Săn hàng “Sách đỏ”

Trào lưu sưu tầm vỏ ốc, đặc biệt là vỏ các loài ốc quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam đang là mốt của du khách trong và ngoài nước khi đến Nha Trang. Chiều lòng thượng đế, những binh đoàn thợ lặn đã ra sức ruồng bố đám tinh binh của long vương giao cho các quầy hàng lưu niệm theo đơn đặt hàng từ trước. Hoạt động săn bắt, mua bán hàng Sách đỏ diễn ra công khai từ lâu nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vẫn đứng ngoài cuộc.
Bà Nga, chủ một quầy hàng lưu niệm chuyên kinh doanh vỏ ốc các loại tại chợ Đầm (Nha Trang) bật mí: “Ốc anh vũ hiện là đại ca của mấy thằng này. Có người sẵn sàng trả 5 triệu đồng cho cái vỏ của nó, nhưng chịu”. Bà chị chào hàng: “Hay chú em “quất” thằng này đi. Hàng Sách đỏ nên dân Tây kết lắm đó”.

Truy lùng vỏ ốc anh vũ

Chị Bích Kiều, cư dân TP biển ở đường Phương Sài (Nha Trang) vốn đam mê hoạt động lặn biển cho biết: “Mươi năm trước, tôi vẫn còn thấy ốc anh vũ. Đấy là loài có xúc tua, ăn tạp, có lớp vỏ ngoài màu trắng vân nâu, bên trong phủ lớp xà cừ rất đẹp.
Loài này ban ngày sống dưới đáy biển sâu, đêm nổi lên mặt nước tìm thức ăn”. Chỉ tay về phía biển, chị chép miệng, giọng tiếc rẻ: “Con ốc còn sống người ta sẵn sàng trả giá 5.000 đô, riêng cái vỏ cũng gần cả chục triệu đồng. Giá cả thượng lưu vậy nên nó bị săn dữ lắm! Bây giờ biển cạn ốc anh vũ rồi”.

Trải qua 400-500 triệu năm dâu bể, theo Sách đỏ Việt Nam, ốc anh vũ là loài động vật nhuyễn thể cổ xưa rất có ý nghĩa về mặt khoa học, vì hóa thạch của chúng là một trong những chỉ tiêu để xác định tuổi địa tầng. Do có mặt cắt vỏ đẹp và quý hiếm nên vỏ ốc còn có giá trị mỹ nghệ và sưu tập. Chính vì vậy mà vỏ ốc rất đắt giá.

Ông Nguyễn B., một người chuyên sưu tập vỏ ốc khẳng định: “Dân sưu tập gọi ốc anh vũ là hóa thạch sống. Để có nó trong bộ sưu tập, tôi đã phải đặt hàng dân lặn và mấy ông bà chủ các quầy hàng mỹ nghệ ở chợ Đầm nhưng đã 3 năm rồi vẫn chưa được”.

Có được “hóa thạch sống” là ước mơ lớn của dân sưu tập vỏ ốc tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Khổ nỗi phạm vi phân bố của loài này rất hẹp. Tại Việt Nam, chỉ có thể tìm thấy ốc anh vũ tại Khánh Hòa và Vũng Tàu. Ông B. quả quyết ngư trường Vũng Tàu bị phường thợ lặn “quần nát nước” từ lâu nên hóa thạch sống bị tiệt giống nòi cả rồi. Riêng vùng vịnh Nha Trang do nằm trong số một trong 20 vịnh biển đẹp nhất thế giới, được bảo vệ nghiêm ngặt nên dân sưu tập tin rằng ốc anh vũ vẫn còn. “Bởi vậy mọi tầm ngắm đều chĩa vào TP biển là vậy”.

Quần nát trung tâm bán hàng lưu niệm từ ốc biển tại chợ Đầm đến khu vực cảng Cầu Đá (chỗ gần Viện Hải Dương học Nha Trang, phường Vĩnh Nguyên) nhưng vẫn không lần được tông tích “hóa thạch sống”. Giữa lúc hết hy vọng thì được Hải, một hướng dẫn viên tự do “chuyên đi khách Tây” mách nước số điện thoại 093 522… Hải cam đoan: “Cứ alô. Đảm bảo ông sẽ không thất vọng. Thành công nhớ gửi tôi chút ít, gọi là tiền chỉ điểm”.

Nối liên lạc với đầu dây bên kia, được một người đàn ông giới thiệu tên Lê Nhất Sinh xác nhận: “Đúng, tôi hiện có 10 cặp ốc anh vũ. Một cặp giá 16 triệu”. Sinh bật mí: “Anh có biết anh Vũ ở cà phê Trung Nguyên không, ảnh cũng từng mua của tôi đó, nên anh không ngại hàng dỏm!?”.

Lần tìm địa chỉ theo tin nhắn, thế nhưng, sau nhiều lần réo gọi, vẫn không thấy Sinh xuất hiện. Ốc anh vũ là mặt hàng quốc cấm và có lẽ do đánh hơi những khả nghi của 2 ông khách sộp nên Sinh đã … tẩu vi thượng sách?!

Công khai bán hàng quốc cấm!

Từ hành trình săn lùng “hóa thạch sống”, đã phát hiện hoạt động kinh doanh vỏ các loài ốc nằm trong Sách đỏ Việt Nam diễn ra rầm rộ. Hàng cấm được bày bán nhiều và loạn xạ đến độ các ông bà chủ cam đoan “Muốn bao nhiêu cũng có”.

Tại chợ Đầm, bắt gặp một cặp khách Tây rời quầy hàng mỹ nghệ T.N với gương mặt rạng ngời hạnh phúc vì tậu được một cặp ốc kim khôi đỏ to đùng. Đút tờ trăm đô vào túi, bà chủ hân hoan: “Dân phương Tây hay có sở thích sưu tầm. Kim khôi đỏ là loại “hàng hiếm” chỉ có ở Khánh Hòa nên họ rất kết”.

Để khẳng định mình không nói dóc, bà chị lôi trong tủ kính một xấp giấy photocopy “lý lịch” của các loài ốc được sao từ Sách đỏ Việt Nam, rồi chìa cho “thượng đế” xem. Tờ giấy được photocopy từ trang 379 của Sách đỏ. Nội dung nói “… ốc kim khôi phân bố ở Khánh Hòa. Tuyệt đối cấm săn bắt”.

Khi cảm nhận được độ ép phê từ khách hàng tương lai, bà chị mới hé lộ “mấy bản đó là do dân sưu tập đưa cho chị, dặn nếu có hàng đúng vầy thì alô”. Bà chủ còn đon đả giới thiệu các loài khác như trai ngọc môi vàng, ốc tù và, ốc sứ cũng vốn là thành viên của Sách đỏ, chỉ Khánh Hòa với Quảng Ngãi mới có.

Tại các quầy hàng mỹ nghệ khác, cũng bắt gặp cảnh trưng bày, chào bán công khai đám tinh binh của long vương đang được pháp luật bảo vệ. Tại khu vực Cầu Đá, nạn mua bán càng ác liệt hơn bởi theo bỏ nhỏ của chị Bích Kiều, đây là đầu mối cung cấp “hàng” cho các quầy hàng lưu niệm tại chợ Đầm và khắp TP Nha Trang.

Thật ấn tượng khi được chiêm ngưỡng kho vỏ ốc toàn dạng quý hiếm tại các cửa hàng mỹ nghệ ở đường Trần Phú – Cầu Đá”. Một bà chủ ngoài 50, dáng người phốp pháp liến thoắng tiếp thị: “Tùy độ quý hiếm mà giá cả có khác nhau. Có con bằng ngón tay cái nhưng giá năm sáu trăm ngàn đồng, trong khi nhiều con bự hơn hàng chục lần, giá chỉ vài chục. Loài ốc Nga đỏ này dân Tây lùng mua về để gắn lên nón đấy. Một con giá năm chục… Hay thằng tai bồ (còn gọi là ốc tai tượng – Sách đỏ Việt Nam), 10 đô một con thôi hà!”.

Thấy khách do dự, bà này tặc lưỡi: “Bây giờ mà không mua mai mốt có tiền tậu cũng hổng có đâu. Loài này, Viện Hải Dương học đang đặt hàng chị mấy thùng. Chuyên gia còn bó tay phải nhờ chị, chứng tỏ thằng tai bồ này nay mai lên cơn sốt đấy”.

Hôm đó là ngày cuối tuần nên du khách tập trung tại khu vực Cầu Đá để tham quan Viện Hải Dương học, đi cáp treo, thăm các đảo rất đông. Hoạt động giao dịch san hô, vỏ ốc các loại vì thế cũng rất nhộn nhịp. Những món hàng Sách đỏ liên tục được các ông bà chủ cho vào bao trao tay “thượng đế”, đồng nghĩa với nỗi đau của biển ngày một tăng thêm. Với đà này, e rằng trong tương lai gần, vịnh Nha Trang rồi cũng sẽ cất bài ca… “ốc khóc!”.

Ai cứu “ốc Sách đỏ?”

Đi tìm câu trả lời của các cơ quan chức năng về việc bảo vệ các loài ốc đang có nguy cơ tuyệt chủng, tìm đến Ban quản lý chợ Đầm thì một nhân viên bảo “sếp bận họp”.

Đến Sở Thủy sản, Trưởng phòng Kỹ thuật, kỹ sư Ngô Thị Kim Thọ, cho biết: “Trước đây Sở Thương mại – Du lịch (TM-DL) và Sở Thủy sản có cuộc họp thống nhất trách nhiệm. Theo đó, Sở Thủy sản chịu trách nhiệm đối với các loài được đánh bắt trên biển, nếu bán ra thị trường thì đó là trách nhiệm của Sở TM-DL”.

Tại Sở TM-DL, bà Bùi Thị Hảo, Phó Chánh Văn phòng, nói: “Sở chỉ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước. Chi cục Quản lý thị trường mới chịu trách nhiệm trong việc cấm hay không cấm mua bán các loài ốc có nguy cơ tuyệt chủng”. Bà Hảo lại chỉ qua Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Lê Tấn Bản, Chi cục trưởng, cho biết: “Trách nhiệm xử phạt, thu giữ các loại ốc trong Sách đỏ là của Chi cục Quản lý thị trường. Còn chi cục chỉ quản lý các cảng cá, kiểm tra các cơ sở sản xuất nước mắm thủ công…”. Đến Chi cục Quản lý thị trường, anh bảo vệ bảo: “Ông trưởng và phó đi vắng cả. Không ai tiếp các anh được”!