý vẫn chưa đi vào hoạt động. Các nhà máy, công ty, xí nghiệp phải tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp nên gây ô nhiễm môi trường. Nhiều đơn vị phải thuê xe côngtenơ vận chuyển đi nơi khác để xử lý. Cùng với đó là các chất thải y tế cũng do các bệnh viện và cơ sở y tế tự xử lý.

Hiện nay, tình trạng rác thải, phế thải đưa ra các điểm rác công cộng mỗi ngày một tăng gây nên tình trạng quá tải và bức xúc trong nhân dân. Việc nhanh chóng hoàn thành các hạng mục đưa Khu xử lý chất thải rắn công nghiệp xã Trạm Thản đi vào hoạt động là giải pháp có tính khả thi nhất.

Cùng với đó việc xây dựng dự án phân loại rác sinh hoạt từ đầu nguồn; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị Việt trì để ngăn chặn nước thải công nghiệp, y tế, sinh hoạt đổ ra cống rãnh không qua xử lý; quy hoạch một số điểm trong thành phố để chôn lấp phế thải xây dựng… cũng là các giải pháp khắc phục cho những bức xúc về môi trường đô thị hiện nay.