Những cái chết thảm thương

Voọc chà vá là nhóm khỉ chuyên ăn lá, cũng là nhóm linh trưởng có nguy cơ bị tuyệt chủng trên thế giới. Các nhà khoa học đã ví việc phát hiện đàn voọc vá chừng 150 con vừa qua cũng giống như việc tìm thấy một "vương quốc" mới!

Nhưng những đàn voọc hiếm hoi còn lại tại VN lại đang đối mặt với nguy cơ sinh tử ở những khu rừng được xem như là những “vương quốc” bao đời nay của chúng.


Những phát đạn giòn đanh vang lên giữa rừng Trà Sung ở xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), những con voọc chà vá buông tay rớt xuống. Những đàn voọc này vẫn còn rơi nước mắt nhìn bạn bầy mình rơi xuống chỗ đứng của những người thợ săn đang hăm hở mừng vui.

“Thương cho con khố mới lắm!”

Những người Kor ở các nóc (xóm) Ông Tiến, Ông Thông – thuộc làng Trà Sung, xã Tam Lãnh – đều nói rừng Trà Sung có ba đàn voọc ở các núi Dương Ngang, Dương Bà Dụ, Dương Cây Chai, mỗi đàn ở riêng một quả núi. “Hồi cái làng của ông cha mình còn nằm sâu giữa núi Dương Ngang, Dương Bà Dụ, mình lớn lên đã thấy bầy khố mới sống ở cái rừng ni rồi.

Cũng như con người, nó cũng sinh đẻ kế thế, còn ở đây đến chừ…” – già làng Tiến, già làng Thông cùng nói. Người dân ở đây quen gọi voọc năm màu là con khố mới bởi bộ lông voọc sặc sỡ, nhất là túm lông ở mặt có màu đỏ hoe lẫn vàng, trắng và chóp lông trên đầu giống như chiếc bêrê khiến họ liên tưởng đến chiếc khố mới. Những người Kor ở đây cho rằng voọc năm màu hiền lành, chỉ thường sống trên ngọn cây cao chứ không xuống đất, không hề phá hoại hoa màu nên từ lâu họ không săn chúng. Và cũng bởi vậy những đàn voọc này mới sống được ở những vùng rừng này từ bao đời nay với họ.

Vậy tại sao con voọc ở đây lại cứ bị săn giết, bị chết lần mòn? “Chúng bị chết oan, bị săn giết bắt đầu từ thời chiến tranh”, anh Thanh – 57 tuổi, người nóc Ông Tiến – nói. “Thấy nó nhảy trên cây ầm ào, lại cứ đưa cái mặt nhìn lên, tàu rọ của Mỹ đã bắn chết nó nhiều lắm. Tụi tui bắt đầu biết ăn thịt voọc là bởi bắt được hai con voọc to bị thương do tàu rọ bắn”, anh Thanh kể lại.

Rồi cũng trong chiến tranh, do thiếu đói, sẵn súng ống có được, một số người Kor trong vùng đã phải săn bắn voọc để có thêm cái ăn. Có rất nhiều con voọc ở rừng này bị săn giết thời chiến tranh mà nhiều người ở đây đã thấy được. Anh Thanh nói anh vẫn không quên lần thấy một con voọc mẹ bị bắn bị thương đã đưa tay chuyền lại con voọc con của mình cho một con voọc ngồi kề bên trước khi rơi nhào xuống đất. “Thương cho con khố mới lắm, chúng hiền lành, không hại chi con người lại bị săn giết miết!”, những người Kor ở Trà Sung đã nói vậy.

Nước mắt chảy dầm

Nhưng đáng thương cho những đàn voọc ở đây là chúng vẫn tiếp tục bị săn khi bầy đàn của mình vừa mới hoàn hồn ngay cả lúc bom đạn không còn. Không kể một số vụ săn voọc trước đó, chỉ từ năm 1995-1998, người dân ở nóc Ông Tiến kể họ đã thấy tận mắt năm con voọc ở núi Dương Ngang bị săn giết để ăn thịt.

“Thịt voọc không ngon chi lắm, khi xẻ thịt lại nghe mùi lá cây từ bao tử, từ ruột nó bay ra rất là hôi. Lại thấy cái khuôn mặt nó trông giống con người, vừa tội nghiệp, vừa ghê ghê”, những trai tráng ở nóc Ông Tiến nói. Một số người ở đây đã đang tay bắn hạ những con vật sống âm thầm, lặng lẽ trên chót vót tán cây cao này.

Anh Phương – 54 tuổi, người nóc Ông Tiến – cho hay cách nay hơn mười năm, anh đã cùng một công nhân ở Xí nghiệp vàng Bồng Miêu lội vào Dương Ngang, chỉ một buổi đã bắn hạ cùng lúc bốn con voọc to và một voọc con.

“Mình đi bắn voọc chỉ là ham vui thôi. Song thấy con voọc con bu theo bụng mẹ rớt xuống với con voọc mẹ, mình ân hận lắm”, anh Phương nói. Từng tận mắt thấy voọc bị bắn hạ, những người Kor ở đây kể con voọc nào rơi xuống đất dù bị thương hay đã chết đều nước mắt chảy dầm, hệt như con người khóc vì đau đớn, sợ hãi. Họ cũng kể những con voọc trên cây khi thấy bạn bè bị bắn rớt xuống, một số hoảng hốt chuyền nhảy vút đi, nhưng một số vẫn ngồi im nhìn theo con voọc bị nạn mãi một hồi lâu mới chịu chuyền cành chạy trốn. “Chắc chúng muốn nhìn bạn lần cuối cùng. Loài voọc khôn lắm, ánh nhìn của nó giống con người quá mà”, nhiều người nói.

Nhưng đáng xót xa hơn là giữa khi thông tin về việc cần phải bảo vệ loài voọc quí hiếm đã đến được với nhiều người trong vùng, những con voọc ở đây vẫn còn bị săn giết. Anh Thanh cũng như những trai tráng ở nóc Ông Tiến cho biết vào năm 2003, một thợ săn ở thôn 6, xã Tam Lãnh đã “ung dung” bắn hạ một con voọc to khoảng 25kg ở núi Dương Ngang mang về ăn thịt.

Ở vùng cư trú của những đàn voọc ở Trà Sung tiếp giáp với nhiều làng thuộc các xã lân cận của các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, những đàn voọc này cũng đã không thoát khỏi bàn tay của những người săn thú. Do bị săn đuổi, bắn giết, nhiều con voọc ở đây bị lạc đàn, bị rớt xuống đất và đi lạc xuống làng nên đã bị cư dân ở đó vây bắt, một số ít trong đó được lực lượng kiểm lâm kịp thu giữ đưa về nơi bảo dưỡng. “Không có kiểm lâm ra tay kịp, con voọc rừng đây đi lạc xuống làng đã bị người dân ở thôn 8, Tam Lãnh giết thịt hồi đầu năm 2003 mất rồi”, một người dân ở nóc Ông Tiến nói. Xem ra nước mắt của những đàn voọc năm màu ở đây vẫn còn chưa hết đổ xuống, từ trên cành cao và cả trên mặt đất…(Còn tiếp)