Luẩn quẩn lai lịch của gấu nuôi

Không ít cơ sở có sẵn các "bộ hồ sơ" ghi tên gấu. Có chủ nhân sử dụng hồ sơ quay vòng, thành thử chỉ một bộ hồ sơ nhưng lại xác nhận tên cho hết con gấu này đến con gấu khác. Vậy nên, để xác định đúng tên gấu, không cách gì khác phải kiểm tra chíp gấu.

Trong vụ nuôi nhốt 281 con gấu tại tỉnh Quảng Ninh, liên quan đến 6 doanh nghiệp bị lực lượng liên ngành bắt quả tang, toàn bộ số gấu đều nhốt trong cũi sắt và để phân tán tại nhiều địa điểm.

Với số lượng gấu lớn, phương tiện và kinh nghiệm kiểm tra chưa đầy đủ nên thoạt đầu, lực lượng liên ngành lúng túng để xác định đâu là gấu có chíp, có hồ sơ quản lý, đâu là gấu không hồ sơ hoặc bị mạo tên.

281 con gấu bị phát hiện, nhưng như thế chưa thể khẳng định tất cả đều vi phạm. Việc bắt buộc của Cảnh sát môi trường (CSMT) và Kiểm lâm là phải kiểm tra toàn bộ số gấu bị phát hiện có gắn chíp hay không, hồ sơ ra sao. Đây là việc không hề dễ bởi mỗi con gấu nặng khoảng 2 đến 3 tạ, được nhốt trong cũi sắt có chiều cao khoảng 1,5 – 2m, chiều rộng cũng trên dưới 2m. Gấu nuôi nhốt, di chuyển nhiều nơi nên gặp người lạ rất hung dữ.

Không ít cơ sở có sẵn các bộ hồ sơ ghi tên gấu. Nhưng liệu hồ sơ đó có chính xác với từng con đang nhốt trong chuồng? Không ít chủ nhân đã dùng bài lập lờ đánh lận, sử dụng hồ sơ quay vòng, thành thử có khi hồ sơ chỉ có một bộ nhưng lại cầm ra xác nhận tên hết con gấu này đến con gấu khác.

Vậy nên, để xác định đúng tên gấu, không cách gì khác phải kiểm tra chíp gấu. Khi kiểm tra 281 con gấu ở Quảng Ninh, ngày đầu tiên cả đoàn loay hoay mãi nhưng chỉ kiểm tra được vài con.

Nếu cứ đà ấy, để kiểm tra hết cũng phải mất cả tháng với hàng trăm lượt người, còn nếu vận chuyển đến trung tâm cũng phải huy động hàng chục container mới tải nổi các gấu kèm chuồng sắt.

Đấy là chưa kể khi cán bộ tiếp cận, gấu rất hung dữ, sẵn sàng xin… miếng cơ của cán bộ! Có trường hợp khi anh em vừa dùng kim tiêm cho vào chuồng, nhằm chân gấu để tiêm thuốc mê thì gấu đã lồng lộn, dùng chân trước tát nát dụng cụ.

Trung tá Trần Quốc Tỏ, Trưởng phòng 2, Cục CSMT hôm cùng tổ kiểm tra, có sự phối hợp của Kiểm lâm tiến hành kiểm tra chíp gấu trong vụ nuôi nhốt 281 con gấu ở Quảng Ninh cho biết, anh em phát hiện nhiều con gấu không có chíp nhưng vẫn có hồ sơ. “Chúng tôi kiên quyết kiểm tra chíp của gấu, dù công việc này rất khó khăn và mất nhiều thời gian, công sức” – anh quả quyết.

Theo quy định hiện hành, các chủ nuôi gấu chỉ được di chuyển địa điểm nuôi khi gấu đã hoàn tất hồ sơ, gắp chíp điện tử, được cơ quan Kiểm lâm ở tỉnh, thành phố xác nhận. Địa phương nào không có cơ quan Kiểm lâm thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận theo mẫu.

Khi vận chuyển gấu ra ngoài tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, bắt buộc phải có giấy phép vận chuyển đặc biệt do Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh cấp. Việc nuôi, nhốt gấu, chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người, gấu và không gây ô nhiễm môi trường.

Dự án gắn chíp điện tử cho gấu nuôi nhốt được chính thức khởi động từ tháng 08/2005 và tính đến thời điểm hiện nay đã có khoảng 5.000 con gấu nuôi được gắn chíp.

Tại TP Hồ Chí Minh, được sự tài trợ của Wildlife at Risk (WAR), hàng nghìn chíp điện tử (chi phí mỗi chíp khoảng 5 USD) đã được gắn cho gấu nuôi nhốt toàn thành phố và các địa phương khác.

Có chíp điện tử, tức gấu đã có “chứng minh thư”, kèm hồ sơ. Các chủ nuôi nhốt chỉ được phép nuôi nhưng không được giết, mổ hay lấy mật. Mọi hành vi giết, mổ là vi phạm pháp luật hình sự.

Quy định như vậy để kiểm soát số gấu chặt chẽ hơn và thực tế khi gấu đã có chíp, có hồ sơ, việc hao hụt con nào cũng dễ dàng phát hiện ra khi kiểm tra.

Khi tổ công tác của Cục CSMT và ngành Kiểm lâm địa phương kiểm tra 281 gấu nuôi nhốt ở Quảng Ninh, nhiều mũi trinh sát cũng tích cực rà tìm xem có chuyện giết, mổ gấu ở đây không. Việc nuôi, nhốt trái phép còn xem xét các yếu tố có đủ cơ sở để khởi tố hình sự hay không, còn đã giết mổ thì tất yếu phải khởi tố.

Tuy nhiên, đến nay chưa phát hiện tình tiết này. Trên góc độ nuôi gấu hút mật thì gần như ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng vì không ai có thể đủ thời gian kiểm soát các cơ sở nuôi gấu xem họ rút mật lúc nào và nếu có phát hiện được cũng không dễ dàng xử lý khi hình thức này đang trở nên phổ biến