Một đời người, một rừng cây

Hàng chục năm trời, ông lặng lẽ bươi từng hố đất, nhét từng gốc cây để trồng nên một khu rừng đẹp đẽ như hôm nay. Và bây giờ, đã 82 tuổi, đôi bàn tay ấy vẫn chưa ngơi nghỉ, bước chân ấy vẫn đều đặn mỗi ngày lên núi. Mặc cho nhiều người dèm pha, là gàn, là hâm… không sao, ông làm việc để tri ân cuộc đời, tri ân núi rừng. "Còn sức là còn phải lao động. Lao động là vinh quang mà…" – ấy là lẽ sống của ông.

Tuổi già vẫn dẻo bàn tay

Ở nơi sơn cùng thuỷ tận ấy có một ông già “gàn”. Ai cũng bảo đã 82 tuổi, gia đình lại không có con trai, thế mà vẫn cứ miệt mài trồng những 20ha rừng. Bao nhiêu người đòi mua lại, bảo ông bán đi lấy tiền mà dưỡng tuổi già, còn sống được mấy hơi nữa, ông nói với họ: Tôi trồng rừng không phải để mình tôi hưởng, trồng rừng là để trả ơn cuộc đời, trả ơn với rừng.

Đó là câu chuyện của ông Trần Mạnh Cường – ở xóm Tân Lập, xã Bồng Khê (Con Cuông – Nghệ An). Ông Cường trông còn rất cường tráng, bước chân vững chãi, thoăn thoắt làm anh em chúng tôi đi theo muốn đứt cả hơi. Ông kể rằng, khu vực này ngày xưa hoang vu lắm, dân địa phương gọi là thung Cửa Rọ, vì nó chỉ có một đường vào như chui đầu vào rọ vậy. Cả 20ha này trước chỉ toàn là đá tảng lởm chởm, đồi núi thì trọc lóc gần như không còn một ngọn cây.

“Khi tôi nhận khu rừng trọc này thì ai cũng phản đối, từ vợ con cho đến người ngoài. Họ bảo tôi già rồi nên hâm, làm gì mà ăn trên bãi đá này. Họ còn bảo tôi dở hơi nên mới tự chui đầu vào rọ. Thú thực lúc đó cũng hơi ái ngại, nhưng tôi tin vào khả năng và sức lực của mình. Thế là quyết tâm làm” – nụ cười của ông Cường thật rạng rỡ.

Việc đầu tiên mà ông Cường “ứng xử” với khu rừng trọc là trồng rất nhiều bí đỏ và những cây ngắn ngày khác. Ông nói, trồng bí đỏ nhanh thu hoạch, đầu ra lại thuận lợi vì nông trường thu mua làm thức ăn cho voi. Các thứ khác thì bán ở chợ. Mình phải lấy ngắn nuôi dài trước đã. Tiếp đến mới là “sự nghiệp” trồng rừng. Mà cách trồng rừng của ông khác người lắm, chỉ thuê bà con phát cỏ dại thôi. Việc trồng cây tuyệt đối ông không để ai làm, ngoài mình.

Ông cho biết: “Dân họ làm là để lấy tiền công nên trồng rất sơ sài, vì thế mà cây chết hết. Chỉ có mình tự trồng và phải biết thời điểm để trồng thì mới hiệu quả. Tôi không phải là người am hiểu thiên văn, nhưng tôi có kinh nghiệm là trời miền núi thường có mưa vào những ngày đầu tháng, ngày rằm. Thế là, ngày thường thì tôi đào hố, khoảng ngày rằm, mồng một lại gùi cây lên núi, trồng xong thể nào cũng có mưa. Hôm nào mình đoán sai, trời không mưa thì phải gánh nước lên mà đền. Cái hay là ở chỗ, không những tỉ lệ cây sống của mình cao, mà bà con trong vùng đều tìm đến để học tập. Chính nhờ thế mà cả vùng này rừng đã xanh trở lại rồi, không còn ai phá rừng như trước nữa”.

Dừng lại ở lưng chừng núi để nghe ông Cường nói tiếp về “công cuộc” mở đất. Cả khu rừng lúc này như bừng sáng, một bản hợp xướng được tấu lên từ thánh thót tiếng chim, râm ran tiếng ve và cả tiếng xào xạc, mơn man của những cơn gió nồm khe khẽ đầu hè. Ông Cường ngồi khoanh chân trên phiến đá to, ước bằng cả ngôi nhà như một người ông đang kể chuyện cổ tích vậy. Ông chỉ về những khu quy hoạch của rừng mà cứ ngỡ như là hoạ sĩ đang vẽ nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vỹ. Bên này, là khu rừng gỗ lát với hơn 10.000 gốc đã mười năm tuổi. Bên kia, khu trồng cây ăn quả, mỗi năm cũng cho thu nhập hơn 15 triệu đồng. Rồi mét, nứa, cây nguyên liệu giấy… khu nào ra khu nấy.

“Sao ông không thu hoạch dần, bán bớt đi một phần?” Ông Cường lại cười hiền từ: “Cũng có nhiều người khuyên tôi như vậy, họ bảo tôi không có con trai, gần kề miệng lỗ rồi, giữ rừng mà làm gì, nhưng tôi không bán. Bán là hết. Những ngày gian khó nuôi con ăn học thì rừng đã nuôi mình rồi. Bây giờ chúng nó đã phương trưởng cả, vợ chồng tôi cũng có chi tiêu gì nhiều đâu, bán làm gì. Tôi có ước muốn nơi đây sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái”.

 
Ông Cường vẫn miệt mài lên núi mỗi ngày.

Lặng lẽ dâng cho đời

Ông Trần Mạnh Cường – quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông dừng chân và quyết định lập nghiệp nơi chướng khí này từ những năm 60 của thế kỷ trước. Và hành trình đến với Con Cuông theo ông là dài lắm, dài đến mức phải tính bằng hàng chục năm.

Ông kể rằng: “Tôi vào bộ đội năm 1947, thuộc Tiểu đoàn 365, Trung đoàn 803, chiến đấu ở chiến trường Liên khu V. Tôi rời quê hương theo lệnh tập kết vào đúng 5 giờ chiều 16/05/1955. Hôm đó, chúng tôi đã vượt qua được sân bay Quy Nhơn để đào công sự sẵn sàng chiến đấu. Tất cả anh em trong đơn vị đã tự cắt tay viết nên hàng trăm bức huyết tâm thư gửi trung ương xin được quyết tử. Nhưng vì thực hiện Hiệp định Geneva nên chúng tôi được lệnh lên tàu ra Bắc. Nhiệm vụ mới của chúng tôi lúc đó là xây dựng lực lượng quân đội chính quy hiện đại ở Thanh Hoá và Nghệ An. Tiếp đến, tôi được giao nhiệm vụ làm công tác tôn giáo vận ở Nghệ An”.

Cũng thời gian này, ông Cường được Đảng, Nhà nước cho đi học tập nâng cao trình độ. Tuy nhiên, ông lại xin ở lại sát cánh cùng với bà con vừa chiến đấu, vừa sản xuất. “Khi đó, tôi cũng đã lớn tuổi rồi, cầm súng thì giỏi chứ cầm bút thì kém lắm. Chi bằng mình để cho anh em còn trẻ đi học thì có ích hơn” – ông lại cười.

Năm 1959, anh bộ đội miền Trung tập kết ấy xin ra quân về làm công nhân Nông trường Bãi Phủ. Tại đây, năm 1962, ông đã gặp và nên duyên vợ chồng với o công nhân người Nghệ. Chưa ấm duyên, năm 1964, ông lại tái ngũ và được biên chế vào đơn vị phòng không. Ông kể: “Tính tôi gàn lắm, cứ thấy có lợi là tôi làm. Chính vì thế mà suýt nữa thì bị kỷ luật nặng. Đó là vào năm 1972, đơn vị ra lệnh: Bảo vệ ta để tiêu diệt địch, nhưng tôi cãi lại: Tiêu diệt địch để bảo vệ ta. Thế là tôi “xách” một khẩu 12 ly 7 lên công sự và bắn rơi được một máy bay Mỹ. Việc này, Quân khu thì khen, nhưng đơn vị lại bảo vi phạm kỷ luật, suýt nữa thì to tội lắm”.

Trước ngày giải phóng, ông Cường lại trở về Nông trường Bãi Phủ, nhưng lần này ông không còn ở nông trường bộ mà xin lên Bồng Khê để lập nghiệp. Ông tâm sự: “Mình lên Bồng Khê vì thấy ở đây gần trường học hơn, con cái học hành thuận lợi hơn. Đời mình đã không được học nên phải lo cho con cái đến nơi đến chốn. Mặc dù lên đây làm ăn khó khăn, nhưng mình vẫn quyết đi. Các cậu biết không, mình là bộ đội hàng chục năm được rừng che chở, lo gì không làm được kinh tế từ rừng”.

Đoạn ông cao hứng đọc câu thơ của Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” rồi cười sảng khoái làm xao động cả một góc rừng. Rồi lúc này, khi khoe về con cái, ông hạnh phúc như chưa từng có gì hạnh phúc hơn: “7 đứa con đều đã tốt nghiệp đại học, chị đầu là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Cạn, Đại biểu Quốc hội khoá XII, cô thứ tư cũng vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ ở Úc. Năm đứa cháu con thằng em ở trong quê, mình cũng đưa ra ngoài này nuôi ăn học. Các cháu cũng thành đạt lắm. Mình hết sức mãn nguyện”. Và ông lại cười, tiếng cười giòn tan: “Đấy, cuộc đời đã cho nhà mình nhiều thế, rừng đã nuôi nhà mình chu đáo thế, còn gì hơn nữa”.

Rời khu rừng đẹp đẽ của ông già “gàn”, lời tâm sự và cũng là tâm niệm của ôngvẫn còn âm vang mãi: “Tôi sẽ bàn bạc với vợ con để hiến tặng lại khu rừng này cho xã hội để làm du lịch sinh thái. Tôi sẽ đập vỡ nốt mấy tảng đá này để mở đường vào. Tôi muốn coi đây là món quà của một người con xứ Quảng lập nghiệp trên đất Nghệ tặng lại cho cuộc đời”. Và chiều nay, ngày mai… ông Cường vẫn cứ lặng lẽ, chắc tay búa, quai vỡ những hòn đá ngàn cân để mở đường đi cho khu du lịch tương lai…