Tâm sự “Người rừng”

“Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền biển nghèo khó, chẳng hiểu vì sao cuộc đời tôi lại gắn liền với nghề lâm nghiệp”, anh Nguyễn Đại Anh Tuấn – cán bộ Chi cục kiểm lâm Thừa Thiên Huế tâm sự. Đến bây giờ, khi đã có hơn 20 năm trong nghề nhưng nhiều lúc anh tự hỏi mình vì sao lại không theo nghiệp sư phạm như cha mẹ mong muốn.

Tâm sự với bạn bè, họ bảo có lẽ tính anh nghệ sỹ nên hợp với nghề rừng, cái nghề mà đòi hỏi muốn sống chết với nó, bạn cần phải có sự đam mê và có chút máu lãng tử.

Anh nói “Bạn phải biết thấu hiểu cái hồn của cánh rừng, dòng sông, con suối hay phải biết cảm tiếng hót của chim, tiếng hú của bầy voọc ngũ sắc, một loài linh trưởng có gương mặt đẹp chẳng khác thiên thần là mấy”!

Có thể nói rừng đã kéo anh đến với nghề này. Mỗi khi có dịp bù khú với bạn hữu, anh lại thao thao bất tuyệt về con này, cây nọ trong rừng, cho dù nhiều người bạn anh chẳng hiểu mô tê gì cả về hệ sinh thái hay cây cối này nọ.

Chẳng thế, họ thường trêu anh là người rừng. Và anh lại thấy thích thú về điều này.

“Cái nghiệp đeo đuổi”

Đến với rừng âu cũng là nghiệp. Tôi cầm tinh con Mèo, nói hài hước là mèo rừng.

Nhớ lại những năm 80 của thế kỷ trước, một sinh viên mới ra trường mang theo cái háo hức muốn cống hiến. Gian khổ đối với một thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết như tôi không là vật cản lớn lao. Tâm lý cào bằng trong công việc thời bấy giờ cũng không làm tôi nản chí. Tôi hăm hở lao vào công việc như một sự khám phá thích thú bản năng.

Cho đến giờ tôi đã trãi qua nhiều công việc liên quan đến rừng. Bắt đầu từ một kỹ sư với công việc chuyên môn về dự tính dự báo các loài bệnh hại cây rừng và phòng chống chữa cháy rừng.

Những cánh rừng thông nay đã đem lại những dòng nhựa đỏ tươi có mồ hôi và máu của những người kiểm lâm như tôi trong đó.

Cái lạnh cắt da và cái nắng rát bỏng mặt mũi ở vùng đất “nắng lữa mưa dầu” Bình Trị Thiên quả là nỗi khổ của những người làm nghề rừng.

Nhìn những công nhân cặm cụi vận chuyển từng gánh cây giống men theo những triền đồi cao ngất giữa mùa đông lạnh giá của xứ Huế tôi cảm thương cho họ nhiều hơn.

Để có những cánh rừng xanh ngút mắt ngày hôm nay, chẳng mấy ai biết có nhiều vụ chữa cháy rừng giữa cái nắng nóng khủng khiếp, có khi nhiệt độ không khí lên đến hơn 400c cộng với sức nóng của gió Lào cấp 4, cấp 5 đã khiến những công nhân lâm trường to cỡ… Hercules vẫn bất tỉnh.

 saola
 Phát hiện loài Sao La năm 1992

Làm nghề trồng rừng không ít người đã chết vì bom đạn còn lưu lại sau chiến tranh. Đôi khi nghĩ lại, chẳng hiểu sao lúc đó, giữa thời điểm khắc nghiệt đó với ngần ấy đồng lương chết đói, những người như tôi lại vẫn gắn bó với nghề này.

Có thể bạn cho rằng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác nhưng bạn không hiểu được rằng chính tình yêu thiên nhiên, yêu rừng đã níu chân tôi cho đến bây giờ.

Bảo tồn thiên nhiên

Đất nước dần thoát khỏi khó khăn và đương nhiên công việc tôi cũng bớt khó khăn hơn. Năm 1996 tôi bắt đầu làm quen với công tác bảo tồn thiên nhiên khi tôi có cơ hội làm việc với WWF – Indochina Programme.

Tôi lại hăm hở với công việc mới, công việc về bảo tồn đa dạng sinh học. Tôi có dịp được tham gia nhiều chuyến khảo sát đa dạng sinh học với các nhà khoa học trong và ngoài nước. Tôi tìm thấy sự đam mê từ họ và họ cũng cảm nhận được sự háo hức muốn hiểu biết của tôi.

Có lần, trong một chuyến khảo sát Sao La, một loài thú lớn mới phát hiện tại Việt nam năm 1992, tôi đã đi lạc sang tận đất Lào. Cũng chuyến đó, tôi bị nhiễm trùng máu do vết cắn của một loài côn trùng nhiệt đới. Gần 3 tháng chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm này, ơn Trời Phật tôi đã được cứu sống.

Điều này, với người khác có thể xem là một tai nạn sợ hãi, nhưng với tôi đó là một kỳ tích của bản thân, và tôi lấy làm hãnh diện với điều này. Thiên nhiên luôn ban tặng cho con người những điều kỳ thú.

Những cánh rừng Trường Sơn vẫn ẩn chứa trong nó muôn điều bí ẩn. Tôi ao ước mình đuợc tự khám phá nó. Những chuyến
khảo sát dài ngày vẫn được tiếp tục. Tôi sung sướng khi tìm thấy được những dấu chân muông thú.

Năm 1996, sau nhiều năm giới khoa học tin rằng, loài gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi) đã bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên kể từ năm 1924.

Tôi và các đồng nghiệp lao vào một cuộc tìm kiếm loài này ở vùng giáp ranh giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, nơi loài gà đặc hữu này phân bố ngoài ra không còn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

May thay, một nông dân địa phương tên là Văn Công Vĩnh ở thôn Hoà Bắc, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế đã bẫy được một đôi gà rừng trống và mái có hình dáng như chúng tôi mô tả.

Tiêu bản này sau đó được gửi đi Viện sinh học Copenhagen – Đan Mạch phân tích ADN và xác định là loài mà giới khoa học muốn tìm kiếm. Bao nhiêu khó nhọc đã được bù đắp, chúng tôi sống như người trên mây sau sự kiện khoa học đó.

 lam nhi
 Cô bé rừng xanh – Lâm Nhi

Năm 1998, tôi tham gia vào vụ cứu hộ một con hổ con bị thương nặng vì mắc bẫy của thợ săn. Con thú tội nghiệp này trước đó được những người kiểm lâm Phong Điền cứu thoát từ một vụ mua bán thú hoang dã và chuyển đến để tôi chăm sóc.
Từ một kỹ sư lâm nghiệp tôi trở thành một bác sỹ thú y bất dắt dĩ.

Cũng may bằng Internet, một công cụ còn rất xa lạ thời đó, tôi liên lạc được với các chuyên gia thú họ Mèo trên thế giới và đã chữa lành vết thương cho hổ.

Các chuyên gia từ Mỹ, Braxin và Canada cũng nói rằng không thể thả con thú non này vào lại rừng sau khi nó lành bệnh vì những lý do tập tính sống đã thay đổi của nó sau thời gian 42 ngày ở với…tôi.

Nếu thả lại nó về rừng thì cơ may sống sót của nó không cao, hoặc nếu nó sống sót thì nguy cơ lại thuộc về người dân địa phương khi nó rất dễ tấn công người.
Cuối cùng số phận con vật yêu thương của tôi đã không thể trở lại “cố hương” và cuộc phiêu lưu của nó đành dừng lại tại Vườn thú Hà nội để phục vụ nhân giống nội vi.

Ngày chuyển hổ về nhà mới ở vườn thú, hình như nó cũng khóc khi thấy tôi bịn rịn với nó. Con hổ này sau đó được WWF và các em học sinh VN đặt tên là Lâm Nhi – Cô bé rừng xanh.

Bây giờ Lâm Nhi đã cho ra đời 4 đứa con khỏe mạnh ở Vườn thú Hà Nội. Cuốn truyện tranh Cuộc phiêu lưu của Lâm Nhi tôi viết cho các em thiếu nhi ở Huế là câu chuyện kể về chú hổ con đáng thương này với mong muốn một thế hệ mới ở Việt Nam có hành vi thân thiện với thiên nhiên, để trong tương lai không còn những chuyện tương tự xảy ra.

Vai trò người dân

Là một người làm công tác bảo tồn thiên nhiên, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều cộng đồng dân địa phương ở nông thôn miền núi.
Họ là những người nông dân nghèo và chân chất như cha mẹ tôi.

 nguoi dan
Hướng dẫn cho người dân bảo vệ rừng

Trong tôi luôn dằn vặt biết bao câu hỏi về sinh kế của người dân và giá trị cần bảo tồn của thiên nhiên. Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi! Mùa đông thiếu áo, hạ thời thiếu ăn. Câu hát như một định mệnh gắn với vùng đất nghèo khó quanh năm này.
Rồi thiên nhiên khắc nghiệt khiến trời hành cơn lụt mỗi năm, người dân càng khốn đốn hơn.

Tôi cố gắng suy nghĩ để làm sao có được những dự án tài trợ cho những người dân nghèo thoát nghèo, để rừng mãi mãi xanh, để không còn ông tha mà bà chẳng tha, trời còn hành lụt hăm ba tháng mười nữa.

Những cánh rừng cũng như những phận người rồi cũng sẽ qua thời gian khó. Rừng đã xanh hơn và những dòng nhựa trắng từ rừng cao su, những dòng nhựa đỏ của thông xanh đã mang đến cho người dân của ăn của để.

Những gương mặt trẻ thơ đã luôn chực chờ những nụ cười và tiếng hát. Tôi đã nhìn thấy dấu hiệu của sự ấm no trên những bản làng này, và dưới những cánh rừng xanh bạt ngàn nơi tôi đi qua đã có những tiếng hát ca của muông thú.

Ngần ấy thôi, cũng đã cho tôi niềm vui để tôi tiếp tục cuộc hành trình làm người rừng của mình.