Biến đổi khí hậu: Di dời dân là ưu tiên hàng đầu

Di dời dân và nghiên cứu các giống lúa chịu hạn… là các giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học trao đổi xung quanh vấn đề này…

Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao bởi biến đổi khí hậu?

Di dời dân là ưu tiên hàng đầu

– Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) VN là nước đứng thứ hai trong số top 5 nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Để ứng phó với những ảnh hưởng này, vấn đề quy hoạch luôn được đặt ra, xin ông cho biết chương trình hành động này như thế nào? 

 tt
Thứ trưởng Đào Xuân Học: “Vấn đề di dời dân được ưu tiên hàng đầu…”. (Ảnh: Ngọc Huyền).

Vấn đề lớn hiện nay là quy hoạch và quản lý quy hoạch, đối với vấn đề quy hoạch trong “Chiến lược phòng chống, giảm nhẹ thiên tai” mới được Chính phủ phê duyệt trong thời gian qua nêu rất rõ từng bước di dời tất cả những hộ dân thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, các hộ dân ở ngoài đê luôn bị ngập lụt, ở vùng lũ quét, bị sạt lở đất, vùng ven biển, ven sông dần đến những nơi an toàn hơn.

Đối với vấn đề sản xuất, chúng ta tiếp tục có những quy hoạch phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khi nói về vấn đề này có rất nhiều việc phải làm như: đê điều, thoát lũ, an toàn hồ đập… Bởi vì, biến đổi khí hậu không đơn thuần là mực nước biển dâng mà còn liên quan đến vấn đề cực đoan của khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho lượng mưa nhiều hơn, hạn hán kéo dài, khan hiếm nguồn nước sạch và bão lũ gia tăng nhiều hơn…

Do vậy, chúng ta phải có một chiến lược lâu dài. Trong thời gian sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ triển khai vấn đề này theo nội dung “Chiến lược phòng chống, giảm nhẹ thiên tai” với ban chỉ đạo, với các tỉnh.

– Theo kịch bản dự báo của Ngân hàng Thế giới, mực nước biển dâng 1m sẽ làm cho 22 triệu người dân VN mất nhà cửa, do vậy việc di dời dân cũng là một bài toán. Ban chỉ đạo đã tính đến phương án này chưa? 

Di dời dân là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, nhưng đó cũng là việc hiện nay chúng ta phải tính đến bởi có rất nhiều việc liên quan đến cơ sở hạ tầng cụ thể như Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tiếp tục đắp đê củng cố hay không? Miền Trung là một vùng đất cao nhưng lại thường xuyên hứng chịu các đợt lũ phức tạp điển hình như năm 2007 sẽ chọn giải pháp nào? Trước đây, thời gian thoát lũ ở miền Trung là từ 3-5 ngày nhưng thời gian thoát lũ năm 2007 kéo dài hơn. Vậy khi mực nước biển dâng thời gian thoát lũ còn kéo dài hơn nữa.

Giải pháp của chương trình là nơi nào đắp đê được chúng ta sẽ đắp đê, nơi nào không đắp đê được chúng ta phải thích ứng như thế nào đó là bài toán mà ngành nông nghiệp sẽ phải tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp cụ thể.

Thực chất Nhà nước đã và đang có những chương trình này rồi, nay chúng tôi tiếp tục lập và thực hiện các dự án di dời tiếp theo.

Giải pháp cho ĐBSCL như thế nào? Hay giải pháp cho hai TP. Hải Phòng và TP.HCM bị ngập nặng ra sao? Theo tôi nghĩ TP thì không thể sống chung được với lũ mà chúng ta phải phòng chống triệt để, phòng chống như thế nào đấy cũng là một bài toán.
Vừa rồi Bộ NN&PTNT đã trình bày với Chính phủ, UBND TP.HCM về các giải pháp tiến hành xây các cống lớn, phù hợp với lộ trình thoát nước và nước biển dâng. Tháng 03/2008, Bộ sẽ trình bày phương án cụ thể để TP.HCM đề nghị Chính phủ phê duyệt.

– Vậy có chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân được di dời hay không? 

Trong thời gian qua những nơi bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất thì các tỉnh đã lập dự án và Nhà nước đều có chính sách hỗ trợ di dời các hộ dân. Tuy nhiên, tùy theo vùng, miền bị ảnh hưởng Nhà nước có mức hỗ trợ kinh phí, xây dựng các cơ sở hạ tầng khác nhau. Vấn đề này đã được Đảng và Nhà nước quan tâm rất cao.

Nghiên cứu giống lúa chịu hạn, chịu ngập

– Với kịch bản mực nước biển dâng 1m thì 50% diện tích đất canh tác của ĐBSH và ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, đe dọa đến an ninh lương thực. Vậy có giải pháp nào cho vấn đề này? 

An ninh lương thực là vấn đề rất quan trọng. Vấn đề này đã được đặt ra trong Chương trình hành động của Bộ xây dựng các kế hoạch thực hiện sắp tới như: nghiên cứu lại các giống lúa chịu hạn, chịu ngập… cho ĐBSCL. Bởi vì khi nước biển dâng, diện tích canh tác giảm, chúng ta phải có một loại giống lúa thích ứng với thời gian ngập dài hơn mà vẫn đảm bảo một năng suất nhất định.

Nếu theo kịch bản dự báo của Ngân hàng Thế giới là 1m, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh lương thực. Do vậy, chúng ta không thể chờ đợi đến lúc đó mới nghiên cứu mà ngay từ bây giờ chúng ta phải có những giải pháp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các vùng bị ngập. Đến khi mực nước biển tăng dần lên chúng ta sẽ gieo trồng. Tuy nhiên, năng xuất của lúa chịu ngập có thể giảm hơn so với hiện nay nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực.

Để trả lời câu hỏi sẽ đảm bảo đến đâu là rất khó. Song, theo tôi, các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi vì trong thực tế cây lúa nổi ở vùng ĐBSCL đã được người dân ĐBSCL trồng thử nghiệm trong nhiều năm rồi. Chúng ta sẽ sử dụng các loại giống cây trồng đó và thuần chủng để nâng cao năng suất.

Trong một vài năm tới, Bộ NN&PTNT sẽ ưu tiên cho vấn đề này và sẽ hướng vào những giống lúa chịu hạn, chịu ngập…

– Nghiên cứu các giống lúa chịu hạn liên quan đến vấn đề kinh phí?

– Vấn đề kinh phí cho khoa học đến nay có thể nói không phải là vấn đề khó khăn bởi vì Nhà nước rất quan tâm. Điều quan trọng là các nhà khoa học có đủ nguồn lực để nghiên cứu ra sản phẩm hay không? Đây là câu hỏi dành cho các nhà khoa học. 

Trong 10 năm tới VN có hành động cụ thể như thế nào? 

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất mạnh mẽ, Nhà nước sẽ có một chương trình đặc biệt thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ sẽ xây dựng chương trình hành động trên cơ sở chiến lược chung của quốc gia, mỗi ngành có một chương trình hành động, báo cáo với Chính phủ, xin nguồn kinh phí và tiến hành thực hiện dần công việc. Nơi nào bị tổn thương nhiều nhất sẽ ưu tiên thực hiện trước, nơi nào tổn thương chưa nhiều thì chúng ta tiến hành dần dần. 

– Xin cảm ơn Thứ trưởng!