Xu hướng “xanh” trong thời trang

Trong bối cảnh tình trạng Trái đất ấm dần lên đang tác động sâu rộng tới sinh hoạt hàng ngày của nhân loại, ý thức chọn và tiêu thụ sản phẩm an toàn cho sức khỏe và thân thiện môi sinh từ đó cũng ngày được nâng cao.

Những loại xe “lai” chạy bằng nhiên liệu kết hợp với điện, vật dụng sử dụng năng lượng mặt trời hay xe tải chạy bằng mỡ động vật… lần lượt ra đời. Gần đây nhất, người tiêu dùng trên thế giới chú ý đến hàng dệt may sản xuất theo phương thức mới thân thiện môi trường với những nguyên liệu gần gũi và dễ tìm. Nắm bắt xu thế này, giới thiết kế và các hãng thời trang đang có nhiều động thái hưởng ứng tích cực.

Sau tuyên bố “Xanh là tiêu chuẩn mới” của giới thời trang ở New York (Mỹ), Jo Paoletti, nhà nghiên cứu tác động môi trường đối với thời trang của ĐH Maryland cho rằng thế giới sẽ chứng kiến làn sóng cải tiến mới trong ngành thời trang nhằm hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu. Xu hướng này không chỉ nhằm tôn vinh ưu điểm có lợi cho môi trường của vải cotton so với các loại vải sợi khác mà còn góp phần “khai sinh” những trang phục thông minh có thể điều chỉnh thân nhiệt nhằm hạn chế nhu cầu mở máy lạnh và máy sưởi.

Bob Kirke, Giám đốc điều hành Liên đoàn Thời trang Canada nhất trí rằng việc người dùng nhận thức ngày càng rõ về những tác động của quá trình biến đổi khí hậu đang tạo ra nhu cầu ăn mặc gắn với bảo vệ môi trường. Ví dụ cách đây 3 năm, không một ai quan tâm đến chất liệu hàng may mặc nhưng giờ đây, người tiêu dùng bắt đầu chú ý hơn đến chất liệu mà họ khoác trên người.

Tre được xem là nguyên liệu sản xuất vải sợi thân thiện môi trường mới nổi, vừa phổ biến vừa dễ trồng. Trang phục lót làm từ tre là ý tưởng độc đáo, mới lạ trong ngành thời trang bởi nó có thể tái chế. Không chỉ vậy, vớ sản xuất bằng nhựa polyester tái chế, đồ jean hữu cơ và túi xách làm từ cây lúa cũng bắt đầu xuất hiện tại các siêu thị hay cửa hàng thời trang.

REI, một công ty kinh doanh trang phục, đã giới thiệu vớ, áo sơ-mi, nịt ngực len và giày làm từ polyester tái chế cũng như trang phục lót làm từ tre do công ty may mặc The North Face ở Mỹ sản xuất. Đầu năm 2006, tập đoàn bán lẻ Target bắt đầu bán khăn tắm và khăn trải giường với 60% chất liệu từ cây tre. Bên cạnh đó, hãng thời trang Levi’s cũng tung ra dòng sản phẩm jean ECO làm từ 100% cotton hữu cơ. Ngoài ra, Levi’s còn khởi động dự án sản xuất áo thun ngắn tay bằng sợi bông hữu cơ cùng với REI và nhãn hiệu Padagonia.

Theo Shakirah Hill, sáng lập viên Hiệp hội thời trang Echelon tại Mỹ, các sản phẩm thời trang “xanh” không khô cứng như chúng ta tưởng mà nó mềm hơn cả những chiếc khăn làm từ sợi vải truyền thống. Nguyên liệu làm nên sản phẩm thời trang “xanh” cũng dễ trồng, phát triển nhanh nên ít tiêu tốn nhiên liệu, thuốc trừ sâu và phân bón, từ đó ít ảnh hưởng đến môi trường.
Hệ thống bán lẻ American Apparel (Mỹ) phát hiện một biện pháp khác giúp sản phẩm may mặc “xanh” hơn, đó là giảm thời gian vận chuyển từ nhà máy đến các nhà phân phối trong và ngoài nước. Việc sản xuất và cung cấp hàng hóa tại chỗ sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu, qua đó giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Theo các chuyên gia thời trang, khó khăn lớn nhất mà các sản phẩm may mặc thân thiện môi trường đang đối mặt là giá thành cao hơn các sản phẩm khác. Nhưng Jo Paoletti cho rằng xu hướng thời trang bền vững sẽ giúp sản phẩm này vượt qua những trở ngại trước mắt. Cô dự báo trong tương lai sẽ có rất nhiều người chuộng phong cách ăn mặc với những sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên.