“Săn” trắc ở vùng biên

Khoảng 2 năm trở lại đây, khi gỗ trắc (trắc thối) có giá, tình trạng khai thác, vận chuyển và buôn bán gỗ trắc trên địa bàn xã Quảng Trị trở nên phức tạp. Nhiều người ở các xã Thanh, Thận, thị trấn Lao Bảo… thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bỏ cả việc nương rẫy đua nhau “săn” gỗ trắc… Hàng ngày gỗ trắc vẫn “âm ỉ” chảy về xuôi.

Mua bao nhiêu cũng có

Tình trạng buôn lậu gỗ trắc, gỗ huê ở các xã vùng biên huyện Hướng Hóa, Quảng Trị diễn ra suốt hai năm nay. Khi gỗ trắc có giá, người dân đổ xô vào rừng khai thác, các con buôn cũng tấp nập về đây để thu mua… Vùng Lìa (xã Thanh, Thuận, A Túc…) huyện Hướng Hóa nằm trải dọc theo dòng Sê Pôn là điểm nóng về khai thác, buôn bán và vận chuyển gỗ trắc.

Hầu như xã nào cũng có người buôn bán và vận chuyển gỗ trắc, còn người đi rừng khai thác thì nhan nhãn… Tại một quán nước bên đường ở xã Thanh, Nhân – một thanh niên địa phương trạc 35 tuổi, kể anh là thợ cưa gỗ ở vùng này đã 10 năm, gần 2 năm nay chuyên đi cưa và buôn gỗ trắc.

Nhân bảo: “Gì chứ gỗ trắc thì không thiếu. Mà không riêng gì gỗ trắc, ngay cả gỗ hương, gỗ dổi cũng nhiều”. Riêng gỗ trắc, tùy loại mà giá dao động từ 70-150 triệu đồng/m3, nếu gỗ lớn hơn thì giá còn cao hơn. “Các anh muốn mua thì phải nhờ người quen dẫn vào rồi xem gỗ, chứ tui với anh đã biết nhau đâu mà mua với bán. Các anh đi đâu cũng vậy thôi. Nói thật, nhà mình còn hơn 3m3 trắc mới về hôm qua, đẹp lắm… Nếu anh tìm người quen dẫn vào đây, bọn tui sẽ bán giá 120 triệu/m3 và chịu trách nhiệm đưa gỗ ra đến tận xã Tân Liên (nằm dọc Đường 9, cách xã Thanh khoảng 40km). Nếu cần đưa đến cảng Cửa Việt cũng được. Nhưng các anh phải tìm người quen cái đã, mua bao nhiêu cũng có, tui sợ như đợt trước, một người mua gỗ trắc đặt cọc 5 triệu đồng, khi đưa xe đến chở là đọc lệnh bắt luôn, khiến lô gỗ hơn nửa tỷ đồng bị mất tiêu…”.

Nếu các xã ở vùng Lìa, việc mua bán và vận chuyển gỗ trắc diễn ra thận trọng thì ở thị trấn Lao Bảo lộ liễu hơn. Tại bến Tân Kim trên dòng Sê Pôn, thị trấn Lao Bảo lúc trời về chiều, khi bờ bên kia xuất hiện ba bốn chiếc thuyền máy chở gỗ về, ngay lập tức một nhóm người túa xuống vác gỗ lên giấu vào những bụi cây ven bờ, phía bên kia một nhóm khác hối hả tuồn gỗ xuống bờ sông, đưa lên thuyền chuyển qua bên này. Một vài người khác thì cột gỗ cho trâu kéo về. Cứ thế, chỉ trong vòng chưa đầy 15 phút, hàng trăm khúc gỗ trắc đã được chuyển qua sông một cách nhanh gọn.

Thấy người hỏi mua, một cô gái trong đoàn cất lời: “Các anh cứ về hỏi ba em. Bữa nay đi gỗ khó lắm, gỗ rừng mình thì đã cạn kiệt, bên Lào họ làm gắt nên tiền thuê trâu, công nhân phải trả cao hơn”. Đánh liều đồng ý theo cô gái về thôn Tân Kim và được bố cô gái kêu giá 16 ngàn đồng/kg.

Ông cho biết, cùng với khối lượng gỗ gần 2 tấn mới về, trong nhà còn chừng 4-5 tấn nữa, nếu thỏa thuận được thì bán luôn. Dứt lời, ông dẫn vào kho xem hàng. Một gian nhà rộng chừng 20m2 chật cứng gỗ trắc…

Ngành chức năng bó tay?

 santrac

Ngươì dân ngang nhiên vận chuyển gỗ trắc tại bến Tân Kim, thị trấn Lao Bảo.

Theo ông Hoàng Tài, Phó Chủ tịch UBND thị xã Lao Bảo, việc “săn” gỗ trắc chủ yếu là người ở thôn Tân Kim. Xưa nay người dân ở đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề đi rẫy và sản xuất rau màu dọc sông Sê Pôn. Mới đây, do Lâm trường Bến Hải được cho phép thu mua gỗ trôi nổi trên địa bàn nên người dân lợi dụng, đua nhau đi chặt gỗ trắc về bán… Hiện nay, mặc dù đợt thu mua không còn nhưng người dân vẫn tiếp tục.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hải, Phó hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết: “Trình trạng buôn bán gỗ trắc, gỗ huê trái phép ở các xã vùng biên trên địa bàn huyện rộ lên chừng 2 năm trở lại đây.

Riêng năm 2007, gỗ huê không còn nhiều thì các đầu nậu tập trung vào gỗ trắc”. Mặc dù lực lượng kiểm lâm phối hợp với bộ đội biên phòng tiến hành kiểm tra ráo riết nhưng trình trạng vận chuyển, cất giấu và buôn bán gỗ trắc, gỗ huê vẫn tiếp diễn.

Trong năm 2007, lực lượng kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã phát hiện và bắt giữ 214 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu 416.522kg gỗ huê và 31,872m3 gỗ trắc…. Trong tháng 12/2007, phát hiện và bắt giữ nhiều vụ, trong đó có vụ thu giữ 45,074m3 gỗ, trong đó có 5.784kg gỗ huê cùng nhiều lâm sản trái phép khác.

Theo ông Hải, riêng lượng củi huê và gỗ trắc nằm trong kho của Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa hiện giá trị cũng hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số trên chẳng thấm vào đâu so với thực tế bên ngoài.

Mặc dù trên Đường 9 lực lượng chức năng chốt chặn dày đặc, thế nhưng hiện nay tình trạng khai thác, vận chuyển buôn bán gỗ trắc của người dân ở các xã vùng biên tỉnh Quảng Trị vẫn diễn ra một cách… sôi động!.