Hiệu quả từ một dự án môi trường

Rác thải ở các phường, xã ngoại thành và các xã đảo, bán đảo ở TP Quy Nhơn đang là vấn nạn gây ô nhiễm môi trường cho các địa phương. Để từng bước giải quyết thực trạng này, thành phố đã triển khai thực hiện dự án “quản lý chất thải rắn và sản xuất phân Compost dựa vào cộng đồng” tại phường Nhơn Phú. Mô hình này đã mang lại hiệu quả bước đầu…

Cùng với sự phát triển của xã hội và tiến trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, lượng rác sinh hoạt trong dân cư thải ra ngày một nhiều. Bình quân mỗi tháng, Công ty Môi trường đô thị (MTĐT) TP Quy Nhơn đã thu gom và vận chuyển ra vùng ngoại ô trên 300 tấn rác thải.

Những nỗ lực của lực lượng công nhân thu gom rác ở Công ty MTĐT TP Quy Nhơn đáng được ghi nhận; song ở những phường – xã vùng ngoại thành và các xã đảo, bán đảo thì lực lượng công nhân và phương tiện vận chuyển của Công ty MTĐT TP Quy Nhơn chưa vươn tới được. Vì vậy, rác thải trong dân thải ra hàng ngày đã ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sinh thái và sức khỏe của người dân nơi đây. Dự án “quản lý chất thải rắn và sản xuất phân Compost dựa vào cộng đồng” đã mở ra hướng đi mới để giải quyết vấn đề rác thải ở các vùng sâu, vùng xa của TP Quy Nhơn.

Được sự giúp đỡ của tổ chức UNESCAP và tổ chức ENDA Việt Nam, UBND TP Quy Nhơn đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án và các bên đối tác đã bàn bạc, thống nhất triển khai thực hiện dự án tại phường Nhơn Phú, với kinh phí gần 500 triệu đồng.

Việc hình thành xưởng phân Compost đã được nhân dân quanh vùng hoan nghênh bởi lẽ từ nay họ có thể bỏ được thói quen vứt rác bừa bãi ra ao hồ, sông suối hay chôn, đốt trong vườn, trên các khoảng đất trống. Và điều quan trọng hơn qua công tác truyền thông, người dân đã được nâng cao nhận thức về vấn đề giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và có thể tận dụng rác thải để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Cùng với việc xây dựng xưởng phân Compost, nhóm truyền thông môi trường đã triển khai kế hoạch tuyên truyền vận động nhân dân thu gom, phân loại rác thải để công nhân xưởng phân thu gom vận chuyển về xưởng. Nhóm truyền thông đã đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động, song một bộ phận nhân dân do nhận thức kém, nên công tác tuyên truyền diễn ra trong một thời gian khá dài mà việc thu gom rác vẫn không đồng nhất, người dân chán nản trong việc phân loại rác vô cơ và rác hữu cơ…

Bà Nguyễn Thị Ngọ – Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú, Phó Ban quản lý dự án, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ đợt tham quan thực tế ở Banglades chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện đến cùng để dự án mang lại kết quả hữu hiệu nhất…”.

Trải qua nhiều khó khăn vất vả, xưởng phân Compost đã hình thành có thể xử lý 2 – 3 tấn rác/ngày với 8 bể ủ rác và số công nhân ban đầu có 6 người. Tổ chức ENDA Việt Nam đã hướng dẫn cho nhóm công nhân và một số thành viên Ban quản lý dự án về quy trình và các kỹ thuật làm phân Compost. Bước đầu làm quen với quy trình xử lý rác thải, một số công nhân vẫn còn lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, song vẫn kiên trì bám trụ để lo cho sức khỏe của cả cộng đồng.

Nhờ nắm vững và thực hiện đúng quy trình sản xuất, nên qua 6 tháng hoạt động, xưởng phân Compost đã thu gom về nhà xưởng hơn 100 tấn rác trong dân và bước đầu đã sản xuất được 20 tấn phân hữu cơ. Hiệu quả bước đầu của dự án sản xuất phân Compost và quản lý chất thải rắn dựa vào cộng đồng đã mở ra một triển vọng mới cho bài toán giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở TP Quy Nhơn.

Ông Nguyễn Văn Bùi – Chủ nhiệm HTXNN 1 Nhơn Phú, cho biết: “Giờ đây người dân đã thấy được phần nào hiệu quả mà dự án mang lại cho cả cộng đồng khu dân cư, nhất là môi trường ở địa phương chúng tôi đang dần được cải thiện…”.