Cần cơ chế giám sát đa dạng sinh học toàn cầu

ThienNhien.Net – Đa dạng sinh học (ĐDSH) ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm kể từ sự kiện “Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất” tại Rio de Janerio và Công ước quốc tế về ĐDSH (CBD) được thông qua năm 1992. Mặc dù sau đó, công tác bảo tồn ở cấp địa phương đã có được một số thành công trong nhưng các mối đe dọa toàn cầu đối với ĐDSH vẫn không ngừng gia tăng. Theo GS. Michel Loreau, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Lý thuyết Sinh thái học Canada cho rằng CBD đã không thể kìm hãm xu hướng này vì nhiều lí do, trong đó ông nhấn mạnh đến một nguyên nhân có thể giải quyết được vấn đề một cách dễ dàng. Đó là vấn đề khoảng cách giữa nghiên cứu và chính sách cần được lấp đầy. Dưới đây là ý kiến của Michel Loreau.

Cần có công tác truyền thông hữu hiệu

CBD và các thỏa thuận quốc tế khác về ĐDSH đang thiếu một cơ chế giám sát giống như cơ chế mà Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC) hiện sử dụng để đưa ra những đánh giá khoa học rõ ràng, tham vấn cho các chính phủ cũng như cộng đồng về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Để điều chỉnh vấn đề này, cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong đó xem xét việc thành lập một Cơ chế Chuyên môn Khoa học Quốc tế về ĐDSH (IMoSEB). Với vai trò đồng Chủ tịch Ủy ban điều hành quốc tế, tôi tin rằng những các ý kiến tham vấn sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa khoa học và chính sách về đa dạng sinh học, cũng như tạo ra một môi trường thể chế có hiệu quả hơn để giải quyết khủng hoảng về đa dạng sinh học.

ĐDSH là một di sản thiên nhiên không thể thay thế được và là nền tảng của rất nhiều lợi ích cần thiết đối với sự thịnh vượng của loài người và công cuộc phát triển bền vững. Thế nhưng nó chưa có trọng lượng trong quá trình ra quyết định của cá nhân và xã hội. Việc tăng cường nhận thức chung về vai trò của ĐDSH đối với xã hội loài người rất quan trọng trong phát triển kinh tế và xây dựng các công cụ chính sách để bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này. Tương tự như IPCC về biến đổi khí hậu, một IMoSEB đủ mạnh sẽ giúp đạt được mục tiêu.

ĐDSH thường được nhìn nhận như một khái niệm phức tạp, có phần không rõ ràng, rất khó đo đếm, và những thứ bản thân nó cung cấp rất khó để xác định chỉ tiêu và giới hạn một cách cụ thể. Tôi tin rằng việc xác định những chỉ tiêu và giới hạn là điều có thể thực hiện được, tuy nhiên do kiến thức khoa học và chuyên môn hiện nay chưa được huy động một cách tương xứng. Tôi cũng xin nhắc lại, IMoSEB đủ mạnh sẽ giúp giải quyết được vấn đề này.

Ai đó có thể cho rằng trong khuôn khổ CBD đã có cơ quan chịu trách nhiệm huy động chuyên môn khoa khọc về ĐDSH, đó là Hội đồng Cố vấn Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ (SBSTTA), đơn vị thường xuyên báo cáo trong các hội nghị thành viên. Tuy nhiên, SBSTTA đã không hoàn thành nhiệm vụ một cách thuyết phục. Nguyên nhân rất đơn giản, đó là vì nó phải kiêm nhiệm quá nhiều. Bạn không thể cùng một lúc đưa ra các quyết định về chính sách cho Hội nghị thành viên, đồng thời đánh giá một cách độc lập và khách quan các kết quả nghiêu cứu khoa học hiện thời được. Vì vậy, rất cần một IMoSEB độc lập (trong khuôn khổ hoặc ngoài khuôn khổ CBD) để thực thi việc đánh giá này.

Khai phá “những điểm lạnh”

Hầu hết “những điểm nóng” về ĐDSH lại là “những điểm lạnh” về sự nghiên cứu của các nhà khoa học về ĐDSH: Phần lớn ĐDSH tập  trung ở các vùng nhiệt đới, trong khi hầu hết các nhà nghiên cứu về ĐDSH (có một số ngoại lệ ) lại tập trung ở các nước phát triển. Việc giải quyết cơn khủng hoảng ĐDSH toàn cầu sẽ đòi hỏi việc chuyển giao kiến thức, cũng như các bí quyết về kỹ thuật và tiền bạc giữa các khu vực khác nhau trên thế giới, điều này sẽ được IMoSEB hỗ trợ thực hiện.

Tôi không cho rằng sự chuyển giao này chỉ có tính một chiều. Trong những năm gần đây, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học hữu ích do các quốc gia phát triển tích lũy đã giúp các nước đang phát triển thực hiện phát triển bền vững dựa trên việc sử dụng hợp lý và tôn trọng các nguồn tài nguyên sinh học.

Tuy nhiên, về lâu dài, việc bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH rốt cuộc sẽ xoay quanh sự phát triển một mối quan hệ mới giữa loài người và thiên nhiên, trong đó không một quốc gia hay nguyên tắc khoa học đơn lẻ nào có thể đóng vai trò chủ đạo được. Thực tế, các nước phát triển có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các nước kém phát triển hơn trong lĩnh vực này.

Ngành khoa học sinh thái hiện đại đang tìm lại một số kinh nghiệm truyền thống về giá trị của ĐDSH đối với năng suất và tính ổn định của các hệ sinh thái. Kinh nghiệm này vẫn đang được áp dụng trong một số phương thức canh tác nông nghiệp ở các vùng nhiệt đới và có thể vận dụng vào nền nông nghiệp hiện đại ở các nước phát triển.

Xung đột gay gắt ngày càng tăng

Những xung đột phát sinh từ việc khai thác của tài nguyên sinh học của đất liền và biển sẽ trở nên ngày càng gay gắt ở các khu vực đang phát triển và kéo theo nhiều dạng khác ở các khu vực phát triển. Ngành khoa học bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH sẽ phải được phát triển theo một cách thức mới để theo kịp với thực tế của mối quan hệ giữa loài người và môi trường tự nhiên ở các khu vực đang phát triển.

Việc thiết lập IMoSEB là cần thiết trong trường hợp không đủ điều kiện để giải quyết các cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học. Việc lấy ý kiến tham vấn theo khu vực hiện đang được thực hiện để đánh giá nhu cầu, phạm vi và thể thức của IMoSEB sẽ quyết định sự thành công của nó. Ủy ban điều hành quốc tế dự kiến họp tại Pháp vào cuối năm nay sẽ đánh giá những tham vấn này và đưa ra đề xuất.

Cộng đồng khoa học quốc tế đã hỗ trợ cho sáng kiến IMoSEB. Một số quốc gia cũng đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ. Tôi hy vọng rằng chính phủ tất cả các quốc gia sẽ nhận thấy lợi ích của một cơ chế như vậy và xây dựng nó một cách phù hợp nhất.