Dùng gỗ quý hiếm để sản xuất lục bình

Gần đây, ở Đắc Lắc rộ lên phong trào chơi lục bình cỡ lớn được chế tác từ các loại gỗ quý hiếm. Hệ lụy là những cây gỗ quý bị lén lút chặt hạ trái phép để phục vụ cho việc chế tác lục bình.

Địa bàn mà bọn lâm tặc nhắm đến để lén lút khai thác các loại gỗ quý hiếm thường là những địa phương có rừng phòng hộ, rừng cấm như: Ea Súp, Buôn Đôn, Ea Hleo, M’Đrắc…

Mỗi cặp lục bình hiện có giá từ 5 triệu đến dăm chục triệu đồng tùy theo độ lớn và loại gỗ chế tác. Hàng càng cao giá càng chứng tỏ “đẳng cấp” sành điệu của người chơi lục bình.

Gần đây, các cơ quan chức năng ở Đắc Lắc liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển lục bình trái phép với số lượng lớn. Đơn cử, ngày 03/01 Công an huyện Buôn Đôn phát hiện và tạm giữ xe tải biển kiểm soát 47L – 6494 chở 8 cặp lục bình cỡ lớn được chế tác từ các loại gỗ thuộc nhóm qúy hiếm đi từ hướng huyện Ea Súp về Bà Rịa – Vũng Tàu.

Các cơ quan chức năng xác minh số lục bình nói trên có nguồn gốc bất hợp pháp nên đã ra quyết định thu hồi và xử phát hành chính đối với chủ hàng và chủ phương tiện vận chuyển.

Một điều khá lạ là lô lục bình nói trên lại được Chi cục Thuế huyện Ea Súp cấp hoá đơn đỏ lưu thông với trị giá hàng hoá 4 triệu đồng. Như vậy, ở đây đã có sự bất cập, không nhất quán bởi không có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như: thuế, kiểm lâm… về việc xác định nguồn gốc hàng hoá và việc cấp hoá đơn đỏ cho lưu thông.

Chẳng lẽ cơ quan thuế lại cứ vô tư cấp hoá đơn đỏ, bất chấp tính hợp pháp hay không của lô hàng? Đó là chưa nói đến 8 cặp lục bình bị thu giữ, mỗi cặp có giá hàng chục triệu đồng nhưng hoá đơn do cơ quan thuế huyện Ea Súp cấp lại ghi tổng trị giá chỉ 4 triệu đồng.

Hiện nay, chỉ riêng địa bàn huyện Ea Súp đã có tới 42 cơ sở sản xuất đồ mộc. Những người thích chơi lục bình không khó khăn gì để kiếm cho mình một cặp ưng ý, bởi các cơ sở sản xuất lâm sản ở đây sẵn sàng chiều theo sở thích của các “thượng đế”.

Với việc không có sự phối hợp nhất quán giữ các cơ quan thuế và kiểm lâm như trường hợp vừa dẫn đang là một kẽ hở lớn để các cơ sở sản xuất đồ mộc lợi dụng hợp thức hoá nguồn gốc hàng hoá được sản xuất từ gỗ khai thức trái phép. Đó là chưa kể đến “chiêu” biến những loại đồ gỗ này thành đồ đã qua sử dụng để vận chuyển ra khỏi địa bàn.

Tình trạng dùng gỗ quý hiếm để sản xuất lục bình trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc ngày càng gia tăng, đã đến lúc các cơ quan chức năng trong tỉnh vào cuộc quyết liện hơn, cũng như cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong việc quản lý nguồn gốc hàng hoá, quản lý các cơ sở sản xuất đồ mộc; xử lý nghiêm các vụ vi phạm lâm luật.

Qua đó mới có thể giảm thiểu việc khai thác và sử dụng gỗ quý hiếm trái phép để sản xuất lục bình chỉ nhằm thoả mãn thú chơi của một số người.