Nếu không có quy hoạch sử dụng đất: Nghĩa trang sẽ lấn đô thị

Hiện nay, đất đô thị của nước ta hơn 1.150.000 ha, trong đó đất ở chỉ chiếm có 8,9% (gần 103.000 ha), nhưng đất nghĩa trang đã lên tới 97.052 ha. Bình quân đất ở của một người sống ở đô thị chỉ là 12m2, nhưng tại thành phố Huế, bình quân đất mỗi ngôi mộ lên tới 50 m2, cá biệt có ngôi mộ tới 600 m2. Trước nguy cơ bành trướng của các nghĩa trang, những quy định về địa điểm và quy mô tối đa cho mỗi ngôi mộ sắp được ban hành, không chỉ nhằm chấm dứt việc chôn cất người chết tùy tiện trong vườn, trên ruộng đồng, trong các khu dân cư, gây mất vệ sinh vừa mất thẩm mỹ, mà còn nhằm hạn chế lãng phí tài nguyên đất.

Một người sống phải “gánh” một người chết

Đây là nhận xét của ông Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam và ông cho biết thêm: Từ năm 1990- 2004, diện tích đất nghĩa trang đã tăng từ 32.700 ha lên hơn 97.000 ha (tức là tăng gấp 3 lần và bình quân một người sống chịu thêm 12m2 đất nghĩa trang).

Trung bình mỗi năm cũng có hơn 45.000 người chết và mỗi ngôi mộ chiếm 10m2 (kể cả diện tích lưu thông, thoát nước, cây xanh…) thì 10 năm tới, đất nghĩa trang của Việt Nam phải lên đến 142.000 ha, gấp rưỡi hiện nay.

Tỉnh Thừa Thiên Huế là một điển hình về việc lãng phí đất trong việc xây nghĩa trang. Ông Đoàn Nhuận, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: hiện nay, đất mai táng của tỉnh có khoảng 8000 ha, chiếm 10-15% đất nông nghiệp. Bình quân mỗi mộ dân tự xây khoảng 50m2. Mỗi năm, Huế có khoảng 8000 người người chết và cần 40 ha để xây lăng mộ.

Từ năm 1920- 2005, dân số Việt Nam đã tăng gấp 5,3 lần, trong khi đó dân số thế giới tăng 3,6 lần. So dân số hiện nay với diện tích lãnh thổ, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mật độ đông dân nhất tính trên diện tích đất, cao gấp 6-7 lần thế giới (35-40 người/km2), cao gấp đôi Trung Quốc và gấp 10 lần so với các nước phát triển. Điều này càng khẳng định nước ta quá ít đất, người đông địa hình lại “tam sơn tứ hải, nhất phân điền”, đất đồng bằng càng đặc biệt quý. Vì thế không thể không tiết kiệm từng tí đất, sử dụng thật hợp lý với cả người sống và người chết. Muốn làm được điều này đòi hỏi chúng ta phải xây dựng quy hoạch sử dụng đất quốc gia một cách hợp lý và có tầm nhìn xa.

Xây mồ mả được xác định là việc làm hệ trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc ta từ lâu đến nay. Khi được đề cập đến việc quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải dành bao nhiêu cho đất nghĩa trang hay thay đổi một thói quen chôn cất bằng hỏa táng để tiết kiệm đất lại giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan; hay chôn làm nhiều tầng… Nói chung, việc này rất nghiêm trọng, nếu không giải quyết khéo sẽ có những phản ứng bất lợi trong xã hội.

 “Hóa thân hoàn vũ” là giải pháp tối ưu?

Việc tập trung đất sử dụng thành khu nghĩa trang hay chôn cất rải rác trên các thửa đất được phép trong làng, xã, thậm chí ngay trong vườn nhà, ruộng nhà ngày càng nhiều, chiếm những diện tích lớn và trở nên bất tiện đối với lợi ích cộng đồng (quy hoạch, vệ sinh…), gây lãng phí đất đai, tranh chấp cả với nhu cầu của những người đang sống. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng muốn đưa ra giải pháp để khắc phục một cách căn bản vấn đề này sẽ không đơn giản, nếu không thay đổi tập quán thói quen chôn cất. Các giải pháp chỉ mới tập trung vào việc hạn chế không gian chiếm dụng cho mỗi người chết. Nhưng chúng ta lại chưa có định suất cho mỗi ngôi mộ. Đã đến lúc cần phải ban hành định mức (sàn tối đa) cho mỗi ngôi mộ. Chúng ta mới có Luật Cư trú cho người sống, nhưng chưa có chế định cho người đã chết liên quan đến đất đai và bảo vệ môi trường. Theo Luật Đất đai năm 2003 chưa khống chế quy mô kiến trúc mỗi ngôi mộ.

Quy tập mồ mả vào những vùng đất phù hợp với việc chôn cất người chết nhưng ít giá trị kinh tế như gò đòi, núi đất… Đặc biệt là hạn chế và đi đến chấm dứt việc chôn cất trong vườn hay trên ruộng đồng và lẫn trong khu dân cư vừa gây mật vệ sinh vừa mất thẩm mỹ, lại lãng phí tài nguyên đất. Đã có một số dự án xây dựng các nghĩa trang sinh thái tâm linh biến cả nghĩa trang lớn thành công viên đáp ứng mọi nhu cầu dịch vụ tâm linh. Một hướng nữa là tận dụng hiệu qủa tối đa trên một diện tích tối thiểu. Điển hình như Singapore đã thực hiện được cuộc vận động quy tập và di dời những người đã khuất vào các khu chung cư cao tầng, với thiết kế thích hợp của một nhà mồ hiện đại, để dành đất cho sự phát triển.

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc: Có lẽ đối với người Việt Nam, phương thức thích hợp mang tính lâu dài và triệt để hơn cả là “hóa thân hoàn vũ”. Phương thức này đặc biệt phù hợp với những người theo Đạo Phật, vì sau đó tro xương được đưa lên chùa, đặt trong các bảo tháp nhiều tầng tận dụng chiều cao của tháp để trữ được nhiều lọ tro và sau một thời gian nhất định sẽ được “hóa” để tái sử dụng.

Được biết: Bộ xây dựng đã xây dựng dự thảo Nghị định về xây dựng quản lý và sử dụng đất nghĩa trang đang trình Chính phủ. Theo đó, tại Điều 4 quy định: Diện tích sử dụng tối đa cho mộ mai táng một lần không quá 5m2 và diện tích sử dụng đất cho mỗi ngôi mộ cải táng không quá 3m2. Khi văn bản pháp lý này có hiệu lực sẽ là một bước tiến lớn, góp phần quản lý, sử dụng đất có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất nhạy cảm, tế nhị vì nó động tới đời sống tâm linh người Việt ta nên cần phải tham khảo rộng rãi ý kiến của đông đảo nhân dân cả nước.

Mặc dù Nghị quyết Trung ương 6 khuyến khích hỏa táng và tập quán của cha ông ta cũng chỉ đến đời thứ 5 không còn mộ. Nhưng hiện nay mọi nhà, mọi dòng họ vẫn đua nhau xây mộ bê tông để lưu giữ vĩnh cửu, thì vấn đề giải quyết đất cho nghĩa trang trong những năm tới là quá khó.