Việt Nam, Australia hợp tác “biến” nước ô nhiễm thành nước sạch

Hợp tác đổi mới sáng tạo giữa Australia và Việt Nam đã giúp đem lại nguồn nước sạch cho hàng nghìn người dân trong các vùng lũ lụt miền Trung hay đồng bằng sông Hồng.

Học sinh Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Trạch trước đây vẫn phải uống nước bình

Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Trạch (thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Bố Trạch, Quảng Bình), trước đây sử dụng chủ yếu nước mưa và giếng đào, thường xuyên chịu cảnh thiếu nước khi mưa ít. Trường có khoảng 100 học sinh, chủ yếu là dân tộc thiểu số Arem. Sau đợt lũ lịch sử năm ngoái, hệ thống nước của trường bị hư hỏng nặng, nguồn nước cũng bị nhiễm phèn, kim loại nặng. Bức thư ngỏ khi ấy của thầy Trần Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, đã được chuyển tới dự án “RAPIDO – Xử lý nước bằng công nghệ 4.0” – một dự án hợp tác về nước sạch giữa các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS, Australia)  với các đối tác Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ty Công nghệ Môi trường Quang Minh.
Trường ở quá xa, lại chưa có điện lưới mà chủ yếu sử dụng năng lượng mặt trời, do đó dự án đã lắp đặt tặng nhà trường hệ thống lọc nước tiêu hao năng lượng thấp nhưng đảm bảo nhu cầu sử dụng hằng ngày cho hơn 100 học sinh và giáo viên trong trường.

Bàn giao hệ thống lọc nước cho Trường Dân tộc bán trú

Hệ thống lọc này có thể xử lý các chất ô nhiễm trong nước như cặn lơ lửng, chất hữu cơ, vi sinh vật gây bệnh trong nước lũ, nước mưa và nước giếng, “biến” nước ô nhiễm thành nước sạch cho người dân sử dụng. Hệ thống lọc này có thể vận hành bằng điện, hoặc bằng máy phát điện, ắc quy, rất phù hợp với vùng khó khăn.

Dự án do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ, với trị giá 997.000 AUD và là một phần trong chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia. Dự án có kế thừa các kết quả từ dự án xử lý nước nhiễm arsen do UTS tiến hành tại Việt Nam từ năm 2017 cũng do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cùng Google tài trợ.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Vinh thuộc UTS cho biết: “Trong hai dự án này, các nhà nghiên cứu của UTS và đối tác Việt Nam đã phát triển được vật liệu lọc từ các nguyên liệu có sẵn như quặng, khoáng tự nhiên, phụ phẩm công nghiệp và các vật liệu thương mại khác để chọn ra vật liệu lọc tốt nhất với giá thành hợp lý, và ứng dụng cho các thiết bị lọc với thiết kế tối ưu cho từng loại nguồn nước”.

Trong giai đoạn trước tại Đồng bằng sông Hồng, dự án đã lắp đặt thử nghiệm bộ lọc cho 3 trường mầm non và gần 300 bộ cho các hộ dân ở các xã thuộc Hà Nam, Hà Tây (nay là Hà Nội), đem lại dòng nước sạch cho hàng nghìn người thay vì phải dùng nước giếng khoan lọc thô sơ, hoặc mua nước đóng bình cho việc ăn uống.  Các hệ lọc này có thể loại bỏ arsen, armoni và sắt trong nước ngầm, đem lại nước sạch đạt tiêu chuẩn nước uống do Bộ Y tế ban hành. Đặc biệt, hai chủng vi khuẩn Coliform và E.Coli gây bệnh tiêu chảy không được tìm thấy trong nước sau khi lọc.

Khi lũ lụt thiên tai lịch sử ập vào miền Trung tháng 10/2020, dự án RAPIDO đã đề xuất thiết kế và cải tiến hệ thống lọc đang được áp dụng ở đồng bằng sông Hồng để đưa vào miền Trung cung cấp nước sạch cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.  Xem xét đề xuất này và dựa trên các kết quả đã có, Đại sứ quán Australia tại Hà Nội, đại diện nhà tài trợ, đã quyết định điều chỉnh nguồn lực của dự án để giúp đỡ người dân miền Trung.

Nguồn tài trợ kịp thời này đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người dân và được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đánh giá rất cao.

Dự án UTS RAPIDO nằm trong chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo Aus4Innovation của Australia với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, giúp Việt Nam nắm bắt các cơ hội mà các mạng công nghiệp 4.0 mang lại, định hướng chương trình đổi mới sáng tạo của Việt Nam về khoa học công nghệ. Chương trình kéo dài trong 4 năm, từ 2019 – 2022, với tổng số tiền tài trợ 11 triệu AUD.

Từ kinh nghiệm của Australia, chương trình Aus4Innovation đang thử nghiệm những cách thức khác nhau để nhà nghiên cứu và doanh nghiệp tại Việt Nam có thể hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết những thách thức trong từng lĩnh vực, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng thích ứng.