Nuôi cá xứ lạnh châu Âu

Cá hồi ở Phần Lan, cá tầm ở Nga được nuôi thử nghiệm thành công tại tỉnh Lâm Đồng, giờ đã trở thành đặc sản thứ 3 sau rau và hoa của địa phương này.

Kết quả ngoài mong đợi

Năm 2005, khi nhận được thông tin Viện Nuôi trồng thủy sản 1 nhập 2 giống cá nước lạnh là cá hồi và cá tầm đưa về nuôi ở thác Bạc – Sapa (Lào Cai), UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lên kế hoạch tham quan nghiên cứu và tổ chức nuôi thử nghiệm ở địa phương.

Sau chuyến tham quan, Sở NN-PTNT được Chủ tịch tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng đề án nuôi cá nước lạnh, với lời căn dặn: “Chúng ta sẽ biến cái không thể thành cái có thể. Cá nước lạnh sẽ là sản phẩm đặc thù của TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương và các vùng phụ cận”.

Thế là đề án nuôi thử nghiệm cá hồi được thực hiện tại thôn K’Long L’Lanh, xã Đạchays, huyện Lạc Dương, nằm ở đầu nguồn suối Đamưng, trên tỉnh lộ 723, cách TP Đà Lạt 55 km.

Trứng cá hồi được nhập từ Phần Lan, đưa về Sapa ấp nở và cá bột sau 2 tuần tuổi được đưa vào Lạc Dương (Lâm Đồng) để nuôi thử nghiệm. Cả ba lần nuôi đều cho kết quả ngoài mong đợi, tỷ lệ sống cao, tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh hơn hẳn các loại cá truyền thống tại địa phương. Cá nuôi 12 tháng tuổi có thể đạt 1,2 – 1,5 kg/con, năng suất cá thương phẩm có thể đạt 30 tấn/ha, doanh thu 1 ha đạt từ 4 – 4,5 tỉ đồng, lợi nhuận có thể đạt 40% vốn đầu tư.

Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng năm 2007 đã chuyển giao cho Công ty TNHH Hoàng Phố đầu tư nuôi cá hồi thương phẩm và đến nay đã phát triển lên 40.000 con tại thôn K’Long L’Lanh, dự kiến đến giữa năm 2008 sản lượng thu hoạch có thể đạt 50 – 60 tấn và năm 2009 dự kiến phát triển lên 200 tấn.

Cung không đủ cầu

Nói về tiềm năng nghề nuôi cá hồi, ông Phạm S, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: Lâm Đồng là tỉnh duy nhất ở phía Nam có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển nghề nuôi cá hồi. Vùng nuôi cá hồi có độ cao từ 1.500m trở lên so với mặt biển và những cánh rừng nguyên sinh, trữ lượng nước rất nhiều, nước suối từ rừng chảy ra rất trong sạch, nhiệt độ nước dưới 20 độ C là điều kiện tốt nhất để nuôi loại cá này. Hiện nay có 2 nhà đầu tư đang xúc tiến nuôi cá hồi là Công ty Hoàng Phố và Công ty Hoàn Cầu (Nha Trang).

Con cá tầm Nga cũng được nuôi thử nghiệm tại hồ Tuyền Lâm, tỷ lệ sống 100%. Cá tầm Nga nuôi từ năm 2006 đến nay trọng lượng bình quân đạt 13 kg/con, có con đạt tới 15kg.

Năm 2007, Công ty cổ phần Hà Quang, TP.HCM (nay đã thành lập Công ty cá tầm Việt Nam tại Lâm Đồng) đã nhập về 200.000 phôi trứng cá tầm ấp nở và ươm nuôi, tỷ lệ sống đạt gần 30% (trong khi ở Sapa, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 3%).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 50.000 con cá tầm Nga thuộc 3 giống khác nhau đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch đưa cá tầm Nga về nuôi ở một số hồ chứa như hồ Ka La (Di Linh), hồ Đa Nhim (Đơn Dương) vào quý I/2008, sản lượng ước đạt khoảng 300 tấn vào năm 2008.

ca
Kỹ sư Nguyễn Viết Thùy cho cá hồi ăn. (Ảnh: Mai Vọng). 

Kỹ sư Nguyễn Viết Thùy, Trạm nghiên cứu thực nghiệm nuôi cá Quảng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 cho rằng, để nuôi cá hồi, phải bảo đảm các yếu tố sau: nhiệt độ nước dưới 20 độ C, nếu trên nhiệt độ này cá hồi sẽ biếng ăn. Nguồn nước để nuôi cá phải luân chuyển, tức là phải có nước vào và nước ra; nước phải trong. Một điều hết sức quan trọng nữa là hàm lượng ô-xy trong nước phải cao.

Khó khăn chung hiện nay của các vùng nuôi cá hồi là giống cá phải nhập từ nước ngoài. Thức ăn cho cá cũng vậy. Còn chi phí đầu tư hạ tầng (ao, bạt, lưới che, đường ống dẫn nước từ suối về ao nuôi…) tốn khoảng 1 tỉ đồng/ha. Nếu sử dụng các hệ thống làm giàu ô-xy, mỗi ha có thể đạt năng suất 60 tấn cá.

Thị trường cá hồi trong nước hiện nay cung không đủ cầu. Anh Thùy cho biết: “Chỉ chào năm ba nhà hàng ở TP.HCM thôi là đã tiêu thụ hết hàng rồi. Chúng ta đang nhập khoảng 1.500 tấn cá hồi/năm về tiêu thụ trong nước và hiện nhiều người Việt Nam chưa được ăn cá hồi nhập khẩu, vì sản phẩm này chủ yếu được đưa vào các nhà hàng, khách sạn sang trọng, giá rất đắt”.
Năm 2007, các nhà đầu tư đã mở 2 nhà hàng cá hồi tươi sống tại Đà Lạt và TP.HCM với giá bán hợp lý; kế hoạch năm 2008 sẽ mở thêm tại các thành phố du lịch: Nha Trang, Phan Thiết và Vũng Tàu.