Thách thức về ô nhiễm môi trường trong sản xuất than

Đất mỏ Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng cho một kho báu “vàng đen”. Than đã và đang mang lại nguồn thu chính cho tỉnh. Nhưng cùng với đó là cả một bài toán nan giải về vấn đề ô nhiễm môi trường, mà nếu không có giải pháp thích hợp sẽ gây hậu quả trái ngược trong tương lai

Lấy 1 phải đền…4

Quảng Ninh là một tỉnh có cơ cấu công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ lệ cao (trên 90%) với nhiều ngành công nghiệp phát triển vào loại bậc nhất cả nước như khai thác than, đóng tàu, điện, chế biến…

Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa chắc đã mang lại cho Quảng Ninh sự phát triển bền vững nếu không xử lý tốt bài toán về môi trường và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải. Với khoản thu khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm, Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong nộp ngân sách nhà nước, trong đó khai thác than đóng góp một phần không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, hàng năm tỉnh này khai thác hơn 40 triệu tấn than, trong đó xuất khẩu hơn 20 triệu tấn và sử dụng trong nước khoảng 16 triệu tấn. Nguồn thu từ than đã và đang giúp cho Quảng Ninh có điều kiện để đầu tư phát triển các ngành nghề và tăng cường thu hút đầu tư từ bên ngoài. Tuy vậy, nó cũng đặt ra bài toán về môi trường và sớm cần có phương pháp giải đáp. Cũng theo ông Nguyễn Duy Hưng thì đây cũng chính là vấn đề mà tỉnh này đang tìm hướng giải quyết.

Việc ô nhiễm môi trường ở Quảng Ninh chủ yếu là ô nhiễm nước thải, không khí, chất thải. Theo tham luận của GS-TSKH Nguyễn Mại tại Hội thảo Xúc tiến thương mại- Du lịch và Đầu tư Việt- Trung 2007 thì nồng độ bụi ở khu vực Cẩm Phả vượt từ 3-4 lần tiêu chuẩn cho phép. Mỏ Đèo Nai phải xử lý lượng đổ thải chất cao thành núi trong mấy chục năm qua. Mỏ Cọc Sáu với biển nước thải sâu 200m chứa 5 triệu m3, có nồng độ axit cao và độ PH 4-4,5mgđl/l và phải cần có công nghệ phù hợp để xử lý. Tham luận cũng dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, nếu “lấy” đi 1 thì phải đền bù, khắc phục gấp 3-4 lần.

Điều này cũng dễ hiểu vì muốn có than phải bạt đèo, xẻ đá, khoan đồi, khoét sâu vào lòng đất gần 200m so với mặt nước biển, có nơi sâu 6-7km… Theo số liệu thống kê, tỷ lệ bóc đất đá hiện nay là 5-5,5. Điều đó có nghĩa là mỗi năm để khai thác được 30 triệu tấn than đá thì công nhân ngành than phải bóc 150-160 triệu m3 đất đá.

Như vậy, có thể hình dung trong thời gian không xa sẽ có thêm những ngọn núi khổng lồ xuất hiện ở Quảng Ninh- những ngọn núi “nguy hại”. Và hậu quả về môi trường là không thể cân đong, đo đếm. Một vùng đất, vùng biển, vùng đảo và những cánh rừng nguyên sinh, một vùng du lịch sinh thái đầy tiềm năng, triển vọng có thể và cần được khai thác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, nếu tính đúng, tính đủ các loại chi phí, kể cả chi phí để giải quyết vấn đề môi trường (không ít hơn 40-50% tổng chi phí khai thác than- theo kinh nghiệm của thế giới) thì khai thác than nói chung và xuất khẩu than nói riêng chưa chắc đã có lãi.

Cần có chiến lược

Theo Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam (TVN), tổng trữ lượng than của Việt Nam là 220 tỷ tấn, trong đó vùng than Quảng Ninh chỉ chiếm khoảng 10,5 tỷ tấn. Nhưng trữ lượng than khai thác tốt nhất, theo các chuyên gia khoảng 3,2 tỷ tấn, tập trung ở khu vực Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, trong thời gian gần đây, giá xuất khẩu than có tăng, nhưng nếu chỉ tiếp tục xuất khẩu như những năm qua thì chưa đảm bảo tính bền vững.

Với chiến lược phát triển ngành điện, xi măng, phân bón hoá chất…, đến năm 2010, khả năng tiêu thụ than trong nước có thể lên đến 80 triệu tấn. Điều đó cũng có nghĩa, nếu không có chiến lược phát triển hợp lý, trong tương lai chúng ta sẽ phải… nhập khẩu than hoặc đóng cửa một số nhà máy.

Do đó, việc tổ chức, đẩy mạnh và phát triển nhanh các loại hình du lịch, dịch vụ ở Quảng Ninh sẽ bù đắp được ngoại tệ cho ngành than, và cứu vãn được môi trường sinh thái đang ở mức báo động. Điều đó đồng nghĩa với việc phải nhanh chóng có biện pháp giữ vững môi trường, đầu tư để thu hút khách du lịch và khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch nơi đây.

“Hàng năm, Quảng Ninh thu hút từ 3,5-4,5 triệu khách du lịch. Nếu để cho môi trường kém đi, chất lượng dịch vụ thấp thì không thu hút được khách du lịch, và khoản thu 2000 tỷ/năm cũng khó mà làm được”, ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh khẳng định.

Quảng Ninh có nhiều lợi thế phát triển, mà theo cách nói của ông Hưng là “chỉ cần đầu tư tốt là sinh ra tiền”. Với di sản văn hoá thế giới là Vịnh Hạ Long- và đang trong danh sách bầu chọn là 1 trong 7 Kỳ quan thiên nhiên thế giới, nếu có quy hoạch khai thác hợp lý sẽ tạo ra nguồn thu chính và bền vững cho Quảng Ninh trong tương lai.

“Thiên nhiên ban tặng nhưng yếu tố chính vẫn là con người. Nếu khai thác và sử dụng không hợp lý sẽ không tận dụng và phát huy được thế mạnh mà tự nhiên đã ban cho, thậm chí là bị thua thiệt”, ông Hưng nhấn mạnh.

Do đó, bài toán về môi trường, đặc biệt từ khai thác than phải cần sớm tìm ra lời giải đáp. Đó cũng là điều tất yếu trong xu thế phát triển đảm bảo sự bền vững và đóng góp quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta./.